Hiến kế khoán xe công: Hình ảnh cán bộ sẽ thân thiện hơn

12/03/2017 06:00 GMT+7

Thực hiện khoán xe công là một chủ trương rất hợp lòng dân, không những tiết kiệm ngân sách mà còn tạo nên hình ảnh người cán bộ giản dị, thân thiện.

Đất nước ta còn nghèo, còn khó khăn thì càng cần phải cố gắng thực hiện cho bằng được.
Đó là tâm tư của bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, bày tỏ với Thanh Niên.
Bà nghĩ gì về chủ trương khoán xe công của Chính phủ mà Bộ Tài chính đang triển khai trong ngành mình?
Đây là một chủ trương rất hợp lòng dân, chắc chắn sẽ được dư luận ủng hộ vì tiết kiệm được ngân sách nhà nước. Tôi đọc thông tin nghe nói với chủ trương này mỗi năm tiết kiệm được khoảng 3.400 tỉ đồng cho ngân sách. Tôi cũng mừng và chắc người dân cũng sẽ rất mừng nếu làm được việc này, nhất là khi nền kinh tế chúng ta đang còn nhiều khó khăn, đang phải đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng thì tiết kiệm được ngân sách là điều rất đáng làm. Đây là một chủ trương rất đúng cần triển khai rộng rãi, không chỉ riêng ở Bộ Tài chính mà cả ở các bộ, ngành và địa phương khác. Chủ trương rất hay nhưng điều quan trọng là triển khai như thế nào cho hiệu quả.

tin liên quan

Hiến kế khoán xe công: Theo giá thị trường
Chủ trương khoán xe công vừa có lợi cho ngân sách, vừa hợp lòng dân nhưng khoán cào bằng ở mức 6,5 triệu đồng/người/tháng, hoặc 16.000 đồng/km đều không ổn.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Ảnh: H.N
Trước đây nhà nước cũng từng triển khai nhưng không được duy trì thực hiện tốt, theo bà nguyên nhân vì sao?
Đúng là trước đây đã từng thực hiện rồi nhưng chỉ được thời gian rồi thôi không thấy tiếp tục. Theo tôi, vấn đề ở chính những người thực hiện. Mình hãy nghĩ đó là phương tiện để giúp mình hoàn thành nhiệm vụ thôi chứ không nên xem việc đi xe công để thể hiện "quan cách". Tôi ra nước ngoài và thấy ở nhiều nước phát triển, họ giàu có nhưng các nhà lãnh đạo, quản lý rất bình dị, một số lãnh đạo tự lái xe riêng đi làm, một mình đi vào quán ăn, đi bộ, đi xe buýt đến chỗ làm như một người dân là điều bình thường. Ví dụ như ở Đức, họ cũng có xe công nhưng không nhiều, khi tiếp ngoại giao họ cũng sử dụng xe dịch vụ, đơn giản, tiết kiệm nhưng rất lịch sự. Dù giàu nhưng có ý thức tiết kiệm rất cao, mà cũng có lẽ do tiết kiệm nên họ mới giàu. Còn ở VN ta thì cán bộ đi đâu cũng xe cộ khá rình rang, rất lãng phí và "quan cách". Theo tôi thì vấn đề chính là nằm ở ý thức, thói quen...
Khi còn đương chức, bà là một trong những người thường xuyên tự đi xe buýt, xe đạp đến chỗ làm, bà thấy có bất tiện không?
Bất tiện hay không là do thói quen. Cá nhân tôi thấy không có gì bất tiện cả. Nhưng cái "được" từ việc tự đi xe nó nhiều lắm. Bằng cách này, người lãnh đạo có thể ngày nào cũng "vi hành" được. Đi làm bằng phương tiện công cộng, đi bộ xuống đường sẽ thường xuyên tiếp xúc với người dân, trực tiếp chứng kiến sinh hoạt của người dân, nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân thì sẽ có nhiều cái lợi cho cán bộ trong công tác quản lý hơn. Ví dụ đơn giản như có thể thấy được chỗ nào thiếu cái thùng rác, chỗ nào người dân còn vứt rác bừa bãi... để có những chấn chỉnh.
Lúc còn đương chức, tôi có 15 năm được hưởng chế độ sử dụng xe công nhưng nhiều lúc tôi đi làm bằng xe đạp, xe buýt... và không sử dụng xe công vào việc riêng. Tôi nhận thấy điều đó cũng bình thường, chẳng có gì bất tiện cả. Có khi vừa bước ra khỏi cơ quan thì gặp ông tổng lãnh sự Mỹ cũng đi bộ bước ra rồi cùng chào, hỏi thăm vui vẻ, có khi đang đi, người dân thấy liền dừng xe bắt tay chào rồi mời lên xe cho đi nhờ, rất thân thiện. Rồi cũng từ đó có thể nghe được những câu chuyện ở những góc khuất của xã hội, thấy được những mặt trái của đời sống... Bằng cách này, người cán bộ còn tạo ra hình ảnh người lãnh đạo gần gũi, tiết kiệm, giản dị, tạo được thiện cảm, lòng tin với người dân, đó là cách thiết thực để thực hiện học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ.
Để thực hiện chủ trương này ở từng địa phương, theo bà việc cần làm ở mỗi cán bộ là gì?
Theo suy nghĩ của tôi, mỗi cán bộ cần phải nhận thức điều quan trọng ở người lãnh đạo là cái tâm, cái tầm bên trong con người chứ không thể hiện ở bên ngoài cái xe đẹp hay không. Bên cạnh đó, cũng phải làm sao để giảm được đầu xe công chứ không chỉ đơn thuần là khoán từ nhà đến cơ quan và từ cơ quan về nhà, trong việc đi lại, công tác, tổ chức việc đưa đón như thế nào, dịch vụ đưa đón ra sao cũng phải tính. Trước mắt, có thể chưa cần phải dùng hoàn toàn dịch vụ taxi mà có thể cần đến có những đơn vị dịch vụ độc lập đảm nhận việc này một cách chuyên nghiệp, khi cần xe là có ngay. Một điều đáng quan tâm nữa là với số lượng xe biển số xanh khá nhiều hiện nay thì nên tập hợp lại giao cho một đơn vị quản lý chung để làm dịch vụ, các đơn vị khác khi sử dụng phải trả tiền giống như trả tiền dịch vụ. Ban đầu có thể nhiều cán bộ chưa quen nhưng rồi cũng sẽ quen thôi.
Xin cảm ơn bà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.