Ký ức máy bay Concorde: Một ngày buồn và đầy cảm xúc (kỳ cuối)

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
01/05/2023 07:30 GMT+7

Chuyến bay cuối cùng của Concorde, đối với phi công John Tye, là "một ngày rất, rất buồn và đầy cảm xúc".

"Đó là một thời điểm rất xúc động, rất nhiều nước mắt đã rơi", phi công Richard Westray nhớ lại "cuộc chia tay đẫm lệ" từ trạm kiểm soát không lưu trên chuyến bay Concorde cuối cùng của ông từ New York đến London vào năm 2003.

Khi Concorde kết thúc sứ mệnh, Westray rất biết ơn vì mình vẫn còn trẻ và có thể được huấn luyện để lái máy bay khác và tiếp tục sự nghiệp hàng không của mình.

Kỳ cuối: Một ngày buồn và đầy cảm xúc - Ảnh 1.

Bức ảnh chụp nữ phi công Concorde Barbara Harmer đang điều khiển chuyến bay từ London đến New York năm 1993

CNN

Nhưng những nhân viên khác của Concorde đã thất nghiệp, đặc biệt là các kỹ sư máy bay. Khi Concorde ra mắt, đây là một công việc hàng không quan trọng, nhưng đến đầu thế kỷ 21, vai trò này đã trở nên lỗi thời nhờ những tiến bộ của công nghệ.

Jock Lowe là một trong số những phi công của Concorde đã nghỉ hưu khi máy bay không còn tung cánh.

Lowe nói về thời kỳ này: "Tôi không hoàn toàn chắc chắn rằng Concorde sẽ quay lại dù hoàn toàn tin tưởng vào chiếc máy bay".

Về phần Tye, anh tiếp tục lái máy bay của British Airways cho đến năm 2022. Năm tháng trôi qua và số lượng cựu phi công Concorde còn phục vụ ngày càng ít đi, Tye ngày càng đặt ra nhiều câu hỏi về những ngày lái máy bay siêu thanh của mình.

Anh bồi hồi: "Bạn không phải là người nổi tiếng, nhưng bạn được biết đến với tư cách là một phi công của Concorde".

Trên các chuyến bay sau này, Tye thường xuyên bị một phi công phụ trẻ tuổi hơn hỏi tất cả về thời gian Tye lái Concorde.

"Tôi rất vui khi được chia sẻ niềm đam mê và đặc quyền của mình với họ và nói tất cả về điều đó. Tôi sẽ cố gắng làm đúng và biết khi nào nên im lặng, không thu hút ánh đèn sân khấu", Tye nói tiếp.

Kỳ cuối: Một ngày buồn và đầy cảm xúc - Ảnh 2.

Vụ tai nạn máy bay Concorde khiến 113 người thiệt mạng vào năm 2000

20MINUTES

Chỉ có hai nữ phi công lái Concorde là Barbara Hammer (qua đời năm 2011) của British Airways và Béatrice Vialle của Air France, người vẫn còn làm việc cho hãng hàng không Pháp.

Tye biết Hammer và nói rằng cô ấy "thật tuyệt vời".

Trong khi hàng không vẫn được biết đến là ngành công nghiệp chủ yếu của nam giới người da trắng, Tye nói rằng anh rất vui khi thấy sự tiến bộ trong hai thập kỷ kể từ chuyến bay cuối cùng của Concorde.

"Chúng tôi chắc chắn đội ngũ phi công đang ngày càng trở nên đa dạng về màu da hơn", Tye nhận định.

Tương lai của máy bay siêu thanh

Gần hai thập kỷ kể từ chuyến bay cuối cùng của Concorde, sức hấp dẫn của máy bay siêu thanh vẫn không hề suy giảm. Nhiều công ty như Boom Supersonic đang lên kế hoạch sản xuất máy bay kế nhiệm Concorde.

Máy bay X-59 của NASA hứa hẹn mở ra kỷ nguyên mới trong ngành hàng không với khả năng bay ở tốc độ siêu thanh và tạo ít tiếng ồn hơn hẳn máy bay Concorde.

Máy bay X-59 được thiết kế có thể bay chở khách ở tốc độ 1.700 km/h (gấp gần 1,4 lần tốc độ âm thanh) và đạt tầm bay 16,8 km. Với tốc độ này, X-59 chỉ mất 3 giờ để bay từ London tới New York. Công nghệ giảm tiếng ồn mới được kỳ vọng giúp X-59 bay vượt tốc độ âm thanh mà tiếng ồn thấp hơn rất nhiều so với các dòng máy bay siêu thanh khác như Concorde. Bên cạnh đó, phi cơ còn được thiết kế cho phép ngăn "tiếng nổ siêu thanh" - hiện tượng sóng xung kích bị kích hoạt và phát nổ khi các vật thể chuyển động nhanh hơn âm thanh va đập vào không khí.

Kỳ cuối: Một ngày buồn và đầy cảm xúc - Ảnh 3.

Mẫu máy bay X-59 của NASA

L/M

Các cựu phi công Concorde có nhiều quan điểm khác nhau về khả năng chuyến bay siêu thanh quay trở lại.

Lowe đưa ra các rào cản về "chi phí phát triển, chi phí vật liệu, chi phí nhiên liệu".

Tye thì cho rằng đó là "điều chắc chắn có thể xảy ra lần nữa" nhưng chỉ ra rằng động cơ cần phải êm hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Anh nói: "Bây giờ chúng ta không thể sử dụng động cơ Concorde vì quá ồn và tốn quá nhiều nhiên liệu".

Westray thì cho rằng điều đó "có thể trở thành hiện thực, nhưng tôi nghĩ nó còn xa hơn nhiều so với mọi người nghĩ". Nhưng có một điều ông tự tin: luôn có sự phát triển hàng không với tư duy tiến bộ diễn ra ở đâu đó, bằng cách nào đó.

Westray cho rằng: "Các nhà khoa học và những người đam mê hàng không không bao giờ dừng lại và họ sẽ luôn là những người thúc đẩy sự phát trển, mở rộng giới hạn".

Giờ đây Tye rất biết ơn vì đã có cơ hội thực hiện ước mơ thời niên thiếu của mình. Lái Concorde là một công việc tuyệt vời và mỗi sáng thức dậy, anh đều phấn khích.

"Hầu hết những người trên phố mà tôi từng gặp đều đi bộ đến nhà ga xe điện với chiếc cặp hay túi xách trên tay. Còn tôi thì lên xe lái đến sân bay, đáp chuyến bay Concorde đến New York. Đó là một cảm giác hồi hộp và phấn khích mỗi ngày khi tôi đi làm", Tye nhớ lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.