Đi tìm dấu vết bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong những cánh rừng H’Re (kỳ cuối)

22/11/2005 23:21 GMT+7

Kỳ cuối: 35 năm và những niềm tin Để thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã đi lại một số đoạn đường chị Đặng Thùy Trâm từng đi 35 năm trước. Để đến những nơi cần đến, Nguyễn Thanh Tuấn và tôi nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, trong đó có những già làng H'Re, xin chân thành cảm ơn tất cả các anh, các chị.

Như đã biết, chị Đặng Thùy Trâm tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội khóa 1961-1966, chuyên khoa Mắt. Chiều ngày 22/12/1966, từ Xuân Mai đoàn của chị lên đường vào Nam, thầy Hiệu trưởng Hồ Đắc Di nói lời tạm biệt. Ngày 3/3/1967 đoàn đến B.47, Quảng Đà, khu V. Đoàn phó lúc đó là bác sĩ Cao Hữu Chuyên. Nhật ký của ông còn ghi rõ: "Về đến K. Qua những ngày vượt thiên sơn vạn thủy. Sáng mùa xuân của núi rừng khu V nhộn nhịp tiếng chim kêu, vượn hú, khe suối róc rách như đón những đứa con đi lâu mới về. Chúng tôi trú lại đây khoảng 10 hôm. Sau đó các bạn của tôi kẻ đi Kon Tum, người đi Dak Lak. Có người về đến Khánh Hòa". Bác sĩ Chuyên được phân công ở lại Thanh Khiết, tức chiến trường Quảng Đà. Sáng hôm sau, ông lại một lần chia tay các bạn, trong đó có Đặng Thùy Trâm. Chị là bác sĩ duy nhất vào chiến trường Quảng Ngãi, vùng đất mệnh danh "cửa khẩu khu V". Trên trang nhật ký đã ố màu thời gian là những dòng thắm thiết tình anh em: "Nắm lấy tay T. với đôi má đỏ ửng, tôi nói tội quá, anh chưa giúp đỡ gì được em. Em T. rưng rưng nước mắt, thôi chúc anh khỏe, em đi hẹn ngày thống nhất gặp lại nhau...". Nước nhà thống nhất đã 30 năm, chị vĩnh viễn không về. Năm 1972, nghe tin chị mất, ông Chuyên làm một bài thơ cảm động. Thơ có đoạn: "Một hôm tin về như sét đánh/Chiến trường một phút cánh hoa rơi/Lòng anh đau đớn như dao cắt/Nửa đường đứt gánh, Thùy Trâm ơi!".

Còn ông Trần Minh Quý, TNXP Hà Nội thời kỳ 1963 - 1965, hiện công tác tại Công ty SAICOM. Giọng ông nghèn nghẹn, chực vỡ òa mỗi khi nhắc đến chị Trâm. Ông khuyên tôi cẩn trọng trong những chuyến đi rừng và đó là "con đường đi đúng hướng và luôn có chị Trâm nâng bước". Khó khăn lắm, ông mới đọc hết lá thư ông sẽ gửi ra gia đình chị Trâm ở Hà Nội. Ông xin tôi địa chỉ nhà mẹ của chị Trâm và rồi ông khóc!

Tiếng khóc của một người đàn ông thật không dễ dàng. Vậy mà, ở Mỹ cũng có những người đàn ông tóc hoa râm đã khóc. Xin mạn phép trích e-mail của anh Lê Thành Giai - cựu thông dịch viên, tác giả loạt bài Chuyện về Đặng Thùy Trâm viết từ Mỹ - vừa gửi về Việt Nam: "Chị Trâm hy sinh không phải để thành người nổi tiếng. Chị cũng không biết rằng sự hy sinh ấy là để đánh thức lương tâm của không ít người Mỹ, người Việt, trong đó có ít nhất một người bị lạc đường như tôi. Thật xót xa khi biết sau chiến tranh, Đức Phổ vẫn còn nghèo, những người du kích năm xưa từng bảo vệ chị Trâm nay vẫn bám đất và khó khăn trong cuộc sống. Họ đã hy sinh quá nhiều. Các giáo sư người Mỹ đã khóc trong lúc đọc cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Nói như một số người Việt ở Cali, đó là một thông điệp hòa bình". Nhưng rồi anh Giai băn khoăn: "Ở Việt Nam hình như vẫn còn có nhiều người chưa hiểu được ảnh hưởng của cuốn sách này. Nếu khai thác thiếu chiều sâu, thật tiếc! Hy vọng năm 2007, Jacks (Chủ tịch Hiệp hội Cựu chiến binh G.75 - Mỹ) và tôi sẽ về lại Việt Nam, sẽ đi Đức Phổ, sẽ làm được điều gì đó đối với quê hương thứ hai của chị Đặng Thùy Trâm...".

Trong khi đó, từ Úc ông Anthony Nguyễn gửi chúng tôi e-mail sau. Mạn phép trích đăng: "Tôi muốn nói với anh rằng, đọc chuyện bác sĩ Đặng Thùy Trâm và cuộc chiến đấu của người Đức Phổ tôi thật sự nhìn lại quá khứ và nhìn đến tương lai. Cho tôi được gửi lời chào trân trọng đến những người anh quen ở Đức Phổ. Nếu bác sĩ Đặng Thùy Trâm ngưỡng mộ Đức Phổ một thì tôi ngưỡng mộ cả trăm lần. Vì sao? Vì bác sĩ được tiếp xúc trực tiếp với họ, còn tôi thì không. Tôi tin tưởng sự phán xét của bác sĩ Đặng Thùy Trâm".
Ông Anthony Nguyễn nhờ chúng tôi đi tìm 12 người con của các liệt sĩ chiến đấu cùng thời bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Họ sẽ được tiếp nhận, huấn luyện thành nhân viên đồ họa kết cấu thép 3D, với mức lương khởi điểm 3 triệu đồng/tháng, nếu tiến bộ nhanh, đến tháng thứ 12 lương có thể tăng lên từ 7 - 12 triệu đồng/tháng. Khi đủ người, đủ điều kiện, ông sẽ xin phép mở chi nhánh công ty tại Quảng Ngãi để đón họ về.

Ông Nguyễn nói qua điện thoại: "Thật vui khi những người con của các liệt sĩ Phổ Cường sẽ làm nên những bản vẽ hiện đại cho các nhà máy ở các khu kinh tế như Dung Quất, Chu Lai, Nhơn Hội. Họ - những đồng đội của chị Trâm -  vẫn cùng con họ sống trong hiện tại đó thôi!".

“Những cựu binh Mỹ hãy đến đây ăn bánh xèo, cày ruộng”

Để chuyển tải hàng triệu tấm lòng trong và ngoài nước đến với quê hương Đức Phổ, tour du lịch sinh thái - tưởng niệm mang tên "Thùy Trâm" đang được Nguyễn Thanh Tuấn - Công ty lữ hành Dream Land Travel - ráo riết thiết kế. Dù đang gặp một số khó khăn do thời tiết, Tuấn vẫn tin chắc tour "Thùy Trâm" sẽ được khởi động nhanh. Anh và đồng sự sẵn sàng là người dẫn đường cho hàng triệu tấm lòng bước qua nhịp cầu nhân ái Đặng Thùy Trâm. Anh đề nghị tôi liên lạc với ông Anthony Nguyễn - một chuyên gia về kết cấu thép 3D tại Úc, người vừa tài trợ học bổng cho học sinh Phổ Cường và là bạn đọc thân thiết của Thanh Niên - giúp Đức Phổ thực hiện bản đồ ba chiều để dựng sa bàn chiến trận thời kỳ chị Trâm chiến đấu, hy sinh.

Tôi mang viễn cảnh tour "Thùy Trâm" nói với những người một thời đạn lửa. Một cựu chiến binh chuyên săn tìm biệt kích Mỹ của Huyện đội Đức Phổ nói sẽ kể chuyện nhóm của ông đã chế tạo quả mìn nặng 200kg, nổ bung cánh quạt chiếc máy bay "sâu róm" Mỹ đang lơ lửng trên không. Một cựu học viên y tá điều trị thì mong "gặp một thằng lính Mỹ để nói chuyện chơi và hỏi vì sao gọi là pháo đĩ"! Một nữ lãnh đạo bệnh xá ở Đồng Răm lật tay áo chỉ vết thương xưa, nói: "Sẽ bắt Mỹ lấy mảnh pháo ra. Nếu tụi hắn nghỉ lại nhà, sẽ đãi bánh xèo nhưng mỗi sáng phải bắt đi cày ruộng!". Riêng chị Tạ Thị Ninh - đang được Huyện ủy Đức Phổ động viên phục hiện những chiếc hầm bí mật chị Đặng Thùy Trâm từng ẩn nấp - cười cười: "Hôm Fred tới, tôi có đòi trả lại chồng tôi do bị Mỹ bắn, ông ấy xin cầm tay tôi. Nay những người như ông ấy nếu muốn về thăm lại Phổ Cường, tôi không mời nhưng sẽ đón. Tôi sẽ chỉ cho họ thấy những bụi dứa gai mà chị Trâm đã hướng dẫn bà con chữa trị vết thương và cũng là nơi anh Ba Thuận đã hy sinh. Tôi sẽ dạy họ dùng ống liều (vỏ đạn nhọn) chế thuốc xuyên tâm liên mà chị hai Trâm đã dạy chúng tôi hồi đó". Chị rơm rớm nước mắt. "Hồi đó" đã 35 năm rồi. Chị từng khóc chị Trâm và nay lại khóc...

Đ.N.K

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.