Hương vị quê hương: Chộn rộn cùng mít trộn

17/01/2024 20:39 GMT+7

Hồi nhỏ tôi thích mít ướt hơn mít ráo. Mít ướt mềm mượt, thơm "da diết" nên… ăn được nhiều. Độ ngọt thơm quyện nơi đầu lưỡi, trên môi. Mít chín rục tự rụng, gọi là mít "sút cùi" thì càng mê. Nó nằm góc vườn, trên thảm cỏ xanh, mở lòng ra vàng rực, mùi hương ngào ngạt thơm dài theo gió.

Bây giờ có tuổi, biết "khề khà" chút ít, tôi lại thích món mít non trộn với tai heo, bún tươi, đậu phộng và các loại rau thơm. Món mít trộn thường làm chộn rộn cả nhà vì nó ngon và lành, nhiều chất xơ, tốt cho dạ dày, lại rẻ, tầm 30.000 đồng/kg. Món này đủ sức thay thế bữa cơm chính lỉnh kỉnh chiên xào cơm canh cá thịt; vừa bảo đảm ngon miệng, ăn tới no nhưng bụng vẫn nhẹ nhàng.

Hương vị quê hương: Chộn rộn cùng mít trộn- Ảnh 1.

Mít trộn

TRẦN CAO DUYÊN

Tôi ưng lắm cái không khí chộn rộn của gia đình nhỏ trong căn bếp chật hẹp. Bà xã lúi húi gọt vỏ mít non, chặt miếng bằng lòng tay, rửa qua nước muối trước khi trụng để loại bỏ vị chát rồi bằm thưa nhát cho nhỏ sợi. Con gái luộc, xắt tai heo, cắt bún thành từng đoạn ngắn, xong quay qua làm nước mắm chua ngọt để trộn. Nó hay… quan trọng hóa công đoạn mà nó phụ trách. Rằng xắt tai heo phải theo một góc xiên xiên, sao cho phần sụn được phân phối đều trong từng miếng. Khi ăn, miếng nào cũng kêu cái "rốp" là… khó lắm, khó hơn ba cái vụ rang đậu phộng của anh hai nhiều. Con trai cười cười, sao mày không nói cắt bún còn khó hơn… lên trời luôn đi. Sẵn chê thì chê luôn công việc lặt rau của ba là đồ yêu, chuyện nhỏ? Dám hông? Tôi phì cười. Má lũ nhỏ thì gõ gõ cán dao lên thớt mà cặp mắt rất vui: "Có im đi không? Gà cùng một mẹ mà cứ đá nhau miết". Con trai kết thúc cuộc đấu khẩu rất ngắn gọn: "Đúng nhận sai cãi chớ má!".

Cả nhà quây quần quanh đĩa mít trộn, tuy không còn chộn rộn nhưng ai cũng bận rộn và "chăm chỉ". Mít non mềm mại, ngọt thanh, bùi phơn phớt. Tai heo thì béo lưng chừng, và quả thật như con gái nói, ăn miếng nào nghe "rốp" miếng đó. Cùng với đậu phộng, rau húng và rau ngò rải rác quyện vào mít non gợi mùi thơm dìu dịu, kiểu như len lén thơm thầm, vừa thơm vừa dò xét người thưởng thức. Ở quê, người ta hay bẻ miếng bánh tráng nướng thay thế cái muỗng xúc mít trộn. Cách ăn dân dã này đã đi vào câu vè: Bánh tráng mà xúc mít non/Giòn thơm nên vét hổng còn cọng rau.

Mít trộn ăn ở nhà là món lâu lâu lạ miệng, chỉ ăn trừ cơm chứ tuyệt không nghĩ đến... nước có độ cồn. Còn với nhóm bạn thì món này có vẻ đều hơn vì mấy lẽ: Một là món này rẻ mà ngon, ăn không biết ngán. Hai là có niềm hứng khởi nhờ vài ly rượu gạo đưa cay. Ba là anh em bên nhau râm ran chuyện làm ăn, thu hoạch mùa màng. Bởi vậy mỗi lần nhận tin nhắn của nhóm: "Chiều nay 4 giờ. Mitro. Gốc khế" là anh em chộn rộn hẳn lên. "Mitro" là tên gọi vui vui, coi như… mật khẩu chỉ món "mít trộn" do anh em quy ước. Gốc khế là "sân chơi" tại nhà anh bạn có cây khế bóng rợp một góc sân.

Mỗi người một tay, loáng cái đã có đĩa mít trộn bắt mắt và hấp dẫn. Bày bộ bàn nhỏ bên cạnh gốc khế, dưới những tàng lá rập rờn ngọn gió nồm mát rượi thật vô cùng thú vị. Trò chuyện lan man, cốc tách lanh canh một hồi rồi cũng dẫn về mùa mít non, về món trộn lần này đã miệng hơn lần trước. Có anh hứng lên mở điện thoại gọi bạn ở xa: "Ông nhớ quê mình mùa này có món gì độc đáo không? Tụi tui đang mít trộn đây".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.