img

Chiếm tới 2/5 hạng mục chính của Giải thưởng UIA 2023 (giải thưởng do Hiệp hội Kiến trúc sư thế giới tổ chức 3 năm 1 lần, nhằm tôn vinh những KTS đạt được những thành tựu có ý nghĩa quốc tế) là hai đại diện đến từ Việt Nam. Trong đó, KTS Hoàng Thúc Hào cùng văn phòng 1+1>2 chiến thắng hạng mục Môi trường nhân văn và bền vững (Giải thưởng Robert Matthew) cho cụm 5 làng nói trên với đánh giá từ Hội đồng giám khảo: "Chuỗi công trình nhấn mạnh cảm giác gắn kết và môi trường thân thiện cho cuộc sống của người dân địa phương…"

6 năm trước, cũng tại Giải thưởng chuyên môn uy tín này, anh đã thắng Giải Vassilis Sgoutas cho cụm công trình cải thiện cuộc sống người nghèo ở vùng cao và nông thôn Việt Nam, "đồng thời tôn trọng cả văn hóa truyền thống địa phương và môi trường tự nhiên"…

KTS Hoàng Thúc Hào chia sẻ với Thanh Niên về triết lý làm nghề cũng như triết lý sống mang tên "1+1 > 2" mà anh cùng cộng sự đeo đuổi suốt 20 năm qua.

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào: “1+1 > 2” là kiến trúc hạnh phúc - Ảnh 1.

KTS Hoàng Thúc Hào trong lần được Giải thưởng UIA vinh danh năm 2017

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào: “1+1 > 2” là kiến trúc hạnh phúc - Ảnh 2.

Những tâm huyết và giải pháp kiến trúc nào đã được anh và cộng sự đặt vào 5 ngôi làng đặc biệt vừa được vinh danh nói trên?

Nậm Đăm (Quản Bạ, Hà Giang) trước đây vốn là một bản trên núi, bao quanh là rừng và ruộng bậc thang. Ngôi làng có bản sắc văn hóa độc đáo với những ngôi nhà làm bằng đất nện. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân nơi đây bị cô lập, thiếu kết nối với các cộng đồng khác, trẻ em không được đến trường, chuồng trại chăn nuôi mất vệ sinh gây ô nhiễm, dịch bệnh… nên dân bản đã tìm cách tự cứu mình bằng quyết định xuống núi, lập làng mới, kết hợp phát triển homestay, và sau đó đã nhận được sự trợ giúp từ tổ chức phi chính phủ Caritas (Thụy Sĩ) và các kiến trúc sư của văn phòng 1+1>2 để xây mới 50 ngôi nhà, trong khoảng thời gian từ 2009 đến 2015.

Từ mô hình nhà cũ thiếu ánh sáng và thông gió tự nhiên..., nhà ở của dân đã được thiết kế phù hợp, tiện ích và linh hoạt không gian. Những ngôi nhà cải tạo thường nâng gác xép, chuyển đổi kho thành phòng ngủ cho khách bằng cách ghép nối kết cấu gỗ và tường đất, mở rộng và cải thiện không gian sống của gia đình. Các modul xây mới hài hòa với ngôi nhà hiện có: cứ 4, 5 nhà có một ao chung để nuôi cá, lượng đất đào lên được dùng làm vật liệu xây tường, hầm biogas cho chuồng trại của các gia đình… Đóng vai trò hạt nhân là Nhà cộng đồng Nậm Đăm - trung tâm thông tin và sinh hoạt cộng đồng với kiến trúc cách tân, tường đất nện dày 80 cm cách ly tốt với thời tiết khắc nghiệt, tích hợp vật liệu hiện đại. Các không gian kết nối linh hoạt trước - sau, trên - dưới bằng hành lang, khoảng trống, lam lấy sáng…

Làng đất Nậm Đăm (Hà Giang)

Làng công nhân Lào Cai (được xây dựng năm 2014 - 2015) dành riêng cho đối tượng lao động xa quê là công nhân Nhà máy hóa chất Đức Giang. Tổ hợp gồm 4 dãy nhà, nằm trên cao độ khác nhau khoảng 2,5 m, có hành lang nối liền. Các khối chạy theo hình vòng cung dựa trên đường viền tự nhiên, tạo lõi xanh ở giữa. Khoảng trống giữa các khối nhà và giữa các vị trí thang tạo nên các phễu hút gió đối lưu thổi qua sân trong. Kiến trúc nhà hướng Bắc - Nam, tránh nắng nóng và đảm bảo tất cả các phòng đều có ánh sáng, thông gió tự nhiên. Mặt đứng được thiết kế hệ khung xương bê tông dạng cây kết hợp bồn trồng hoa, cây leo có tác dụng che nắng, tạo hiệu ứng đổ bóng đặc biệt khi di chuyển dọc hành lang. Thiết kế tận dụng địa hình, độ dốc tự nhiên, hạn chế tối đa việc san lấp, tạo thành những thửa ruộng bậc thang - nét đặc trưng của miền núi phía Bắc. Ngoài khoảng sân giữa các dãy nhà, diện tích mái còn được tận dụng để trồng rau và các loại nông sản địa phương. Nhà ở, sân vườn, sân chơi chung, sân bóng đá, bóng chuyền, bể bơi tạo sự gắn kết cư dân như làng xóm thân thiện, bền vững... Đó là lý do để công trình được ghi nhận đặc biệt từ Ban giám khảo UIA 2023: "Nổi bật là công trình "Làng công nhân", đã góp phần tạo nên một môi trường sống tối ưu và hiệu quả cho những người lao động làm việc tại nhà máy, giúp tái tạo sức lao động và khuyến khích sự kết nối giữa những người hàng xóm thông qua thiết kế sân, hành lang chung và các hoạt động chăm sóc sân vườn, đồng thời hướng đến môi trường sống có hệ sinh thái xanh, gần gũi thiên nhiên…"

Làng công nhân Lào Cai (trái) và Làng treo phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội)

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào: “1+1 > 2” là kiến trúc hạnh phúc - Ảnh 5.

Làng mít Sơn Tây (Hà Nội)

Tâm huyết và gắn bó với các công trình cộng đồng và trường học vùng cao, vùng xa..., Hoàng Thúc Hào và cộng sự được mệnh danh là "kiến trúc sư của người nghèo", điều đó có đúng?

Ngay từ lúc thành lập văn phòng kiến trúc 1+1>2, tôi đã luôn xác định nguồn lực chính của văn phòng là làm kiến trúc xã hội - một công việc có thể nói là "vác tù và hàng tổng", nhưng may mắn đã gặp được những anh em trẻ cùng chung tâm huyết và tinh thần hướng thượng. Suốt 20 năm qua không một ai "rời tàu", dù hầu hết các công trình chúng tôi đeo đuổi đều triển khai trong điều kiện hết sức khó khăn, cả về tìm kiếm tài trợ lẫn bối cảnh thi công...

Kiến trúc sư chân chính luôn tôn trọng tính nhân văn trong kiến trúc, sự bền vững của môi trường và sự đa dạng văn hóa. Trách nhiệm dấn thân của họ là nỗ lực xóa bỏ những bất bình đẳng trong kiến trúc, đặc biệt quan tâm phụng sự những cộng đồng yếu thế vùng sâu, vùng xa hay những khu vực đô thị, nông thôn kém phát triển. Hành trình 20 năm qua của 1+1>2 là nỗ lực kiên trì nhằm góp phần hình thành ý thức xã hội, bằng sự cộng hưởng: Kiến trúc sư + nhà nghiên cứu + nhà hoạch định + cộng đồng dân cư.

Toàn cầu hóa mang lại nhiều giá trị to lớn, song có nguy cơ xóa nhòa, thậm chí triệt tiêu bản sắc. Những cộng đồng yếm thế hầu như bị lãng quên lại nắm giữ kho báu văn hóa khổng lồ. Họ đương nhiên có quyền cất tiếng nói riêng, đóng góp vào sự giàu có và đa dạng của loài người. Điều đinh ninh chính đáng này là động lực dấn thân, hội tụ nguồn lực, động lực bất biến của kiến trúc hạnh phúc 1+1>2.

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào: “1+1 > 2” là kiến trúc hạnh phúc - Ảnh 6.

Sau 20 năm, phép cộng 1+1>2 có thay đổi?

Nó vẫn luôn là một triết lý đẹp của chúng tôi, trong ý nghĩa hội tụ các nguồn lực để tạo ra những giá trị lớn hơn. Còn nhớ, trong một lần đến thăm trường Lũng Luông (Võ Nhai, Thái Nguyên) - ngôi trường vùng cao đầu tiên mà chúng tôi thiết kế, GS. Ngô Bảo Châu đã bất ngờ viết lên bảng phép tính: "1+1>2" và hỏi "Phép tính này đúng không, các em?". Lời giải thích của GS là cần thêm một trái tim bao quanh dấu cộng (+), với hàm ý: từng cá nhân nếu cùng nhau gắn kết bằng trái tim ấm áp, nhân hậu, sức mạnh tập thể sẽ được nhân lên rất nhiều. Đây cũng là cốt lõi giá trị của 1+1>2, không ngại dấn thân, chia sẻ tâm huyết, trí lực cho việc hình thành mạng lưới các điểm trường vùng cao trên mọi miền tổ quốc.

Một nhân tố có ý thức tự hoàn thiện, hướng thượng - hướng đến số 1 hoàn chỉnh luôn sẵn sàng tương tác, cộng hưởng với các yếu tố cũng có xu hướng tiến đến 1 khác, sẽ cùng kiến tạo những giá trị chung lớn hơn. Hiện đại hợp trội với cốt lõi bản địa, hàn lâm tiếp biến dân gian, vật liệu, công nghệ truyền thống với cải tiến… Từng yếu tố có khuynh hướng là 1, tiến đến 1 nhưng thường trực phải tương tác với cái 1 khác để lớn hơn 2.

1+1>2 vì thế với chúng tôi không chỉ là một cái tên, mà còn là lẽ sống.

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào: “1+1 > 2” là kiến trúc hạnh phúc - Ảnh 7.

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào: “1+1 > 2” là kiến trúc hạnh phúc - Ảnh 8.

 Một trong những "đặc điểm nhận dạng" điển hình cho các đồ án của anh là sự quan tâm tới hệ mái. Vì mái "được coi là mặt đứng thứ Năm của công trình", nói như KTS Lê Quang (Berlin), hay còn vì lý do nào khác?

Ở một xứ sở nhiệt đới nắng lắm mưa nhiều như Việt Nam thì phần quan trọng nhất của ngôi nhà, đặc biệt là dạng nhà thấp tầng, chính là cái mái. Xâm thực thời tiết đánh vào mái là chính, nên đó là nơi đứng mũi chịu sào, cũng là nhận diện dễ thấy nhất của ngôi nhà. Kiến trúc dân gian Việt cũng để lại những mẫu mực về thiết kế hệ mái như nhà rông, nhà dài Tây Nguyên... Nhưng cái thú vị của sáng tạo đôi khi đến từ may mắn, chẳng hạn như khi chúng tôi xây dựng nhà cộng đồng cho bản người Dao ở Nậm Đăm (Quản Bạ, Hà Giang), về sau gọi là Nhà cộng đồng Cánh Én. Vì lúc khảo sát, chúng tôi bắt gặp mấy chú chim én cứ bay liệng quanh nhà, hỏi ra mới biết ở đây chim én thường làm tổ dưới mái nhà và người Dao địa phương tin rằng đây là loài chim mang lại may mắn. Ý tưởng xây dựng mái dốc cách điệu hình cánh én ra đời từ đó, nó vừa phản ánh tín ngưỡng của người địa phương, vừa giúp đón ánh sáng tự nhiên nhiều hơn, tối ưu hóa tầm nhìn đến những cánh đồng rộng lớn...

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào: “1+1 > 2” là kiến trúc hạnh phúc - Ảnh 9.

Làng Choản Thèn - Y Tí (Lào Cai)

Hoàng Thúc Hào cho tôi xem bản thảo cuốn sách "Gió ngàn" sắp xuất bản, trong đó ôn lại hành trình 20 năm xây dựng gần 60 điểm trường vùng cao, vùng xa của anh và cộng sự với nhiều trang viết cảm động. Một hành trình bền bỉ và lặng lẽ để không chỉ xây nên những điểm trường giúp xóa mù, cõng chữ mà đáng kể hơn, như anh nói, là giúp hình thành ý thức xã hội, ở ngay những con người chân chất hồn nhiên nơi heo hút gió ngàn: "Ngày cải tạo lại trường đã thay đổi suy nghĩ cả bản, cách làm đối ứng thúc đẩy trưởng bản và mọi người chung tay góp sức xây trường. Ban đầu, vài hộ không sẵn sàng tham gia vì trong suy nghĩ của họ, đấy là việc Nhà nước nên chính quyền phải tự giải quyết. Nhưng khi nghe các kiến trúc sư giải thích là công việc chung của nhiều tổ chức, cá nhân tham gia tình nguyện giúp bản thì mọi người hiểu ra, lại hăng hái, nhiệt tình. 297 hộ, 1489 nhân khẩu, hơn 3000 ngày công, mỗi người mang từ suối về 30 viên sỏi cuội, cuối cùng gom được xấp xỉ 80 nghìn viên, đủ vật liệu làm nhà đa năng, lát sân và trang trí các hạng mục. Từ việc cùng tham gia lao động, tất cả nhận ra trường lớp và chữ nghĩa quan trọng không kém miếng ăn. Bỏ công xây trường cũng là cách mỗi gia đình vun đắp cho tương lai của bản...".

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào: “1+1 > 2” là kiến trúc hạnh phúc - Ảnh 10.

Điểm trường Bản Lỷ (Sơn La)

Và hơn hết, đó là hành trình "giải mã bộ gene kiến trúc", như anh từng tâm đắc đề cập?

Tương tự mã gene sinh học, trong kiến trúc, mỗi dân tộc cũng có một bộ gene kiến trúc riêng, bao gồm 4 "phân tử": điều kiện địa hình, điều kiện khí hậu, phong tục tập quán (bao hàm tín ngưỡng, lối sống) và quan hệ, giao lưu xã hội. Bốn "gene kiến trúc" này kết hợp với nhau theo một tỷ lệ nhất định giống như gene sinh học song linh hoạt và đa chiều hơn. Các yếu tố này có thể thay đổi, do vậy cần được bóc tách, định lượng làm cơ sở xác định các giá trị, sao cho sản phẩm cuối cùng - một nền kiến trúc - không mất đi giá trị cốt lõi và không lạc hậu với thời cuộc. Khi bộ gene được giải mã, nền kiến trúc nói riêng và văn hóa nói chung sẽ có đủ sức đề kháng với những mặt trái của quá trình phát triển, tiếp thu được những yếu tố tích cực và tốt đẹp để phát triển biện chứng, lành mạnh...

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào: “1+1 > 2” là kiến trúc hạnh phúc - Ảnh 11.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.