Bạo lực gia đình: “nhịn là chết”

04/12/2010 08:17 GMT+7

Nghiên cứu quốc gia đầu tiên về bạo lực gia đình, công bố cuối tháng 11 vừa qua cho hay cứ hai phụ nữ thì một từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Nhưng PGS.TS Vũ Mạnh Lợi (Viện Xã hội học) lại nhận định thực tế có thể cao hơn.

Những câu chuyện phụ nữ bị bạo lực gia đình cho thấy nhận định của ông Lợi là có cơ sở. Và các nhà hoạt động xã hội rất muốn phụ nữ dũng cảm, vì “chịu nhịn là chết”.

Chịu đựng và chịu đựng

“Nếu chồng có phàn nàn điều gì tôi cũng im, mặc cho ông ấy nói chán thì thôi. Tôi nghĩ là vợ thì không được “hơn chồng”. Tôi chỉ biết khóc thầm mà không nói lấy một lời, chờ ông ấy nói xong tôi sẽ đi chỗ khác. Nếu như tôi bỏ đi lúc ông ấy nói chưa xong, ông ấy lại nghĩ tôi khinh ông ấy”- lời một phụ nữ ở Huế tham gia điều tra về bạo hành gia đình.

Còn một phụ nữ ở Hà Nội tâm sự: “Một lần chồng đánh vào đầu, tôi đau khắp vùng xương sọ, tôi than với mẹ là đau quá! Mẹ tôi bảo nằm nghỉ đi nhưng đang mùa buôn bán nên tôi không thể nghỉ. Mẹ tôi lại bảo hay con đi chụp X-quang nhưng đắt quá nên tôi không làm, thành ra chỗ vết thương của tôi đau hơn cả tháng”!

Mở rộng dự án Ngôi nhà bình yên

Trung tâm Phụ nữ và phát triển (thuộc Hội Liên hiệp phũ nữ VN) vừa có cuộc gặp gỡ với các nhà tài trợ, nhằm mở rộng dự án Ngôi nhà bình yên dành cho phụ nữ bị bạo hành gia đình ở Hà Nội và Phú Thọ. Hiện đã có một “nhà bình yên” dành cho phụ nữ và trẻ em nạn nhân bạo lực gia đình.

Theo bà Nguyễn Vân Anh, CSAGA cũng đang phối hợp với Bệnh viện Phụ sản T.Ư mở CLB cho những người làm bố lần đầu. Đây là dự án do Đại sứ quán Thụy Điển tại VN hỗ trợ, kéo dài đến năm 2013, nhằm giúp nam giới lần đầu làm cha kiến thức và kỹ năng chia sẻ với phụ nữ giai đoạn mang thai và nuôi con nhỏ, tránh xung đột gia đình do những thay đổi lớn trong đời sống.

Các nghiên cứu viên cho hay họ đã tìm hiểu sâu về tác động của bạo lực với sức khỏe và đời sống phụ nữ. Hầu hết phụ nữ bị bạo lực thường gầy gò, lý do bị suy dinh dưỡng là ăn không ngon miệng, một số không có đủ thức ăn nuôi sống bản thân và con cái sau khi bị đuổi ra khỏi nhà.

Một nạn nhân của bạo hành gia đình ở Hà Nội nói thời điểm bị chồng hành hạ chị mất tự tin nhiều, chỉ nặng 42kg, người rất yếu, tóc tai tơi tả. Một phụ nữ khác ở Bến Tre, nạn nhân của bạo lực nhưng đã dũng cảm vượt qua, nhớ lại: “Lúc ấy tôi nghĩ mình đã chết, không giống như bây giờ, rất gầy và xanh, chỉ nặng 33kg”.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe phụ nữ Hà Nội, cũng cho biết từ đầu năm 2010 đã có 38 nam giới bị vợ bạo hành tìm đến trung tâm, nhưng số phụ nữ bị bạo hành nhiều hơn, 120-130 người/tháng. Theo ông Quyết, phụ nữ bị bạo hành có sức khỏe kém hơn bình thường, bị đau, mất trí nhớ, muốn tự tử, sảy thai hoặc thai chết lưu. Ở nhóm phụ nữ bị bạo hành có con 6-11 tuổi, con họ cũng gặp những vấn đề về hành vi như ác mộng, kết quả học tập kém...

Không thể đơn độc

Khi đi tìm nguyên nhân bạo lực, nhóm nghiên cứu thấy 33,7% phụ nữ bị bạo lực cho rằng do chồng say rượu, 24,7% cho rằng khi có khó khăn tài chính, 22% cho rằng do mình không nghe lời chồng. “Phòng chống bạo lực gia đình khó khăn vì chúng ta còn cho rằng có rào cản xã hội. Xã hội là ai? Là anh công an, chị cán bộ phụ nữ, tổ dân phố... Phòng chống bạo lực gia đình sẽ còn khó khăn nếu còn đổ lỗi cho nạn nhân và ai cũng nghĩ trách nhiệm là người nào khác, không phải thuộc về mình” - bà Nguyễn Vân Anh, Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, điều phối viên dự án tăng cường năng lực cho cơ quan lập pháp và hành pháp về phòng chống bạo lực gia đình ở VN, bạo lực gia đình có “quy luật leo thang”, nhưng có thể phòng ngừa nếu những người xung quanh và chính quyền địa phương quan tâm theo dõi.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho rằng mức chế tài với người gây bạo lực gia đình chưa nghiêm. Tại cuộc tọa đàm về nghiên cứu quốc gia đầu tiên về bạo lực gia đình diễn ra hôm 29-11, phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) Hoa Hữu Vân cho rằng nghiên cứu năm 2009, 70% người được hỏi biết về Luật phòng chống bạo lực gia đình, nhưng 80% chưa tin tưởng và tìm đến các cơ quan chính quyền như quy định trong luật.

Từng có lúc chuyện gia đình là chuyện riêng của mỗi người, nhưng càng lúc bạo hành gia đình càng gây bức xúc cho xã hội, từ chuyện người chồng nhốt vợ vào chuồng chó, tạt axit vợ, thậm chí giết vợ giết con. Các nhà hoạt động xã hội đã khuyên phụ nữ “chịu nhịn là chết”. Nhưng nếu để phụ nữ một mình chống lại bạo lực gia đình chắc rất khó, dù họ không muốn “chịu nhịn” nữa.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.