Báo động chất lượng mũ bảo hiểm

24/11/2007 23:38 GMT+7

Thời điểm người đi xe mô tô, gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm đang đến gần (15.12), thế nhưng cơ quan quản lý vẫn "úp mở" thông tin về chất lượng những chiếc mũ bán trên thị trường.

67,8% mẫu không đạt tiêu chuẩn

Đó là kết quả kiểm định của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TT3), được công bố tại hội thảo "Người tiêu dùng và chất lượng mũ bảo vệ người đi xe máy" do Cơ quan phía Nam Bộ Khoa học - Công nghệ, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức sáng 23.11 tại TP.HCM. Cụ thể, TT3 kiểm tra 20 mẫu mũ bảo hiểm (MBH) vào tháng 8.2007 chỉ có 6 mẫu đạt tiêu chuẩn; đến tháng 9 kiểm tra 137 mẫu chỉ có 28 mẫu đạt tiêu chuẩn; tháng 10 kiểm tra 346 mẫu có 108 mẫu đạt tiêu chuẩn và từ 1 - 16.11 kiểm tra 199 mẫu thì có 84 mẫu đạt tiêu chuẩn. Như vậy tính chung các đợt kiểm tra, chỉ có 32,2% mẫu đạt tiêu chuẩn. 2/3 số mẫu kiểm tra không đạt chất lượng chủ yếu ở các tiêu chuẩn va đập, đâm xuyên và chất lượng quai đeo.

Ngày 5.9.2007, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5008 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về quản lý chất lượng MBH. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Khoa học - Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác quản lý chất lượng MBH và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng các loại MBH đạt chất lượng theo quy định. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH; phát hiện xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại MBH không đạt tiêu chuẩn chất lượng, MBH giả, xử lý nghiêm các hành vi nhập khẩu MBH không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định; đồng thời công bố công khai danh sách các cơ sở kinh doanh MBH không đảm bảo chất lượng.

Báo cáo của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM cũng cho thấy tỷ lệ đáng lo ngại về MBH không đạt chất lượng. Từ 22.8 đến 4.10, chi cục đã lấy 34 mẫu để thử nghiệm thì có đến 25 mẫu không đạt, chiếm 75,8% !

Đáng lưu ý, theo TT3, trong số các mẫu kiểm tra vào tháng 10, có 71,8% mẫu có dấu CS (dấu tự công bố sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn do doanh nghiệp tự dán sau khi đã hoàn tất thủ tục đăng ký công bố chất lượng sản phẩm tại các cơ quan chức năng địa phương) nhưng vẫn không đạt tiêu chuẩn. Con số này ở nửa đầu tháng 11 là 58,8%. "Có doanh nghiệp phản ánh dấu CS được in sẵn, muốn mua bao nhiêu cũng được. Cũng có doanh nghiệp chưa hề công bố vẫn dán nhãn CS mang lên kiểm định. Tôi hỏi thì họ không biết CS là gì và bảo "thấy người ta dán tôi cũng dán". Đây là thực trạng không ổn" - ông Hoàng Lâm, Phó giám đốc TT3 nói. Ông Lâm cũng nhận định: "Thị trường MBH hiện nay hết sức sôi động, đa dạng nhưng chất lượng mũ được thả nổi, phần lớn không phù hợp tiêu chuẩn nhưng vẫn dán nhãn CS, không kiểm soát được".

Cơ quan quản lý thiếu minh bạch

Vì sao không kiểm soát được chất lượng MBH? Có quá nhiều lý do được đưa ra: từ lực lượng kiểm tra, kiểm soát quá mỏng; nhiều doanh nghiệp sản xuất vì lợi nhuận không quan tâm đến chất lượng khi thị trường quá "nóng"; hàng nhập qua đường tiểu ngạch khó kiểm soát... cho đến những quy định quản lý còn thiếu chặt chẽ, năng lực của các cơ quan kiểm tra và thử nghiệm không đồng đều...

Có một cách làm có thể áp dụng ngay, là công khai danh sách các mẫu MBH đạt và không đạt chất lượng để người tiêu dùng có thể "tự cứu mình". Điều kỳ lạ là ý tưởng này đã không được cơ quan quản lý chấp nhận. Ngay tại hội thảo, sau khi nghe các cơ quan kỹ thuật công bố kết quả kiểm tra, PV Thanh Niên và rất nhiều doanh nghiệp đã đề nghị công khai danh sách nhãn hiệu và đơn vị sản xuất, nhập khẩu có các mẫu MBH không đạt kết quả, nhưng đề nghị này không được đáp ứng. Theo đại diện Bộ Khoa học - Công nghệ: "Quan điểm ở đây chúng tôi chỉ công bố những điều tích cực, đơn vị nào đạt thì công bố". Thế nhưng, khi chúng tôi đề nghị TT3 cung cấp danh sách 84 mẫu đạt chất lượng trong đợt kiểm định mới nhất từ 1-16.11, đơn vị này cũng từ chối!

Thông tin đến người tiêu dùng là có đến 2/3 mẫu MBH kiểm tra không đạt tiêu chuẩn chất lượng, nhưng lại không công khai những mẫu đạt và không đạt cho người tiêu dùng biết. Cách làm nửa vời của các cơ quan quản lý không chỉ làm người tiêu dùng thêm hoang mang, mà còn gây ức chế cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. "Ai vi phạm nói thẳng ra. Chứ thông tin như vậy làm các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng bị vạ lây, người tiêu dùng không biết cụ thể mẫu nào sẽ nghi ngờ tất cả" - một doanh nghiệp tham dự hội thảo bức xúc. 

M.Đ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.