Kỳ lạ 'tháp hài cốt' cùng khu mộ trắng xóa ở bán đảo Sơn Trà

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
09/09/2023 14:45 GMT+7

"Tháp hài cốt" là công trình gì? Nó ở đâu và lịch sử ra đời thế nào? Đó là những câu hỏi được đề cập nhiều trong thời gian gần đây, nhân kỷ niệm 165 năm Ngày quân và dân Đà Nẵng chống thực dân Pháp (1858 – 2023).

Tại tọa đàm Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh mậu ngọ 1858 – 1860 vừa diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua, nhiều nhà chuyên môn đã đề nghị nên công nhận nghĩa trang Pháp – Tây Ban Nha (còn gọi là "tháp hài cốt") là di tích và đặt nó vào hệ thống các di tích kháng Pháp để phát huy các giá trị.

Từ ý kiến này, PV Thanh Niên đã tìm hiểu và ghi nhận, trên thực tế, ngoài cái tên nghĩa trang Pháp – Tây Ban Nha, người dân Đà Nẵng còn gọi khu đất là nghĩa trang Y Pha Nho hoặc "tháp hài cốt".

Kỳ lạ 'tháp hài cốt' cùng khu mộ trắng xóa ở bán đảo Sơn Trà - Ảnh 1.

Nhà thờ nhỏ ngay trung tâm nghĩa trang chính là "tháp hài cốt" với hầm mộ chứa hàng chục hài cốt liên quân Pháp - Tây Ban Nha tử trận trong cuộc chiến với quân dân triều Nguyễn

HOÀNG SƠN

Nghĩa trang này nằm trên một ngọn đồi thấp cạnh con đường dẫn vào cảng Tiên Sa, cạnh số 3 Yết Kiêu (bán đảo Sơn Trà). Khu đất quy tụ khoảng hơn 30 ngôi mộ lớn nhỏ hình chữ nhật nằm san sát nhau được cho là mộ của những sĩ quan thực dân trận vong khi giao tranh với nhà Nguyễn.

Qua kiểm đếm, có khoảng 10 ngôi mộ có bia ghi danh hoặc đặt thánh giá bằng bê tông. Trong đó có mộ của trung tá Duppré Déroulède bị giết trên chiến hạm Némésis ngày 18.11.1859.

Trung tâm nghĩa trang là nhà thờ nhỏ với kiến trúc kiểu Pháp rộng chừng 15 m2, trên nóc gắn cây thánh giá. Bên trong có một bàn thờ nhỏ thiết kế theo nghi thức Công giáo.

Kỳ lạ 'tháp hài cốt' cùng khu mộ trắng xóa ở bán đảo Sơn Trà - Ảnh 2.

Những ngôi mộ lớn được chôn cất tại nghĩa trang

HOÀNG SƠN

Nhiều tài liệu cho biết, tại nghĩa trang này còn có hầm mộ quy tập hàng chục hòm kẽm chứa hài cốt được cất bốc từ nhiều nơi về. Miệng hầm mộ đã được trám lại bằng bê tông. Công việc quy tập hài cốt được tiến hành vào năm 1895 dưới sự chỉ đạo của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết trên những tấm bia ghi rõ thông tin các sĩ quan và lính Pháp - Tây Ban Nha trong cuộc viễn chinh Regault de Genouilly (tên vị tướng chỉ huy) chết trong những năm 1858 - 1860 tại chiến trường Đà Nẵng khi tấn công vào thành Điện Hải và các đồn, bốt của nhà Nguyễn.

Nhà thờ đậm chất kiến trúc Pháp, chữ viết Pháp trên đất Đà thành khiến nhiều người không khỏi tò mò khi đi ngang qua khu nghĩa trang này

HOÀNG SƠN

Số lượng hài cốt quân viễn chinh không được nêu chính xác, nhưng theo tư liệu Một tháp hài cốt chứa ngàn thánh giá (cuốn Lịch sử Đông Dương, xuất bản ở Paris năm 1983 của tác giả P.Héduy) thì con số này có đến cả ngàn. Có thể từ đây, cái tên "tháp hài cốt" được gắn cho khu nghĩa trang này.

Theo nhà nghiên cứu Võ Hà, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, trong năm 1921, nghĩa trang này được tu bổ nhưng chỉ làm nhà nguyện, không tu bổ lại tháp đài như thời điểm năm 1898, thay vào đó mở rộng nhà nguyện ra.

Kỳ lạ 'tháp hài cốt' cùng khu mộ trắng xóa ở bán đảo Sơn Trà - Ảnh 4.

Bên trong "tháp hài cốt" có một bàn thờ nhỏ theo nghi thức Công giáo cùng dòng chữ và 2 tấm biển nhỏ cũng được ghi bằng tiếng Pháp

HOÀNG SƠN

Trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và thứ hai (1945 - 1975), cơ bản nghĩa trang này nằm trong khu vực quân sự, nên chưa rõ được tu bổ lần nào nữa hay không. Nhưng khi khảo sát thực tế và đối chiếu với tài liệu năm 1921, nhà nghiên cứu này cho rằng về cơ bản thiết kế nhà nguyện của nghĩa trang này tồn tại từ năm 1921 cho đến ngày nay.

Nhà nghiên cứu Võ Hà cũng cho rằng, trong hầm mộ của nghĩa trang không thể có con số 1.500 hoặc 1.200 hài cốt được, thay vào đó là 80 hài cốt như báo cáo của năm 1898. Con số hài cốt nên được dùng có tính tượng trưng là hàng ngàn và không chỉ tập trung tại một điểm của hầm mộ nghĩa trang mà là được chôn rải rác khắp chân núi bán đảo Sơn Trà.

Các con số con số 1.500 hoặc 1.200 hài cốt chỉ  là phỏng đoán và có tính ước lượng.

HOÀNG SƠN

Nhà nghiên cứu Võ Hà cũng cho rằng, cần đi đến thống nhất hơn việc sử dụng tên, về lịch sử các lần tu bổ nghĩa địa và con số hài cốt. Theo đó, trong văn bản hành chính, nên thống nhất dùng tên nghĩa trang Pháp - Tây Ban Nha, không nên dùng tên dân gian hoặc dùng chung tên là nghĩa địa Tây. Cần kiểm tra, đính chính các thông tin và các tài liệu liên quan trích dẫn chưa chính xác.

Kỳ lạ 'tháp hài cốt' cùng khu mộ trắng xóa ở bán đảo Sơn Trà - Ảnh 6.

"Tháp hài cốt" là chứng tích tiêu biểu cho ý chí kiên cường của người dân VN trong buổi đầu kháng Pháp (1858 - 1860)

HOÀNG SƠN

Nhà nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh, Hội Di sản TP.Đà Nẵng cho biết, nghĩa trang Pháp - Tây Ban Nha tuy chưa được xếp hạng di tích nhưng ngành văn hóa đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học. Địa điểm này không chỉ minh chứng cho dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, vì muốn xâm chiếm nước khác sẵn sàng đẩy binh sĩ vào chỗ chết.

Cách đây 5 năm, các chuyên gia đã kiến nghị nên công nhận di tích lịch sử cấp TP đối với nghĩa trang Pháp - Tây Ban Nha và có giải pháp tôn tạo, phát huy giá trị 

HOÀNG SƠN

Nghĩa trang Pháp - Tây Ban Nha cần được xếp hạng di tích lịch sử bởi đó không chỉ là chứng tích chiến tranh mà còn cho thấy ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm của quân dân VN; thể hiện tinh thần nhân đạo của người VN, đối với mồ mả của kẻ xâm lược chẳng những không đập phá mà còn quan tâm chăm sóc, đúng với tinh thần câu nói của tổ tiên ta "Nghĩa tử là nghĩa tận", để người chết được yên nghỉ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.