Không còn thời gian để kêu khó

30/09/2022 04:28 GMT+7

Sau 5 năm áp dụng và triển khai các biện pháp để gỡ thẻ vàng (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định - IUU), chúng ta đang đối diện nguy cơ lên thẻ đỏ.

Nghĩa là các doanh nghiệp (DN) trong nước sẽ đứng trước một loạt các biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm thương mại đối với các sản phẩm thủy sản của quốc gia đó. Để hiểu vì đâu nên nông nỗi này, hãy nhìn lại hành trình gỡ thẻ để thấy rõ nguyên nhân.

Tháng 9.2021, tại cuộc họp họp trực tuyến với các địa phương liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu kết nối trực tiếp với các đơn vị cấp huyện, xã tại những tỉnh có nhiều ngư dân vi phạm để tìm hiểu tình hình thực tế. Còn nhớ lúc đó, Thủ tướng đã đặt hàng loạt câu hỏi với lãnh đạo các địa phương này rằng đã tuyên truyền cho người dân về các chủ trương, đường lối, chính sách, quy định về khai thác hải sản chưa? Tuyên truyền bằng cách nào? Việc tổ chức thực hiện thế nào, có khó khăn gì? Tỉnh, huyện có xuống kiểm tra thực tế ở cơ sở không? Trên địa bàn xã, phường có người vi phạm không? Việc tổ chức quản lý cần thế nào để làm tốt hơn trong tình hình hiện nay?... Câu trả lời là lãnh đạo nhiều địa phương vẫn chưa nắm chắc quy định, có người chỉ “nắm được một phần”. Xin được nhắc lại là tính đến buổi hội nghị đó thì chúng ta đã triển khai gỡ thẻ được gần 4 năm. 4 năm mà nội dung, quy định còn chưa nắm chắc thì nói gì đến thực hiện. Tương tự, trong một cuộc họp về gỡ thẻ vàng, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chỉ rõ không có tàu cá vi phạm, mà là con người, là những chủ tàu đánh cá. Ý là việc tuyên truyền, hướng dẫn, yêu cầu... phải đúng, trúng thì mới hiệu quả.

Thế nhưng nhìn lại quá trình gần 5 năm kể từ khi bị EU áp dụng thẻ vàng, có thể nhận thấy các điểm chung rằng: Hội nghị nào chúng ta cũng kiên quyết gỡ thẻ, nhưng lần tổng kết nào thì nguyên nhân, lý do, khó khăn cũng na ná như nhau. Và kết quả thì như nói trên, không những chưa gỡ được thẻ vàng, chúng ta còn đứng trước nguy cơ bị “nâng cấp” lên thẻ đỏ.

Câu nói “trên nóng dưới lạnh” rất đúng trong việc gỡ thẻ vàng với thủy sản xuất khẩu tại Việt Nam thời gian qua. Giờ đây, nếu để bị thẻ đỏ thì không chỉ mất thị trường EU, bởi IUU không còn là yêu cầu riêng của thị trường này nữa mà đang dần trở thành “luật chơi” của các thị trường lớn khác. Cụ thể, đầu tháng 9, Nhật Bản thông báo từ ngày 1.12.2022 sẽ áp dụng giấy chứng nhận, xác nhận theo quy định IUU với 4 loài thủy sản xuất khẩu vào thị trường này, gồm: mực ống và mực nang, cá thu đao, cá thu mackerel và cá trích. Với hiện trạng chống khai thác trái phép vẫn chưa được thực hiện hoàn chỉnh của chúng ta hiện nay thì quy định mới này lại đẩy các doanh nghiệp đối mặt với khó khăn, áp lực mới.

Quan trọng hơn, việc này cho thấy chúng ta không thể chần chừ được nữa trong thực hiện các biện pháp để gỡ thẻ. Nói đơn giản thì “nhập gia tùy tục”, chúng ta tham gia cuộc chơi thì phải chấp nhận luật chơi của thị trường, không còn cách nào khác. Vì vậy, hãy thôi kêu khó, kêu vướng mà bắt tay vào thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, triệt để, trả lại thị trường cho ngành thủy sản được khai thác hợp pháp. Ngay cạnh chúng ta, Thái Lan đã từng bị thẻ vàng và đã được gỡ thẻ.

Họ làm được, lẽ nào ta không?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.