Kiên nhẫn với câu hỏi 'vì sao' của trẻ

11/12/2014 05:10 GMT+7

Trẻ lên 3 thường bắt đầu tò mò về thế giới xung quanh và luôn muốn lý giải mọi thứ bằng cách đặt câu hỏi “cái gì”, “vì sao”. Cha mẹ cần kiên nhẫn và giúp trẻ có được những nhận thức đúng.

Lứa tuổi mẫu giáo luôn khao khát tìm hiểu về sự vật, hiện tượng xung quanh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Lứa tuổi mẫu giáo luôn khao khát tìm hiểu về sự vật, hiện tượng xung quanh
- Ảnh: Đào Ngọc Thạch
 

Trước sự tò mò và khát khao tìm hiểu về thế giới của trẻ, nhiều bậc phụ huynh thừa nhận đã vô cùng bối rối, thậm chí đau đầu trước những câu hỏi ngây thơ, liên tục và cắc cớ của con mình. Chị Lan Anh (Q.Tân Bình, TP.HCM) có con hơn 3 tuổi cho biết : “Xem ti vi bé cũng hỏi, tưới cây hỏi, đi học, đi chơi, nhìn thấy gì là hỏi cái đó. Chỉ lúc ngủ bé mới “tha” cho ba mẹ”. Chị Lan Anh thừa nhận, có nhiều câu hỏi đơn giản thì chị giải đáp được, chứ nhiều câu hóc búa quá, chị đành đầu hàng hoặc trả lời qua loa.

Nhiều bé bắt đầu tò mò về giới tính và đặt những câu hỏi khiến cha mẹ không biết phải trả lời sao cho phù hợp. Cô Lê Thị Thu Hồng (phụ trách lớp mầm 3, Trường mầm non Hoa Anh Đào, Q.Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ: “Trước những vấn đề tế nhị, cha mẹ phải khéo léo tìm cách trả lời sao cho tinh tế, phù hợp, không vượt quá nhận thức còn non nớt của trẻ. Bé hay hỏi vì sao con lại nằm trong bụng mẹ, vì sao con lại chui ra được, vì sao các bạn nữ lại... ngồi khi đi tè... Hãy tôn trọng tất cả thắc mắc của trẻ vì đây là dịp để trẻ có thể khám phá, nhận thức đúng về sự vật hiện tượng xung quanh”. Cô Thu Hồng cho rằng, nếu thấy con hỏi nhiều quá, cha mẹ cáu gắt hoặc trả lời qua quýt, sai kiến thức rất dễ làm thui chột sự ham học hỏi của trẻ. Tệ hơn nữa là khiến trẻ nhận thức sai, mất niềm tin vào cha mẹ.

TS tâm lý giáo dục Võ Văn Nam (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cũng nhìn nhận: “Dù câu hỏi thế nào thì cũng là cơ hội để phụ huynh nuôi dưỡng sự ham học hỏi ở trẻ, đồng thời là dịp để cha mẹ bổ sung những kiến thức còn thiếu hụt. Không nên coi thường và quay lưng với những câu hỏi này dù bận rộn đến mấy”.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc khuyến khích con tự tìm câu trả lời cũng là cách khơi gợi tư duy, kích thích trí tuệ trẻ. Có thể những suy nghĩ của trẻ hết sức ngây ngô, hồn nhiên nhưng điều đó có nghĩa trẻ đã bắt đầu biết tư duy. Nhiều lần như vậy não bộ của trẻ sẽ phát triển, biết phân tích, xử lý thông tin, đưa ra nhiều lý giải khác nhau cho một vấn đề.

Mỹ Quyên

>> Sai lầm khi dạy con
>> Dạy con cách xin lỗi
>> Dạy con làm bếp không khó

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.