'Kỳ duyên' phục hồi điện Cần Chánh: Cảo thơm lần giở

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
21/02/2024 07:01 GMT+7

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, dự án nghiên cứu phục nguyên điện Cần Chánh đến nay đã có đầy đủ cơ sở khoa học và pháp lý để triển khai. Vậy sử sách triều Nguyễn chép gì về điện Cần Chánh?

Theo ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP tu bổ di tích Huế, một trong những cơ sở quan trọng để nghiên cứu lập dự án khả thi phục hồi điện Cần Chánh là từ nguồn tư liệu ghi chép qua sử sách triều Nguyễn và các thời kỳ tiếp nối.

'Kỳ duyên' phục hồi điện Cần Chánh: Cảo thơm lần giở- Ảnh 1.

Bản tấu của Nguyễn Tăng Minh ngày 26.7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) về việc sửa chữa lợp lại nóc điện Cần Chánh

(Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)

Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ miêu tả, trong cửa Đại cung, chính giữa các đường chéo góc nối liền với nhau và hướng về nam là điện Cần Chánh, nền cao 2 thước 3 tấc, chính điện 5 gian, tiền điện 7 gian, đông tây 2 chái, xà chồng mái chồng, có đầu đao rồng vểnh lên. Mặt trước trang trí pháp lam, ba mặt kia trát vôi đắp vữa. Trên đỉnh chắp bình bằng pháp lam, lợp bằng ngói lưu ly vàng. Gian giữa đặt ngai vua, bên tả bên hữu treo gương vẽ bản đồ thành trì các trực tỉnh. Phía nam 3 bệ, mỗi bệ 5 bậc, phía bắc 2 bệ, phía đông tây đều 1 bệ, mỗi bệ 2 bậc, thềm bệ xây bằng đá, trước sân đặt 2 cái vạc lớn. "Phía nam các chái bên đông, bên tây đều có cánh gà chìa ra bên tả bên hữu, mỗi cái 5 gian, hướng nam bên đông đối diện với cửa nách điện Văn Minh, bên tây đối diện với cửa nách điện Võ Hiển. Phía nam cửa là hai nhà giải vũ ở bên tả bên hữu, mỗi nhà 5 gian, 2 chái, mái chồng. Bên đông bên tây cùng hướng vào nhau..." (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 13, NXB Thuận Hóa, trang 20).

Dưới thời vua Gia Long, sau khi điện Cần Chánh làm xong, bầy tôi được vua ban yến. "Điện Cần Chánh làm xong. Bầy tôi dâng biểu mừng. Vua ban yến theo thứ bực. Thưởng cho lính và thợ 6.000 quan tiền" (Đại Nam thực lục, tập 1, NXB Giáo dục 2007).

LỊCH SỬ THĂNG TRẦM CỦA ĐIỆN Cần Chánh

Tư liệu Châu bản triều Nguyễn cũng ghi chép về những năm tu bổ, sửa chữa điện Cần Chánh: "Minh Mạng thứ 16 (1835) thay đòn nóc và các rui mè bằng gỗ thiết mộc mới ở gian giữa và 1 gian bên phải điện do có nhiều chỗ bị mọt". Châu bản thời Tự Đức (tập 168, tờ 260 Trung tâm Lưu trữ quốc gia I) chép, ngày 24.2 năm Tự Đức thứ 21 (1868) các quan Đương trực tâu: "Vâng sắc truyền Trung quân Đoàn Thọ, bộ Công sức ngay lính thợ ngày mai đến dỡ các cánh cửa bằng pha lê ở hiên phía đông sau điện Càn Thành và phải hoàn thành trong ngày. Vào giờ Thìn hôm nay nhận được vương miện bài do Thái giám Ngô Hòa truyền mở các điện Cần Chánh, Văn Minh cho quan viên, binh lính vào tháo dỡ các cửa kính và làm cửa tránh nắng…".

Năm Thành Thái thứ 11 (1899), nền điện Cần Chánh được "đổi lót gạch hoa trước điện và tả hữu lưỡng vu", trích Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn.

Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, Quốc sử quán triều Nguyễn, cũng chép: năm Đinh Sửu, Khải Định thứ 2 (1917), tháng 3, trùng tu điện Cần Chánh. Châu bản thời Khải Định chép, ngày 25.11 năm Khải Định thứ 2 (1917), Bộ Công tâu: "Nay nhận được tờ trình của Đổng lý công sở tu bổ điện Phụng Tiên Nguyễn Văn Khê trình rằng, xét thấy việc tu bổ điện đó, nguyên trước dự trù mua 139.700 viên ngói quấn dược màu vàng để lợp. Sau đó thừa lệnh trích 1 vạn viên giao cho công sở điện Cần Chánh nhận lợp, còn hơn 12 vạn phiến nhận về lợp mái. Hiện tại sở làm ngói Long Thọ đúc nung ngói dược không kịp, vậy xin chọn mua loại ngói tốt lợp cho kịp việc…".

Theo một số nhà nghiên cứu, bộ sườn gỗ ấy mãi đến thời Khải Định (1916 - 1925) mới được sơn son thếp vàng, cùng một lượt với điện Thái Hòa, để chuẩn bị cho cuộc lễ Tứ tuần đại khánh tiết của nhà vua vào năm 1924.

Một nghiên cứu khác của Leopold Cadière vào năm 1914 ghi nhận: "Điện Cần Chánh sau khi được tu bổ trang trí rất đẹp, vị trí của kiến trúc không dịch chuyển, bộ khung sườn gỗ lim của ngôi điện vẫn không có gì thay đổi". Còn viên chức người Pháp Robert R. de la Susse, khi được phép đến tham quan điện Cần Chánh vào khoảng năm 1913 dưới thời vua Duy Tân, đã mô tả: "Phía trước ngai vàng là một dãy bàn nhỏ hình chữ nhật, chân rất cao. Cái bàn ở giữa được làm bằng gỗ mun và chạm trổ thật hoàn mỹ. Cái thứ hai sơn son thếp vàng, mặt bằng đá cẩm thạch, mua về từ Paris. Lại có một cái bàn khác nữa giống đúc như thế, nhưng do người Việt Nam đóng và trang trí bằng cẩn xà cừ…".

Năm 1943, thời vua Bảo Đại, Toàn quyền Đông Dương đã phụ cấp cho Nam triều 107 triệu đồng bạc để tu bổ lăng Thiên Thọ, Cần Chánh, Thái Hòa, điện Phụng Tiên, dẫn theo Châu bản thời Bảo Đại (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I). Về trang trí phần mái của điện Cần Chánh, sách Đại Nam Hội điển sử lệ mô tả: "… mặt trước trang trí pháp lam, ba mặt kia trát vôi đắp vữa. Trên đỉnh chắp bình bằng pháp lam, lợp bằng ngói lưu ly vàng". (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.