Ký ức rưng rưng

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
10/02/2024 14:45 GMT+7

Tình yêu chúng ta có trong tuổi trẻ không thể so được với tình yêu mà một người đàn ông già nua là anh dành cho người vợ già của mình. Tình yêu là khi nghĩ về nhau, bất luận già hay trẻ, vẫn thấy rưng rưng.

1. Hồi Quảng Bình trở về địa giới cũ, gia đình từ Huế ra Đồng Hới, lúc đó con đầu tôi là cu Ben mới 1 tuổi. Hai năm sau thì bé Chôm Chôm ra đời. Kinh tế khó khăn, đẻ dày (hồi đó cách nhau 3 tuổi là dày) nên cũng... khó khăn.

Ký ức rưng rưng- Ảnh 1.

Shutterstock

Còn nhớ, mỗi chủ nhật, anh em rủ nhau đi biển Quang Phú cách nhà có 3 km chơi thôi mà phải làm cơm nắm, cá kho mang theo chứ không thể có tiền vào hàng quán. Dù thế, bọn trẻ nô đùa thích thú. Ba mẹ ngồi nhìn con chơi cũng vui không kém gì tụi nó. Lòng rưng rưng.

Rồi thì…

Lúc bé em còn nhỏ, mẹ phải ở nhà chăm, ba chở anh Ben trên chiếc xe Cup 78, tuần này ra thăm ngoại ở Ba Đồn, tuần sau lên thăm nội ở Lệ Thủy. Có hôm từ Ba Đồn vô, Ben buồn ngủ, ba để Ben ngồi sau, cởi áo sơ mi vòng buộc cậu vào bụng. Vô đến Ba Dốc còn dừng lại mua một quả dưa hấu bỏ đằng trước. Về nhà bổ ra, quả dưa hấu ngọt nhất trong đời.

Lớn thêm chút nữa, cứ có thời gian là cả nhà chất lên một xe đi loanh quanh. Thấy đồng lúa, Ben kêu: "Mẹ ơi, cánh đồng sả" (sân nhà có trồng bụi sả), thấy bụi tre thì kêu: "Mẹ ơi, mía to".

Lớn chút nữa thì ba mẹ lo chở con lúc đi thi "Bé khỏe bé ngoan", "Nuôi con khỏe dạy con ngoan" rồi đi văn nghệ văn gừng... Bận mà vui.

Mua được bộ quần áo mới cho con mặc đẹp, mặc ấm, ba mẹ ngồi nhìn, lòng xốn xang. Cho nên mới nói, cuộc đời luôn có sự cân bằng. Cho dù lúc nghèo, ta vẫn giàu ký ức mà lúc giàu chưa chắc đã nhiều như thế.

Ký ức rưng rưng.

2. Khi còn nhỏ và còn trẻ, mẹ là người chăm sóc ta, hiểu ta nhất. Chỉ cần sờ tay vào trán, mẹ cũng biết cơ thể ta như thế nào.

Nhưng khi có gia đình, đặc biệt là khi về già, vợ mới là người hiểu ta, chăm sóc ta nhiều nhất. Chỉ cần nghe tiếng thở, vợ ta cũng biết ta thế nào.

Tuổi già, vợ thường chăm sóc chồng nhiều hơn là chồng chăm sóc vợ.

Người ta thường bảo, phụ nữ có đức hy sinh; nhưng người ta cũng từng nói, phụ nữ không cần phải hy sinh, cuộc sống bây giờ là bình đẳng.

Tôi thì vẫn tin phụ nữ, ngay từ sâu thẳm, đã có đức hy sinh. Đó là bản năng để bảo vệ tổ ấm của mình, họ có thiên chức hy sinh để che chở. Nếu không, cái tổ ấy luôn luôn có nguy cơ bị chia rẽ. Họ là thiên sứ của mỗi gia đình.

Trong cuộc sống, đôi khi người đàn ông quên đi điều đó, hoặc coi điều đó như chuyện mặc nhiên. Đó là sai lầm của đại đa số đàn ông.

Mẹ ta nuôi ta cho đến khi đủ lông đủ cánh bước ra cuộc đời. Mẹ vợ ta nuôi vợ ta cho đến khi đủ lông đủ cánh, rồi về ở với ta.

Hơn 7 tỉ người trên thế giới, sao lại là cô ấy? Vì cô ấy chính là thiên sứ được cử đến để biến ta từ kẻ lêu bêu thành người đàn ông có trách nhiệm. Cô ấy bình thường yếu đuối, nép mình bên ta tìm sự che chở. Nhưng khi khó khăn nhất, cô ấy chính là người che chở ta. Trên thế gian này, có 2 người phụ nữ vị tha nhất trước lỗi lầm của ta: Mẹ và vợ.

Trời lạnh, ta cởi áo khoác, khoác cho người phụ nữ được khen là "ga lăng". Trời lạnh và nắng, người phụ nữ cởi khăn choàng che cho ta, cho con ta, ta lại chỉ coi đó là chuyện… đương nhiên.

Ta, những người đàn ông, đôi khi vô tâm một cách thản nhiên. Tôi cam đoan, không có người phụ nữ biết hy sinh thì không bao giờ có một gia đình hạnh phúc.

Và…

Phụ nữ luôn biết mỉm cười cũng là một sự hy sinh.

3. Chẳng hiểu sao, anh em lúc nhỏ đi đâu cũng phải có nhau; nhưng lớn lên chút thì hầu hết chỉ đi chơi với bạn. Có thể là vì học hành, vì công việc, vì làm ăn, vì quan hệ này khác nhưng lơ là tình thân, kiểu gì cũng rất đáng tiếc.

Chúng ta hãy nghĩ về điều đó để thỉnh thoảng có điều kiện thì anh em lớn tuổi rủ nhau đi chơi cùng. Gặp lại một thứ gì đó, nhắc lại một kỷ niệm nào đó, lòng thấy rưng rưng.

Đó là anh em. Vợ chồng cũng thế. Quả thực, vợ chồng sống với nhau cho đến già hóa ra lại không hề dễ.

Vợ chồng phải trải qua ba giai đoạn: Tình yêu - Trách nhiệm - Chịu đựng. Đôi khi ba thứ đó đan xen lẫn nhau. Nó bao gồm cả sự chịu đựng. Chịu đựng trong sự bao dung vì ta đã yêu.

Một thiền sư từng triết lý về chuyện đó, đại để thế này: "Khi yêu hãy yêu như hai cây cột nhà. Đứng dưới một mái nhà nhưng giữ một khoảng cách vừa phải".

Nên đừng nói yêu nhau hai người là một. Mỗi người cần giữ cho mình một vài riêng tư. Nhưng hai cái cột nhà đó đều là để nâng cái nhà.

Nếu có ai đó, yêu nhau hoặc đã thành vợ chồng mà dù không nói gì cũng thấy yên ổn. Đó là tình yêu đích thực. Hiếm hoi vô cùng!

Tình yêu chúng ta có trong tuổi trẻ không thể so được với tình yêu mà một người đàn ông già nua là anh dành cho người vợ già của mình.

Nắm tay nhau, đi cùng nhau lòng xao xuyến, là yêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.