Xây trường quên hệ thống chiếu sáng

24/12/2008 23:55 GMT+7

Một trong những nguyên nhân khiến các bệnh về mắt ngày càng gia tăng ở lứa tuổi học sinh, đó là hầu hết các trường hiện nay có phòng học không đạt độ sáng theo tiêu chuẩn.

Kỹ sư Nguyễn Đoàn Thăng - Phó chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, cho biết: Khảo sát gần 4.000 phòng học của 273 trường học mới đây cho thấy, 100% các phòng học không đủ sáng theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Việc chiếu sáng trong các phòng học không phù hợp khi một số phòng dùng đến 6-7 bóng đèn dây tóc, có phòng lắp đèn thủy ngân cao áp, có phòng chỉ lắp đèn huỳnh quang...; những đèn này được lắp sát trên trần, không có chao chụp, bố trí không hợp lý nên độ sáng trong lớp không đều, học sinh bị chói mắt, bảng bị lóa. Điều này dẫn tới tình trạng độ rọi trên bàn học, trên bảng không đạt tiêu chuẩn tối thiểu 300 lux (tiêu chuẩn về chiếu sáng của Việt Nam năm 2002) khiến cho thị lực của học sinh căng thẳng, mệt mỏi, hiệu suất tiếp thu bài giảng kém.

Theo BS Đặng Anh Ngọc - khoa Vệ sinh và sức khỏe trường học - Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế), việc xây dựng trường học, đặc biệt là khối tiểu học và THCS thường ít quan tâm tuân thủ các yêu cầu về chiếu sáng và do nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách địa phương nên ít chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng. 

Ông Trần Thanh Ý - Viện Kiến trúc - Quy hoạch đô thị và nông thôn, nêu ví dụ: Các chủ đầu tư xây dựng trường rất ít quan tâm đến hệ thống chiếu sáng, tỷ lệ kinh phí dành cho chi phí này rất ít. Chẳng hạn, theo đơn giá tính toán một phòng học được đầu tư khoảng 30 triệu đồng thì nếu theo đúng quy chuẩn, riêng kinh phí cho chiếu sáng phải từ 1,5 - 3 triệu đồng.

Trong khi đó trên thực tế, nhiều phòng học chỉ được lắp 6-8 bóng đèn dây tóc, giá chưa quá 20.000 đồng/chiếc. Ngay tại TP Hà Nội, theo ông Lê Ngọc Quang - Phó giám đốc Sở GD-ĐT, riêng trường công lập đã có khoảng 18.700 phòng học không đạt tiêu chuẩn về chiếu sáng cần được cải tạo.

TS Hoàng Ngọc Hoa - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học (Bộ GD-ĐT), cho rằng: Hiện nay các tiêu chuẩn về chiếu sáng học đường chỉ được lồng ghép trong các tiêu chuẩn riêng lẻ mà chưa có tiêu chuẩn chuyên sâu, chính vì vậy thiếu các yêu cầu cụ thể về chất lượng chiếu sáng, các chỉ tiêu định lượng về độ rọi, chỉ số chói lóa... cho các cấp học, bậc học khác nhau.

Bác sĩ Đặng Anh Ngọc cho biết: lứa tuổi từ 6-18 là quãng thời gian mà học sinh bị tác động rất nhiều của môi trường học tập. Tình trạng sức khỏe, khả năng lao động khi trưởng thành chịu hậu quả rất lớn bởi trạng thái sức khỏe trong giai đoạn này. Nghiên cứu đã cho thấy khi chiếu sáng tại bề mặt làm việc của học sinh là 400 lux thì số lượng bài tập không mắc lỗi chiếm 74%, nếu chiếu sáng ở mức 100 lux thì số bài tập không mắc lỗi là 47% và khi ở mức 50 lux thì chỉ còn 37%.

Trần Tuyết Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.