Karaoke, cháy và giấy phép: Thêm con voi chui lọt lỗ kim

05/11/2016 10:00 GMT+7

Vụ cháy tòa nhà kinh doanh karaoke ở 68 Trần Thái Tông (Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) đến nay vẫn còn khiến người ta xiết đỗi bàng hoàng.

Người ta bàng hoàng vì mất đi quá nhiều nhân mạng đã đành, lại còn thêm nỗi bàng hoàng nữa là một cơ sở kinh doanh hoạt động “nhạy cảm” mà hoàn toàn không có bất cứ cái giấy phép, thủ tục nào cả!
Vụ cháy này có nguyên nhân và những điểm khá giống với vụ cháy tòa nhà ITC ở TP.HCM vào năm 2002. Khởi điểm cũng do nhóm thợ hàn, hàn gây ra tia lửa, bắt vào vật dễ cháy. Tòa nhà ITC cháy vào cuối tháng 10 thì ngôi nhà ở Hà Nội cháy vào đầu tháng 11. Nếu tòa nhà ITC có 6 tầng thì tòa nhà ở Hà Nội có 9 tầng nhưng cũng chỉ hoạt động 6 tầng. Chỉ có điều khác là, nếu ở tòa nhà ITC mới ngày hôm trước dùng làm nơi diễn tập phòng cháy chữa cháy (PCCC) rồi hôm sau… cháy luôn, thì tòa nhà ở Hà Nội chưa hoàn thành các công việc PCCC, chưa được cấp công nhận PCCC.
Còn nhớ, chỉ mới đây thôi, bên cơ quan chức năng đưa ra quy định trên ô tô phải có bình xịt chữa cháy. Điều đó, ngoài các nhận định khác về mục đích động cơ, trước hết có thể thấy công tác phòng cháy chữa cháy được cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, kiểm soát gắt gao. Một ngôi nhà có vài tầng ở mặt đường xây lên bộ khung đã được cảnh sát PCCC tích cực kiểm tra nhắc nhở.
Cứ tưởng như vậy là công tác PCCC vô cùng chặt chẽ. Thế nhưng, chỉ đến khi tòa nhà 68 Trần Thái Tông hỏa hoạn, thì mới chứng minh được câu nói của ông bà ta xưa, “cháy nhà ra mặt chuột”.
Không ai khác, chính ông Dương Cao Thanh, Chủ tịch UBND Q.Cầu Giấy, ngay trong tối 1.11 đã trả lời báo giới, cho biết quán karaoke trên chưa đủ điều kiện kinh doanh, và thiếu cả chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự.
Đến đây thì người ta mới té ngửa ra rằng, hóa ra công tác quản lý của cơ quan chức năng trong hoạt động kinh doanh, kinh doanh văn hóa, kể cả PCCC, an ninh trật tự… vô cùng lỏng lẻo!
Nên nhớ rằng, karaoke, cùng với bar, vũ trường, massage…, được xếp vào danh mục những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngành nghề kinh doanh đặc biệt, hoặc còn một lối gọi thông dụng nữa là ngành nghề “nhạy cảm”. Đã là “nhạy cảm” thì tất các yếu tố quản lý sẽ vô cùng khắt khe, ngặt nghèo.
Vậy thì, làm sao dư luận không thắc mắc khi một ngôi nhà 9 tầng chưa hoàn thiện ngay giữa thủ đô, hoàn toàn trong tay không có bất cứ thủ tục gì, từ giấy phép kinh doanh đến chứng nhận bảo đảm PCCC, an ninh trật tự… mà đêm đêm khách vẫn đến… hát được?
Mà đâu phải chỉ có 2-3 cái giấy phép, giấy chứng nhận đó là đủ! Một cơ sở kinh doanh karaoke mà để có khách đến… hát được, thì còn phải trải qua nhiều thủ tục, nhiều cơ quan ban ngành liên quan lắm, nhiều cuộc kiểm tra ngặt nghèo lắm!
Chủ cơ sở karaoke có phép màu gì không thì không rõ, nhưng rõ ràng là lần này lại có thêm con voi to chui lọt qua được… nhiều lỗ kim!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.