Người trẻ 'đẻ' ra tiền nhờ ứng dụng AI:

Hệ thống quản lý tài sản làm lợi hơn 1 tỉ đồng/năm

Vũ Thơ
Vũ Thơ
18/04/2023 06:00 GMT+7

Để quản lý tài sản cố định tránh thất thoát và tìm kiếm dễ dàng, nhóm bạn trẻ của Trung tâm nghiên cứu và phát triển MobiFone (Tổng công ty Viễn thông MobiFone) đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), làm lợi cả tỉ đồng mỗi năm.

Tự động quản lý tài sản

Hệ thống quản lý tài sản cố định sử dụng công nghệ RFID là công trình do các anh Lê Xuân Chiến, Hồ Quang Tuấn, Nguyễn Đức Toàn và Lê Hùng Tứ (Trung tâm nghiên cứu và phát triển MobiFone) nghiên cứu sáng chế, đã ứng dụng thành công tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone; ước tính giúp tiết kiệm gần 1,3 tỉ đồng/năm. Sản phẩm này có thể áp dụng ở nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Hệ thống quản lý tài sảnlàm lợi hơn 1 tỉ đồng/năm - Ảnh 1.

Nhóm tác giả (từ phải qua trái): anh Hồ Quang Tuấn, anh Lê Hùng Tứ, anh Lê Xuân Chiến, anh Nguyễn Đức Toàn

V.T

Anh Hồ Quang Tuấn, đại diện nhóm tác giả, cho biết trước đây MobiFone quản lý các tài sản của tổng công ty bằng cách thủ công là đi kiểm kê hiện trường ghi nhận các thông tin về tài sản. Việc này mất thời gian, nguồn lực và có thể sai sót, thất thoát tài sản. Bên cạnh đó, khi khảo sát, nghiên cứu thị trường, đơn vị của anh nhận thấy một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi phải quản lý tài sản, kho hàng lớn mà không cập nhật được thông tin tài sản; từ đó không tìm thấy vị trí tài sản trong kho, mất mát tài sản, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của họ. Vì vậy, các doanh nghiệp này rất mong có một giải pháp quản lý tài sản hiệu quả.

Vậy là nhóm đã bắt tay nghiên cứu về công nghệ RFID, là công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến. Công nghệ này cho phép nhận biết các đối tượng thông qua hệ thống thu, phát sóng radio, từ đó có thể giám sát, quản lý hoặc lưu vết từng đối tượng. Sau nhiều ngày tìm hiểu về công nghệ này và các ứng dụng của nó ở các nước trên thế giới, nhóm đã cho ra đời Hệ thống quản lý tài sản cố định sử dụng công nghệ RFID.

"Mô hình hoạt động của hệ thống bao gồm các thành phần: nền tảng phần mềm quản lý tài sản, thẻ tag; đầu đọc thẻ cố định; ăng ten. Để thực hiện quy trình, mỗi tài sản sẽ được gắn thẻ định danh và được kiểm soát trong kho hoặc trong cơ quan một cách tự động bằng đầu đọc thẻ RFID hoặc hệ thống ăng ten kiểm soát ở cửa ra vào. Các tín hiệu từ thẻ RFID được gắn lên tài sản mang thông tin về tài sản đó và có thể truyền thông tin đến các đầu đọc thẻ RFID hoặc các ăng ten cố định thông qua sóng vô tuyến, sau đó chuyển về nền tảng phần mềm quản lý để xử lý và lưu trữ thông tin nhằm thực hiện chức năng kiểm soát tình hình tài sản trong thời gian thực đang được sử dụng hoặc lưu trữ ở các phòng ban", anh Lê Xuân Chiến, đồng tác giả của công trình, phân tích.

"Khi tài sản được vận chuyển đưa ra hay cất vào kho thì hệ thống sẽ tự động ghi nhận lịch sử về thông tin, thời gian, không cần có người giám sát. Đồng thời, cùng với việc tích hợp các ứng dụng khác, phần mềm cũng xác định được tại thời điểm đó ai là người vận chuyển. Sau đó, phần mềm tự động thống kê mà không cần có đội ngũ quản lý kho bãi", anh Hồ Quang Tuấn cho biết thêm…

Tiết kiệm hơn 1 tỉ đồng/năm

Điểm độc đáo của công trình này là hệ thống được tích hợp thêm mã QR Code nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm kê tài sản. Đầu đọc thẻ di động có chức năng đọc được cả mã QR Code. Hệ thống cũng được thiết kế bao gồm một ứng dụng cài đặt trên smartphone để quét mã QR Code với các tính năng tương tự như ứng dụng trên nền tảng web. Người dùng được cấp một tài khoản và mật khẩu được đồng bộ với tài khoản trên nền tảng web để truy cập vào hệ thống và theo dõi được thông tin, trạng thái của tài sản thông qua smartphone mà không cần truy cập vào web.

Đánh giá về công trình này, tiến sĩ Mai Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển MobiFone, cho biết: "Công trình này đã đem đến những trải nghiệm tốt cho cán bộ, công nhân viên MobiFone và các cơ quan, khách hàng doanh nghiệp tại các buổi triển lãm. Sản phẩm được phát triển không chỉ có ý nghĩa trong việc quản lý được tài sản cố định của đơn vị một cách hiệu quả hơn, nâng cao năng suất lao động… mà còn mang nhiều ý nghĩa, chuyển từ ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm thực tế, để triển khai kinh doanh ra thị trường; từ đó giúp đơn vị có thêm nguồn doanh thu mới từ việc bán sản phẩm".

Một tính năng thông minh và tiện dụng của phần mềm là cho phép cung cấp, tổng hợp dữ liệu từ các thẻ tag, QR Code chuyển về, hỗ trợ người dùng phân tích số liệu, thống kê tài sản theo quy trình quản lý tài sản của đơn vị. Đồng thời, phần mềm này có thể trích xuất các định dạng file chứa thông tin của tài sản (ví dụ như csv, excel) và các định dạng file đó có thể tương thích với đầu vào của các hệ thống khác ở đơn vị. Với những tối ưu này, công trình Hệ thống quản lý tài sản cố định sử dụng công nghệ RFID đã được triển khai áp dụng tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone và được đăng ký chứng nhận quyền tác giả cấp ngày 1.6.2021.

Anh Hồ Quang Tuấn cho biết việc nghiên cứu thành công hệ thống phần mềm quản lý tài sản sử dụng RFID đã giúp người dùng cập nhật thông tin nhanh chóng, kịp thời; hạn chế rủi ro, hỏng hóc hay thất lạc tài sản. Bên cạnh đó đã tối đa hóa thời gian hoạt động của tài sản, các công cụ, dụng cụ có giá trị; nâng cao chất lượng quản lý, giám sát và kiểm kê tài sản, giảm thiểu sai sót do con người gây ra; độ chính xác khi kiểm kê tài sản tăng 50% so với phương pháp thủ công.

"Khối tài sản cố định của MobiFone lên tới 40.000 tỉ đồng (gồm máy móc, thiết bị, hồ sơ...). Ước tính khi triển khai toàn tổng công ty, hệ thống này sẽ giúp tổng công ty tiết kiệm được khoảng 1,238 tỉ đồng chi phí thuê nhân công kiểm kê và quản lý tài sản", anh Tuấn cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.