Nellie McKay - 8X cứng đầu

09/12/2006 16:49 GMT+7

Nellie McKay sinh ở London, sống ở Mỹ và cha mẹ cô cũng từ 2 lục địa: cha là đạo diễn người Scotland, mẹ là diễn viên người Mỹ. Khởi đầu sự nghiệp là một người kể chuyện hài nhưng Nellie McKay nhanh chóng chuyển sang âm nhạc, lĩnh vực mà cô khẳng định được tên tuổi của mình.

Thuộc thế hệ 8X nên Nellie McKay có sự quyết đoán đôi khi đến cố chấp. Album đầu tay năm 2004 của cô gái sinh năm 1982 này được đặt tên nhại theo album Come away with me của Norah Jones thành Get away from me, thể hiện ý châm chọc với dòng jazz hiện đại. Hợp đồng dự tính với Hãng Columbia là một album 13 bài nhưng Nellie nhất quyết đòi một album đôi 18 bài và cô tự móc tiền túi ra trả 25.000 USD chi phí 5 bài thêm vào! Đến album thứ 2, Pretty little head, mọi chuyện y hệt. Đúng ra album dự tính phát hành ngày 18/10/2005 nhưng rồi phải dời lại vài lần. Mâu thuẫn giữa Nellie và hãng đĩa về album này càng lúc càng gay gắt. Nellie muốn album của mình gồm 2 đĩa, 23 track nhạc và dài 65 phút nhưng Hãng Columbia chỉ muốn album gồm 1 đĩa, 16 track và dài khoảng 48 phút. Columbia tự tin với quyết định của mình và đĩa nhạc rút gọn này đã được hãng đĩa gửi đến các cây viết phê bình âm nhạc từ cuối năm 2005. Rốt cuộc, hoặc Nellie đã rời hãng đĩa hoặc hãng bỏ rơi cô và sau 9 tháng dàn xếp, ngày 31/10/2006, Nellie đã phát hành Pretty little head thông qua hãng đĩa của chính cô mang tên Hungry Mouse. Xem lại, Hãng Columbia đã cắt bỏ những track nhạc rất hay như Yodel, Food và sự cứng đầu của Nellie đã giúp người nghe có dịp thưởng thức những bản nhạc chất lượng.

Chọn Nellie McKay thật thích hợp để khởi đầu một ngày mới. Mọi thứ với cô gái này đều tươi tắn và vui nhộn, kể cả khi hát về chuyện cay đắng như ở bài There you are in me. Bài mở đầu Cupcake giống như một bản tình ca: "Tôi cần em vào buổi sáng, trong ánh mặt trời, trong mưa dầm lẫn tuyết rơi", mãi đến cuối bài mới biết rằng đây là một bài ca ngợi việc kết hôn đồng giới! Nellie có một thời gian diễn trong các câu lạc bộ đồng tính ở khu Greenwich Village (Manhattan, thành phố New York) nên cô có vẻ rất cảm thông với những người thuộc giới tính thứ 3 này.

Bài Yodel, ngoài đoạn hát yodel (kiểu hát ngân nga của người dân vùng núi Aples, Thụy Sĩ) ở đầu và cuối, nhẹ nhõm như một bản nhạc Pháp. I will be there chập chùng bộ gõ và những hợp âm trên organ Hammond. I am nothing có những chất nhạc xưa cũ như bài Feeling. Gladd cũng dịu dàng đến mức mơ màng. Beecharmer được hát chung với Cindy Lauper, một bài hát khá cuốn hút. Cindy đã đóng chung với Nellie trong vở nhạc kịch Broadway Threepenny Opera. Vai diễn Polly Peachum của Nellie trong vở này đã nhận được giải thưởng Theater World dành cho "Vai diễn đầu tay nổi bật nhất". Columbia is bleeding là một bài rất hấp dẫn, mở đầu như một bài hành khúc và nói về việc phòng nghiên cứu ở Đại học Columbia đã đối xử tàn bạo với súc vật. Mama and me là những suy nghĩ đôi khi rất trẻ con của cô về mẹ, những lúc tranh cãi "con ghét mẹ, hãy để con yên" chỉ để rồi đoạn điệp khúc lặp đi lặp lại "Với mẹ bên con, con biết rằng con sẽ luôn vượt qua được mọi khó khăn".

Giọng hát của Nellie mong manh như đồ sứ, rất giống với các giọng hát Pháp như Francois Hardy hay France Gall và trong album mới, cô cũng hát một bài bằng tiếng Pháp Lali Est Paresseux. Từ album đầu tay đến album mới, Nellie thử nghiệm mọi thể loại mà mình thích, duy có một âm thanh thường xuyên xuất hiện trong các bài hát của cô là tiếng piano. Đây là một album đôi hay và rất đa dạng, dài 1 giờ 4 phút 24 giây nhưng nghe không hề chán.

Trí Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.