Khi giáo viên phải kiến nghị quyền chính đáng

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
18/11/2023 06:22 GMT+7

"Gần ngày 20.11, ngày lễ lớn nhất của nghề mà chúng tôi chẳng có tâm trạng nào để đón chờ, để tham gia các hoạt động chào mừng vì bao nhiêu năm cống hiến, rất nhiều thành tích nhưng đợt này tôi vẫn bị loại hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp".

Đó là tâm sự của một giáo viên (GV) ở một trường THPT tại Q.Tây Hồ (Hà Nội). Tâm trạng này bắt nguồn từ văn bản về việc thăng hạng GV năm 2023 của Sở Nội vụ Hà Nội và Sở GD-ĐT Hà Nội. Thay vì xét hết những GV đủ điều kiện thì văn bản này lại hướng dẫn chỉ xét "hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng và GV cốt cán" và những trường hợp "đủ 9 năm đại học" nên nhiều hồ sơ của GV dù dằng dặc thành tích, bằng khen nhưng không có chức vụ đã bị loại.

Hàng trăm GV đã gửi kiến nghị bằng văn bản lên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Một nhà giáo đặt câu hỏi: "Tại sao các tỉnh xét thăng hạng công bằng minh bạch với tất cả các đối tượng GV, còn giáo dục thủ đô thì lại xét thăng hạng với GV có chức vụ. Vậy công bằng ở đâu? GV không chức vụ, cống hiến bao nhiêu năm liệu có còn tâm huyết với nghề được nữa không?".

Việc này liệu có đúng với chủ trương của Chính phủ hay không khi tại điều 31 Nghị định 115/ND-CP của Chính phủ quy định rõ: "Kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được tổ chức theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật".

Cạnh đó, Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT cũng luôn nhấn mạnh các địa phương khi thi hay xét thăng hạng cũng cần "tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những GV thực sự xứng đáng để thăng hạng chức danh nghề nghiệp trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật".

Việc các trường ở Hà Nội chỉ cho cán bộ là những GV có chức vụ tham gia xét thăng hạng những ngày qua hoặc bắt GV phải đủ 9 năm trình độ ĐH dù luật Giáo dục mới có hiệu lực 3 năm… đã tạo ra sự bất bình đẳng trong chính môi trường giáo dục.

Đồng lương GV vốn đã eo hẹp, áp lực công việc ngày càng lớn nhưng hầu hết GV vẫn luôn cố gắng, khẳng định mình bằng những cống hiến, những thành tích trong giảng dạy. Giờ đây, trước cơ hội được nâng hạng để cải thiện đồng lương ít ỏi cũng bị từ chối bởi quy định của riêng Hà Nội.

Nhận được quá nhiều bức xúc, mới đây Sở GD-ĐT Hà Nội đã phải ra văn bản hướng dẫn hỏa tốc, trong đó bổ sung: "Nếu đối với GV (không thuộc các chức danh) đủ tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV thì phải đảm bảo cơ cấu, nhu cầu và GV phải giữ vai trò định hướng chuyên môn trong các cơ sở giáo dục".

Song văn bản mới của Sở GD-ĐT mở ra hy vọng cho một số GV chứ không phải tất cả vì GV không có chức vụ nhưng phải có "vai trò định hướng chuyên môn". Vậy là, GV vẫn phải tiếp tục chờ đợi các cơ sở giáo dục có nhu cầu mới được xét thăng hạng. Hơn nữa, đây chỉ là văn bản sở GD-ĐT gửi các trường THPT, còn các nhóm GV từ THCS trở xuống vẫn chưa có hướng dẫn nào khác dù Bộ GD-ĐT khẳng định yêu cầu GV tiểu học, THCS phải có đủ 9 năm trình độ ĐH là không cần thiết và không đúng quy định. Những GV có bề dày thành tích vẫn có thể bị "bỏ lại phía sau" vì những rào cản chính sách của từng địa phương, cụ thể và mới đây nhất là Hà Nội.

Dù kết cục thế nào, chỉ riêng việc để GV phải gửi tâm thư, viết đơn kiến nghị tập thể để đòi quyền lợi tưởng như hiển nhiên, chính đáng trong nghề cao quý của mình là điều không chỉ khiến GV mà dư luận xã hội cũng cảm thấy trĩu nặng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.