Kỷ niệm Cứu quốc quân: Đường qua biên giới

20/12/2021 06:40 GMT+7

Chiều hôm ấy, mảng chúng tôi ghé bờ, vào nhờ một gia đình ở ven sông nấu cơm. Hai ông bà chủ nhà rất tốt, sốt sắng giúp đỡ. Cơm xong lại xuống mảng đi ngay để kịp tới Bản Trại vào nửa đêm. Qua Bản Trại vài cây số là lối tắt lên biên giới...

Gần đến bến phà Bản Trại, trời bỗng đổ mưa to gió lớn. Mảng lao trong hai tầng nước đều lạnh giá. Gió nhiều lúc cứ như muốn bốc mảng lên khỏi mặt sông mà ném ra xa. Anh em cứ bíu chặt lấy mảng, mặc cho trời nước chụp lên đầu mình những khối nước kinh người. Mấy đồng chí yếu, rét run cầm cập.

Hai chiếc mảng cập bến hữu ngạn Bản Trại thì anh Trần Đăng Ninh lịm hẳn: gọi không thưa, chân tay anh lạnh giá. Biết anh Ninh không thể tiếp tục đi được nữa, các đồng chí Trung ương quyết định để anh quay trở lại. Chúng tôi bày cho đồng chí Tài cõng anh Ninh vào cấp cứu ở một cái lều coi bắp trên nương ngay gần đấy rồi tìm cách đưa anh về xuôi. Chúng tôi bỏ mảng, đi bộ. Từ đây lên biên giới, anh Vân và anh Lâm đều rất thuộc đường.

Trời vừa mưa vừa gió. Phải từ biệt anh Ninh, các đồng chí đều khóc. Nước mắt tôi chảy ra, bùi ngùi thương xót anh, lo anh khó qua khỏi được. Qua bao nhiêu chặng đường gian khổ, không ngờ đến đây anh phải quay trở lại!

Gặp mặt tưởng niệm nhân 100 năm ngày sinh cố thượng tướng Chu Văn Tấn (1910 - 2010)

Vân Anh

Đồng chí Tài chở mảng đưa anh Ninh sang tả ngạn. Chúng tôi nhìn dòng sông và chiếc mảng mảnh dẻ trong mưa gió, lòng thắt lại. Nhưng chúng tôi rất tin ở tài đi trên sông nước của anh Tài. Mảng đã cập bờ. Chúng tôi trông theo từng cử động của anh. Anh nhẹ nhàng xốc anh Ninh lên lưng và cõng anh đi lên nương bắp...

Đồng chí Tài cõng anh Ninh đi rồi, chúng tôi mới lên đường. (Mấy tháng sau, chúng tôi trở về Võ Nhai hỏi tin tức về đồng chí Ninh, các đồng chí ở đây cho biết là nhờ sự tận tâm của đồng chí Tài và sự săn sóc của đồng bào, anh Ninh đã khỏe hẳn và đã lên Võ Nhai tìm Trung ương mấy lần).

Qua Bản Trại độ 3 cây số là đường rẽ lên biên giới. Vượt qua bót dõng Pác Cam, độ 3 giờ sáng tới Kim Lỵ, Nà Khau, Nà Kẻ là vùng cơ sở của anh Vân. Đến xóm Nà Cại, còn 10 cây số nữa thì lên đến biên giới Việt - Trung. Ông chủ nhà thấy anh Vân đến và biết chúng tôi là cán bộ của Đảng thì rất vui mừng, hỏi hết chuyện này chuyện khác. Ông lấy nước cho uống rồi mở thùng lấy mật ong mời chúng tôi ăn cho đỡ mệt. Biết đây là chỗ tin cậy được, các đồng chí Trung ương lấy tài liệu bị nước mưa làm ướt ra sấy ở bếp lửa, vừa hơ vừa nói chuyện với ông chủ nhà. Mấy đồng chí mệt quá không kịp thay quần áo, cứ thế lăn ra ngủ.

Tối hôm sau chúng tôi lại đi. Đoàn rẽ vào thăm làng Kim Lỵ, một làng cơ sở tốt. Quần chúng ở đây phần lớn là dân tộc Nùng và Tày. Thấy đồng chí Vân và chúng tôi về, họ kéo đến thăm rất đông. Gia đình nào cũng muốn đồng chí Vân ở lại ít ngày. Khi biết chúng tôi có việc cần đi ngay, đồng bào rất quyến luyến, chúc chúng tôi đi được may mắn. Cuộc gặp gỡ với đồng bào ở đây làm chúng tôi cảm động và tăng thêm tinh thần hăng hái, phấn chấn.

Từ đây đi toàn là đường leo núi. Song chúng tôi chẳng coi mùi mèn gì...

Đêm khuya lờ mờ. Đồi cỏ xen lẫn với núi non trùng điệp. Quá nửa đêm thì tới một đỉnh núi cao, có cái mốc đá phân chia địa giới Việt - Trung. Thế là sau 4 ngày đêm liên tục đi bộ rồi đi mảng, qua bao nhiêu lo lắng, vất vả, đoạn đường nguy hiểm nhất đã vượt. Mọi người thấy phấn khởi hẳn lên, cười nói vang vang.

Chúng tôi đến Bản Khiếc, một làng Trung Quốc ở sát biên giới. Bà con nông dân Bản Khiếc đối với chúng tôi thật là thân thiết. Thấy anh Lý (một bí danh khác của đồng chí Hoàng Văn Thụ) và chúng tôi đến, họ tiếp đón rất ân cần, hỏi thăm tin tức cách mạng Việt Nam, chuyện trò tíu tít. Bà con tổ chức làm thịt ngay một con ngựa để thết đãi. Khi các anh tỏ ý không muốn để nhân dân tốn kém thì họ nói:

- Chúng tôi ăn nhiều, chứ các anh ăn được bao nhiêu mà lo!

Anh Lý có cảm tình đặc biệt với nhân dân vùng này. Ai gặp anh cũng quý mến. Anh quán xuyến mọi công việc liên lạc với địa phương, tìm cách xin được giấy thông hành đi Long Châu.

Nghỉ lại Bản Khiếc mấy ngày, chúng tôi lại lên đường. Đến Long Châu, lại liên lạc với các đồng chí địa phương tìm cách xin giấy đi Tĩnh Tây. Tất cả mất 5 ngày đường ròng rã. Dọc đường có mấy điều làm tôi rất chú ý: Một là đời sống nhân dân Trung Quốc rất khổ cực, tình hình khá phức tạp. Chúng tôi không dám đi đêm.

Đi qua chỗ nào cũng gặp những quần chúng cách mạng tốt. Nhân dân những vùng này hiểu khá nhiều tình hình cách mạng Việt Nam, thấy chúng tôi thì quý mến và nhiệt tình giúp đỡ.

Đến Tĩnh Tây, chúng tôi mới biết địa điểm hội nghị không phải ở Trung Quốc mà ở xóm Pác Bó thuộc Hà Quảng (Cao Bằng). Từ thị trấn Tĩnh Tây, chúng tôi đi vòng xuống phía Nam. Gần hai ngày đường qua Lục Tùng (Dường Lầu), lại tới mốc biên giới Trung - Việt. (còn tiếp)

(Trích hồi ký Kỷ niệm Cứu quốc quân, NXB Lao động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.