Kiểm tra tiền công đức, chùa Ba Vàng và hơn 50 di tích không báo cáo

22/07/2023 22:18 GMT+7

Kết quả thực hiện thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nêu rõ chùa Ba Vàng và hơn 50 di tích không báo cáo.

Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Lê Minh Khái về kết quả thực hiện thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và đề xuất kế hoạch kiểm tra tổng thể trên phạm vi toàn quốc.

Trên 50 di tích không báo cáo thu, chi

Về thu, chi tiền công đức, tài trợ tại các di tích, báo cáo nêu rõ trong năm 2022: tổng số thu là 70,8 tỉ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng).

Theo đánh giá của các chủ thể được giao quản lý di tích, năm 2022 là năm thứ 3 liên tiếp chịu tác động của đại dịch Covid-19; số thu tiền công đức, tài trợ cả năm 2022 chỉ bằng khoảng 40 - 60% số thu công đức, tài trợ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Kiểm tra tiền công đức, chùa Ba Vàng và hơn 50 chùa không báo cáo - Ảnh 1.

Đông đảo người dân, phật tử tới dự khai hội chùa Ba Vàng dịp đầu năm nay

TG

Tổng số chi là 54,4 tỉ đồng. Trong đó, chi hoạt động quản lý 13 tỉ đồng; chi hoạt động lễ hội 8,1 tỉ đồng; chi tu bổ, tôn tạo di tích 12,9 tỉ đồng; chi hoạt động từ thiện 2,9 tỉ đồng; các khoản chi khác là 17,5 tỉ đồng.

4 tháng đầu năm nay: tổng số thu là 61 tỉ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), gần bằng số thu cả năm 2022.

Tổng số chi là 29,4 tỉ đồng. Trong đó, chi hoạt động quản lý 5,9 tỉ đồng; chi hoạt động lễ hội 8 tỉ đồng; chi tu bổ, tôn tạo di tích 8,6 tỉ đồng; chi hoạt động từ thiện 0,8 tỉ đồng; các khoản chi khác là 6,1 tỉ đồng.

Một số di tích có số thu trong 4 tháng đầu năm nay trên 1 tỉ đồng, bao gồm: di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên là 19,8 tỉ đồng (bằng 32% tính trên tổng số thu tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn tỉnh); đền Thánh Mẫu ở Trà Cổ (TP.Móng Cái) 5,3 tỉ đồng; khu di tích lịch sử Bạch Đằng (TP.Hạ Long) 3,2 tỉ đồng…

Đáng chú ý, theo Bộ Tài chính, số liệu nêu trên được tổng hợp từ báo cáo của 221 chủ thể, bằng 47% trên tổng số chủ thể quản lý di tích. Sau khi loại trừ số di tích không có công đức, còn trên 50 di tích không có số liệu báo cáo, trong đó có chùa Ba Vàng ở TP.Uông Bí thuộc di tích cấp tỉnh.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, với số thực thu trong 4 tháng đầu năm là 61 tỉ đồng, cộng với việc báo cáo đầy đủ các khoản công đức tại các di tích, tổng số thu tiền công đức, tài trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cả năm 2023 dự kiến trên 180 tỉ đồng.

Chính quyền đã gửi công văn đề nghị chùa Ba Vàng báo cáo tiền công đức

Cần kiểm tra tổng thể quản lý tiền công đức trên toàn quốc

Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ, theo số liệu thống kê, hiện cả nước có trên 54.000 di tích. Trong đó, có 123 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, gần 4.000 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 10.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh và trên 40.000 di tích đã được đưa vào danh mục kiểm kê của địa phương theo quy định của luật Di sản văn hóa.

Tại các di tích này, mỗi năm tổ chức khoảng 9.000 loại lễ hội; trong đó có khoảng 7.000 lễ hội truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo và hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng.

Thực tế tại tỉnh Quảng Ninh cho thấy, người dân có nhu cầu rất lớn trong việc công đức, tài trợ cho di tích và lễ hội. Tuy nhiên, đến nay chưa có báo cáo đánh giá tổng thể về hoạt động này trên phạm vi cả nước mà mới chỉ dừng ở phạm vi di tích, theo cách làm riêng của mỗi địa phương.

Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, việc kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên toàn quốc thực sự cần thiết, là dịp để tổng hợp, đánh giá đầy đủ hơn về hoạt động này.

Theo đó, đối tượng kiểm tra là các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của luật Di sản văn hóa.

Nội dung kiểm tra là việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ; xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa. Thời kỳ kiểm tra: năm 2022 và 2023.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố (trừ tỉnh Quảng Ninh) chỉ đạo thực hiện kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn tỉnh và gửi báo cáo kết quả kiểm tra về Bộ Tài chính trong quý 1/2024.

Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra; tổng hợp báo cáo của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4.2024. 

Trong đợt thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vừa qua, thời kỳ kiểm tra là trong năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023.

Đối tượng kiểm tra là các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của luật Di sản văn hóa.

Nội dung kiểm tra: việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có tổng số 450 di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó, có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 47 di tích cấp quốc gia, 70 di tích cấp tỉnh và 328 di tích đưa vào danh mục kiểm kê của địa phương.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.