Nghị định 181 và những tác động đến cuộc sống: Ngân hàng yên tâm hơn khi tài trợ vốn cho doanh nghiệp, người dân

12/11/2004 21:29 GMT+7

Đó là nhận định của ông Nguyễn Gia Định - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EximBank) khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên về các tác động của Nghị định 181 đối với thị trường bất động sản (BĐS); vấn đề ngân hàng (NH) đáp ứng vốn cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS, người dân có nhu cầu vay tiền mua nhà.

- Như vậy, có thể nói NH sẽ không còn dè dặt trong việc tài trợ vốn cho các dự án BĐS, thưa ông?

- Lâu nay, thị trường BĐS có nhiều vấn đề phức tạp nếu không muốn nói là lộn xộn. Các công ty môi giới, kinh doanh BĐS có thể là "đại gia" nhưng cũng có thể là "tiểu gia". Không nhất thiết phải có tiền, người ta có thể chạy được quy hoạch, tìm một ít vốn để san lấp, đền bù giải tỏa, sau đó huy động vốn của khách hàng để kinh doanh. Bên cạnh những DN đầu tư, hoạt động đúng mục đích, thực hiện hoàn chỉnh từ đền bù giải tỏa, san lấp, quy hoạch phân lô và xây dựng nhà để bán cũng có không ít những công ty "ăn xổi ở thì", dùng nhiều thủ thuật tạo ra những cơn sốt giá ảo trên thị trường BĐS. Nghị định 181 sẽ đưa việc kinh doanh đất trở lại đúng trật tự, không chỉ về giá mà cả về mục đích sử dụng. Thị trường sẽ sàng lọc và chỉ có những DN thực sự mạnh, có tiềm lực tài chính, hoạt động làm đúng quy định mới có thể tồn tại. Không còn chỗ cho những DN "mượn đầu heo nấu cháo" nữa. Vì vậy, EximBank rất an tâm bởi lẽ những tài sản thế chấp từ những dự án đầu tư hoàn chỉnh theo quy định đó bảo đảm an toàn cho NH. Tôi nghĩ không riêng gì tôi, các NH khác cũng sẽ yên tâm như vậy.

- Những DN đầu tư, kinh doanh BĐS thực sự đang rất lo lắng về việc làm sao để có thể vay được vốn nhiều hơn trước để đầu tư hoàn tất những dự án nhà ở. Các NH sẽ đáp ứng nhu cầu vốn cho họ như thế nào, điều kiện vay ra sao?

- Thời gian đầu tư cho một dự án nhà ở hoàn chỉnh từ 1,5 - 2 năm, tôi nghĩ NH có thể tài trợ được cho các chủ dự án. Vấn đề là sau đó, người dân mua nhà có nhu cầu thì sẽ cần đến nguồn vốn tài trợ trung dài hạn.

Khi quyết định cho vay vốn, bên cạnh tài sản thế chấp, điều quan trọng là phương án sử dụng vốn hiệu quả. Điều quan trọng là dự án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, quá trình kiểm soát sử dụng vốn vay của NH cho thấy DN thực hiện đúng với phương án đó, không phải chỉ là san lấp, phân lô ra nền để bán như trước. Cuối cùng là số vốn đối ứng của DN tham gia dự án phải không dưới 30%.

- Ông có nhắc đến việc tài trợ vốn cho người dân mua nhà, đó là vấn đề bức thiết đối với nhiều người dân có nhu cầu mua nhà nhưng thu nhập không cao. Trước đây vay vốn mua nền đã khó, nay phải vay vốn để mua nhà hoàn chỉnh lại càng khó hơn. Họ có cơ hội nào để nhận được sự tài trợ của NH?

- Đó là vấn đề tôi thấy khó thực sự. Người dân không thể vay vốn mua nhà xây dựng hoàn chỉnh mà có thể trả nợ trong vòng một hai năm, phải là vốn vay trung dài hạn ít nhất là 5 năm. Vốn trung dài hạn thì NH không có, chỉ có vốn ngắn hạn. Vì vậy, để có thể giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân, cần có những chính sách đồng bộ, sử dụng các nguồn vốn hóa giá nhà, thanh lý công sản... lập ra những quỹ đầu tư, quỹ nhà ở... để tài trợ cho người dân. Nguồn vốn NH chỉ có thể tài trợ cho người mua nhà ở giai đoạn đầu, sau đó cần phải có một nguồn vốn tài trợ trung dài hạn để chuyển qua, giúp người dân có thời gian trả nợ dần sau đó. Trước mắt thì với các NH thương mại, NH Nhà nước Việt Nam có thể nghiên cứu "mở" cho các NH tùy thuộc vào nguồn vốn để tham gia tài trợ, chẳng hạn chương trình nhà ở cho CB- CNV trong 5 hay 10 năm; cho phép các NH thương mại vận dụng bao nhiều phần trăm vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn mua nhà ở...

Ngọc Sơn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.