Hiệp sĩ giao thông trên đôi nạng

01/12/2014 10:53 GMT+7

Hình ảnh người đàn ông nhỏ bé, di chuyển trên đôi nạng điều khiển barie chắn tàu từ 5 năm nay đã quen thuộc với người ở H.An Dương, TP.Hải Phòng.

Ông Xá bên rào chắn và thổi còi báo hiệu khi có tàu qua - Ảnh: Lê Tân
Ông Xá bên rào chắn và thổi còi báo hiệu khi có tàu qua - Ảnh: Lê Tân 

Đường ngang dân sinh qua km 87+375 trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng từng được mệnh danh là “ngã tư tử thần” với rất nhiều tai nạn. Trước thực trạng đó, năm 2009, Ông Nguyễn Văn Xá (68 tuổi), ở thôn Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện, H.An Dương, TP.Hải Phòng, đã làm đơn xin chính quyền địa phương để ra lập gác chắn tàu tại đây.

Ông Xá kể: “Trước đây, năm nào tại địa điểm này cũng có một vài người chết vì tai nạn đường sắt, Hội người cao tuổi của thôn có ý tưởng sẽ làm gác chắn ở đây. Tôi thấy mình tàn tật, không muốn ở nhà phiền vợ, phiền con và cũng muốn làm chút việc giúp đời nên xung phong ra đây”. Lo chồng vất vả, vợ con ông không đồng ý, nhưng ngày 29.9.2009, ông Xá vẫn trở thành “nhân viên gác tàu tự nguyện”.

Những ngày đầu, ông Xá sống một mình trong căn chòi giữa đồng. Ngoài vấn đề giao thông, đoạn đường này còn là điểm đen về an ninh trật tự với nhiều đối tượng nghiện hút, trộm cắp tụ tập. “Tôi thường xuyên được các đối tượng này hỏi thăm. Nhiều người ban đầu cũng tỏ vẻ khó chịu vì cái rào chắn từ trên trời rơi xuống”, ông Xá nói và kể nhiều lần nhận được những lời lẽ khó nghe của người dân khi bị chặn đường. “Nhiều lần tôi đã định bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến những cảnh thương tâm vì người qua đường va chạm với tàu, tôi lại cố gắng làm tốt công việc”, ông bộc bạch.

Một ngày làm việc của ông Xá bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng đến 21 giờ tối. Mỗi ngày có 21 chuyến tàu qua lại, trong đó có 8 chuyến tàu khách và 13 chuyến tàu hàng. Tàu khách thì có giờ cố định, tàu hàng không có lịch cụ thể. Trước đây, ông cứ phải rình khi nào thấy tàu sắp đến thì hạ gác chắn, bây giờ có sự hỗ trợ, thông báo của ngành đường sắt nên bớt vất vả hơn.

Trong 5 năm, ông Xá đã cứu được nhiều người suýt bị tàu đâm. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là vào một ngày mùa đông năm 2011. “Hôm ấy khoảng 8 giờ tối, tôi ra hạ gác chắn vì tàu sắp tới thì trông thấy một cô gái đứng trên đường ray, tóc xõa ngang vai đang gọi điện thoại, trong khi tàu sắp đến. Tôi gọi cô gái ơi, sao đứng ở đây, tàu sắp đến rồi, cô ta còn quát lớn: ông là ai, đứng đây thì đã sao. Lúc ấy tàu chỉ còn cách vài chục mét, ông Xá không nói gì, mà dùng cây nạng của mình quàng vào cổ cô gái kéo giật lại khiến cả hai ngã lăn ra đúng lúc tàu chạy qua. Lúc đấy tôi mới biết cô ấy đang mang bầu 6 tháng và là người Lạng Sơn, xuống Hải Phòng làm công nhân. Sau khi sinh con, cô này còn đưa cả gia đình xuống cảm ơn tôi đã cứu mạng”, ông kể.

Bà Đào Thị Yên (66 tuổi, vợ ông Xá) cho biết: ông bà sống bằng lương hưu giáo viên của bà, gia đình cũng khó khăn nhưng thấy công việc của ông Xá ngày càng được người dân ủng hộ nên gia đình cũng động viên. Những đóng góp của ông Xá cũng được xã hội ghi nhận. Năm 2012, ông được nhận huy hiệu Hiệp sĩ giao thông. Từ cuối năm 2013, ông được Ban An toàn giao thông TP.Hải Phòng hỗ trợ 600 nghìn đồng/tháng. Cũng trong năm 2013, Viện kiểm sát nhân dân TP.Hải Phòng tặng cho ông một ngôi nhà tình nghĩa, thay cho căn chòi ông đang ở.

Điều ông Xá vui nhất là sự an toàn của người dân khi đi qua đoạn đường này. “Một ngày 21 chuyến tàu đi qua không xảy ra chuyện gì thì tôi mới ăn ngon ngủ yên được” ông Xá chia sẻ.

Lê Tân

>> Vinh danh hiệp sĩ giao thông
>> Chuyện về hiệp sĩ giao thông ngoài 70 tuổi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.