Khơi nguồn sức mạnh văn hóa phát triển đất nước

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
28/02/2023 07:35 GMT+7

Sáng 27.2, Hội thảo khoa học quốc gia '80 năm Đề cương về văn hóa VN (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển' khai mạc tại Hà Nội.

Hội thảo diễn ra với sự có mặt của khoảng 250 đại biểu trực tiếp và các đại biểu tại 63 đầu cầu trực tuyến. Ban tổ chức đã nhận được một báo cáo trung tâm và 173 bản tham luận.

Khơi nguồn sức mạnh văn hóa phát triển đất nước - Ảnh 1.

Từ trái qua: Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa tham quan triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa VN

Chinhphu.vn

Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; GS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Bí thư T.Ư Đảng - Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó thủ tướng Trần Hồng Hà…

Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các nhà khoa học, các đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn 5 vấn đề chủ yếu.

Khơi nguồn sức mạnh văn hóa phát triển đất nước - Ảnh 2.

Lan tỏa văn hóa Việt Nam qua chương trình Dòng chảy bất tận - Ngày Quốc gia Việt Nam (30.12.2021) tại Triển lãm Thế giới - EXPO 2020 (Dubai, UAE)

KIẾNG CẬN

Một là khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về văn hóa VN (sau đây gọi tắt là Đề cương) trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Hai là tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa đối với phát triển. Ba là hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách, tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người. Bốn là chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Năm là thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa phát triển.

GS-TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư, đánh giá bản Đề cương là sự khai phá, mở đường cho quá trình xây dựng lý luận văn hóa ở VN. Đề cương cũng dự báo sáng suốt về tương lai của văn hóa VN. Đó là, văn hóa VN sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở "xiềng xích" và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới. Điều này đã thành sự thật.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng lại cho rằng Đề cương còn có giá trị thực tiễn lớn lao trong phát triển văn hóa, xây dựng con người VN trong suốt 8 thập niên qua. "Ngay từ khi Đề cương ra đời, với việc đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hóa, đã cho thấy phát triển con người và phát triển văn hóa là hai mục tiêu gắn kết, không tách rời nhau", ông Hùng nói.

Đại chúng hóa và thu hẹp khoảng cách tiếp cận văn hóa

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: "Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội đại chúng hóa văn hóa; thu hẹp khoảng cách tiếp cận, hưởng thụ văn hóa như hiện nay". Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những xu hướng tiếp cận văn hóa phổ biến hiện nay là hỏi - đáp. Vì lẽ đó, chúng ta cần xây dựng được công cụ trợ lý ảo, chẳng hạn như ChatGPT chuyên về văn hóa VN. Từ đó, người Việt và bạn bè quốc tế đều có thể đối thoại, học hỏi, mở mang hiểu biết về nền văn hóa Việt mọi lúc, mọi nơi. Văn hóa VN cũng được truyền bá nhanh, hiệu quả.

Kết luận hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng trên cơ sở đánh giá một cách khoa học, toàn diện có thể khẳng định những quan điểm cốt lõi của Đề cương đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn.

"Qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng và các nghị quyết chuyên đề về văn hóa, văn nghệ; từ định hướng chiến lược của Đề cương, nhất là 3 nguyên tắc: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa, Đảng đã nhận thức ngày càng sâu sắc và đầy đủ hơn về bản chất, ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội, trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc", ông Nghĩa nói.

Qua Đề cương cũng như 80 năm qua việc Đảng ta khẳng định: Văn hóa phải thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng trong sự phát triển của đất nước, ông Nghĩa nhấn mạnh: "Có thể thấy, trong lý luận cũng như thực tiễn, văn hóa ngày càng được coi trọng, đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; là nhân tố điều tiết, đóng vai trò quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước".

Khơi nguồn sức mạnh văn hóa phát triển đất nước - Ảnh 3.

Tại Liên hoan phim lần 2 (1973), Tổng Bí thư Trường Chinh khi đó là Chủ tịch Quốc hội tặng hoa cho đơn vị được Bông sen vàng

TTXVN

Nhà thơ Sóng Hồng và nhà chính trị Trường Chinh

Theo PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn học, nhà thơ Sóng Hồng - nhà chính trị Trường Chinh là minh chứng sinh động cho mô hình nghệ sĩ và chiến sĩ của văn học cách mạng.

"Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ. Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền" là những câu thơ mở đầu cho phần thảo luận bàn tròn tại Hội thảo quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa VN (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển". Đây là những câu thơ của nhà thơ Sóng Hồng, cũng là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Trường Chinh - người đã soạn thảo Đề cương về văn hóa VN.

PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp cho biết những câu thơ trích trong bài Là thi sĩ trên được viết từ năm 1942. Bài thơ mang dáng dấp của một tuyên ngôn nghệ thuật. "Rõ ràng chúng ta thấy trong bài thơ, Sóng Hồng đưa ra tuyên ngôn rằng văn học phải có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân. Trong cuộc đời của mình, nhà thơ Sóng Hồng đã có hơn 200 bài thơ. Hồn thơ của Sóng Hồng là một hồn thơ rất khỏe khoắn, chân thực và tràn đầy lạc quan", PGS-TS Điệp nói.

Cũng theo ông Điệp, thơ Sóng Hồng luôn gắn với đời sống, nói rộng ra là nghệ thuật phải gắn với đời sống nhân dân. Không chỉ là một người sáng tác, ông còn là nhà lý luận xuất sắc về thơ. Sóng Hồng là minh chứng sinh động cho mô hình nghệ sĩ và chiến sĩ của văn học cách mạng.

Ông Điệp cũng nói về mối quan hệ giữa nhà thơ Sóng Hồng và nhà chính trị Trường Chinh, thể hiện quan điểm của Đảng về văn hóa. "Đọc lý luận của ông có sự lôi cuốn hùng biện, ở đấy có cái nhìn minh triết, lập luận sắc sảo. Ở đó còn có tầm vóc của một nhà văn hóa khiến ông nắm bắt được tinh hoa văn hóa dân tộc, nhân loại. Tầm vóc nhà chính trị lại giúp ông nhìn được xu thế vận động của lịch sử và những "bước đi" của cách mạng VN", ông Điệp nói. Theo ông Điệp, những điều đó thể hiện qua Đề cương về văn hóa VN với sự ngắn gọn, tư duy khúc chiết, khoa học.

Khơi nguồn sức mạnh văn hóa phát triển đất nước - Ảnh 5.

Khơi nguồn sức mạnh văn hóa phát triển đất nước - Ảnh 6.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.