Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL phải hành động cụ thể

Trần Thanh Phong
Trần Thanh Phong
27/09/2023 20:34 GMT+7

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL phải hành động cụ thể, phát huy cao nhất lợi thế của ĐBSCL, đặc biệt thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phù hợp với từng vùng sinh thái của khu vực.

Ngày 27.9, tại tỉnh Bạc Liêu, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, chủ trì Hội nghị điều phối vùng ĐBSCL, với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Tại hội nghị, ông Cao Huy, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ công bố Quyết định số 974 ngày 19.8.2023 của Thủ tướng về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL với 29 thành viên; Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm Chủ tịch Hội đồng.

 Chuyển đổi phù hợp với từng vùng sinh thái đặc trưng của ĐSBCL

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng, ĐBSCL là vùng trọng điểm về nông nghiệp với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây; đồng thời giữ vai trò đặc biệt quan trọng về môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực cho cả nước. Tuy nhiên hiện nay, ĐBSCL vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng. Quy mô kinh tế của khu vực chỉ chiếm khoảng 12% GDP của cả nước. Kết cấu hạ tầng thiếu và yếu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, kể cả giao thông kết nối nội vùng, với vùng Đông Nam bộ và TP.HCM. Đặc biệt là thế mạnh nông nghiệp chưa hình thành được vùng chuyên canh quy mô lớn. 

Tháo gỡ điểm ‘nghẽn’ về giao thông cho vùng ĐBSCL  - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị điều phối vùng ĐBSCL

TRẦN THANH PHONG

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, Nghị quyết 120 của Chính phủ và Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng rõ, ĐBSCL cần phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên theo 3 tiểu vùng sinh thái. 

Đầu tiên là vùng sinh thái ngọt gồm một phần các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, TP.Cần Thơ, là khu vực trọng điểm về sản xuất lúa, thủy sản nước ngọt và trái cây.

Thứ hai là vùng sinh thái mặn - lợ ven biển, gồm một phần các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An. Đây là khu vực phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, mặn - lợ trên bờ và trên biển; đánh bắt hải sản; khôi phục và phát triển rừng ngập mặn.

Thứ ba là vùng chuyển tiếp ngọt - lợ ở giữa đồng bằng, bao gồm một phần các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An. Đây là nơi phát triển thủy hải sản nước lợ chuyên canh và luân canh với lúa, rau màu phù hợp với điều kiện về nguồn nước theo mùa.

Để chuyển đổi, sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, phù hợp với 3 tiểu vùng sinh thái trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề xuất Chính phủ sớm xem xét, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt là các cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho 3 nhóm sản phẩm chủ lực là thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo để các địa phương triển khai thực hiện.

Trên bộ nghẽn đường, dưới biển thiếu cảng nước sâu

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng kiến nghị T.Ư tăng cường hơn nữa các nguồn lực hỗ trợ các địa phương, kể cả vốn vay ODA, các nguồn tài trợ quốc tế để phát triển hạ tầng thủy lợi, giao thông, nhất là các tuyến đường bộ, đường sông liên kết vùng; các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở cho ĐBSCL.

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, thời gian qua, xét về tổng thể vùng ĐBSCL có kết cấu và liên kết vùng, liên kết trong công nghiệp chế biến, các chuỗi giá trị nông nghiệp. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ vẫn là điểm nghẽn lớn nhất. Bên cạnh đó, khu vực này cũng chưa có cảng biển nước sâu khiến cho việc xuất khẩu còn nhiều khó khăn, hàng hóa khó tăng sức cạnh tranh, việc thu hút đầu tư và phát triển nguồn nhân lực của vùng cũng còn nhiều hạn chế.

Tháo gỡ điểm ‘nghẽn’ về giao thông cho vùng ĐBSCL  - Ảnh 4.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ở vùng ven biển Bạc Liêu

TRẦN THANH PHONG

Về định hướng hoạt động của Hội đồng điều phối vùng trong thời gian tới, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, địa phương có những hành động cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động điều phối vùng ĐBSCL. Trong đó, cần tập trung vào thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn; tối ưu hóa về giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu nông nghiệp phù hợp với từng vùng sinh thái đặc trưng của ĐSBCL, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giải quyết vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún, hạn mặn; xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.