Koh Kyoung Tae: Tôi muốn tìm lại tên cho các nạn nhân vụ thảm sát

14/09/2016 14:30 GMT+7

19 lần sang VN suốt 17 năm để tìm hiểu về câu chuyện cuộc đời của các nạn nhân trong vụ thảm sát tại hai làng Phong Nhất - Phong Nhị, phóng viên Hàn Quốc Koh Kyoung Tae đã tập hợp được nhiều tài liệu để xuất bản sách và tổ chức triển lãm ảnh (diễn ra từ ngày 9.9 - 1.10 tại Art Link gallery, quận Jongno, Seoul, Hàn Quốc).

Nhân dịp này, phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với tác giả Koh Kyuong Tae.
* Từ đâu ông nảy ra ý định sang Việt Nam để tìm hiểu về xuất xứ của 20 bức hình thảm sát người dân Việt Nam chụp tại làng Phong Nhất - Phong Nhị?
- Ông Koh Kyuong Tae: Những xác chết trong hình đính kèm trong hồ sơ của quân đội Mỹ được lưu lại một cách vô danh. Trước khi chết, cuộc đời của họ cũng có những hỉ nộ ai lạc. Cũng có gia đình yêu thương, có bạn bè và người yêu. Thế nhưng trên dòng chữ chú thích ảnh chỉ có từ “xác chết”. Tôi muốn tìm lại tên cho họ. Tôi muốn tìm lại câu chuyện cho họ.
Phóng viên Koh Kyoung Tae, người rất nặng lòng với Việt Nam
* Được biết ông đã sang Việt Nam rất nhiều lần để tìm kiếm câu chuyện về mảnh đời các nạn nhân. Nhân vật nào để lại trong ông ấn tượng mạnh nhất?
- Tôi đến thăm Việt Nam tổng cộng 19 lần từ năm 1999. Trong đó, tôi đến thăm làng Phong Nhất - Phong Nhị 6 lần vào các năm 2000, 2001, 2013, 2014, 2015 và 2016.
Thoạt đầu tôi muốn gặp tất cả dân làng Phong Nhất - Phong Nhị từng gánh chịu thảm họa ngày 12.2.1968. Tôi đã gặp những người xuất thân là lính miền Nam Việt Nam, gặp những người xuất thân là lính Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và gặp những nạn nhân còn sống sót.
Năm 1999, tôi gặp nhân viên của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Điện Bàn, người đã điều tra sự kiện Phong Nhất - Phong Nhị và Giám đốc Bảo tàng huyện Điện Bàn. Ở Hàn Quốc, tôi đã gặp các sĩ quan từng vào làng Phong Nhất - Phong Nhị ngày 12.2.1968. Ở Mỹ, tôi cũng rất muốn gặp hạ sĩ Vaughn đã vào làng và chụp ảnh nhưng tôi được xác nhận rằng ông ấy đã qua đời. Ở Nhật, tôi đã gặp những nhà hoạt động cho phong trào phản chiến Việt Nam năm 1968 và nghe kể những câu chuyện thời đó.
Điều gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi chính là người thiếu nữ nằm giữa những xác chết khác nhưng thực tế cô chỉ bị thương. Cô có một tấm hình khác là lúc đang điều trị cánh tay, nhưng hình cô xuất hiện nhiều nhất lại là giữa những xác chết. Bên cạnh thiếu nữ này là cha cô cũng đã chết. Theo tìm hiểu của tôi, cô gái đó là Trần Thị Được. Bố mẹ anh chị đều chết hết nên cô chỉ sống một mình trong hoàn cảnh thương tật. Sau khi cả gia đình chết hết, cô trở thành du kích. Nghe nói cô định cài bom đồn gác của lính cộng hòa thời đó thì bị bắt và phải sống trong tù.
Hai năm trước khi tôi đến làng Phong Nhất - Phong Nhị, Trần Thị Được đã mất vì bệnh ung thư vú. Tôi chỉ nghe được chuyện của Trần Thị Được từ người dân trong làng. Nghe kể đáng lẽ cô đang làm người giúp việc cho một gia đình ở Đà Nẵng thì bỗng nhiên trở về quê, chưa được mấy tháng thì phát hiện ra mắc phải căn bệnh hiểm nghèo trên. Không gặp được Trần Thị Được là điều khiến tôi day dứt nhất. Tôi muốn gặp chồng và con trai của Trần Thị Được để nghe kể câu chuyện về cuộc đời cô.
* Tại sao ông lại xuất bản một cuốn sách về câu chuyện những người lính Hàn thảm sát thường dân Việt Nam như cuốn Ngày 12 tháng 2 năm 1968? Ông muốn những người lính Hàn Quốc trước kia từng sang Việt Nam phải sám hối? Hay muốn người dân Hàn nói riêng và người dân thế giới nói chung hiểu rõ hơn về cuộc thảm sát thường dân đáng lên án này?
- Sự kiện cuộc thảm sát thường dân tại hai làng Phong Nhất - Phong Nhị đã bị lên án trên tờ Hankyoreh21 suốt 2 năm 1999 - 2000. Việc xuất bản sách không nhằm mục đích tố cáo lại sự kiện này. Tôi chỉ muốn giải mã mạch lạc lịch sử và thời đại để hiểu rõ tại sao sự kiện như Phong Nhất - Phong Nhị lại xảy ra. Đó là mong muốn phản ánh lại tình trạng “bán chiến tranh” của Hàn Quốc và quan hệ tương tác quốc tế trong thời điểm đó vào trong sự kiện Phong Nhất - Phong Nhị. Ngoài ra, tôi còn muốn cung cấp cho độc giả một cái nhìn đa phương diện về quá trình trước và sau khi xảy ra sự kiện Phong Nhất - Phong Nhị.
Ông Koh Kyoung Tae trước bia tưởng niệm tại xã Điện Thọ huyện Điện Bàn, Quảng Nam vào tháng 2.2014
* Ý tưởng thực hiện cuộc triển lãm trên từ đâu đến và ông định nhắn gửi điều gì từ đó?
- Tháng 10.1968, hàng trăm lính thuộc Lực lượng vũ trang đặc nhiệm Triều Tiên đã tràn vào huyện Uljin và TP.Samcheok của Hàn Quốc, tạo nên sự kiện vũ trang Uljin Samcheok. Các học sinh Hàn Quốc đều được học về sự kiện này, đặc biệt về câu chuyện cậu bé Lee Seung-bok 8 tuổi đã bị giết thảm vào thời điểm đó. Mỗi trường tiểu học ở Hàn Quốc đều có tượng Lee Seung-bok.
Thế nhưng hầu hết người Hàn Quốc lại không biết đến sự kiện lính thủy quân lục chiến của quân đội Hàn Quốc đã bắn súng vào họng của cậu bé Nguyễn Đức Trường mới 6 tuổi tại làng Phong Nhất - Phong Nhị (Quảng Nam, Việt Nam) ngày 12.2.1968.
Tôi đã suy nghĩ nhiều về điều này. Không chỉ có Lee Seung-bok mới có tư cách được mọi người nhớ đến. Nguyễn Đức Trường cũng có tư cách được mọi người nhớ đến...
* Sắp tới ông có kế hoạch sáng tác gì liên quan tới Việt Nam nữa không?
- Năm tới nếu có cơ hội tôi muốn quay lại Phong Nhất - Phong Nhị. Tôi sẽ luôn quan tâm đến Việt Nam. Và tôi vẫn chưa biết liệu kết quả đó sẽ trở thành một cuốn sách hay là một buổi triển lãm. Hiện nay ở Hàn Quốc, việc thiết lập Quỹ hòa bình Hàn - Việt đang được xúc tiến, tôi đang có kế hoạch tham gia Quỹ với tư cách là thành viên Hội đồng quản trị. Tôi hi vọng rằng Quỹ hòa bình Hàn - Việt sẽ trở thành giải pháp đầy chính nghĩa cho vấn đề này và góp phần vào hòa bình của Hàn Quốc, Việt Nam nói riêng và hòa bình châu Á nói chung.
* Xin cám ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.