Lạ lùng xứ 'tiên sa': Chuyện kể bên ngôi đình cổ

17/01/2024 07:28 GMT+7

Tiên Phước (Quảng Nam) còn có tên gọi là vùng đất "Thập ngũ tiên sa" hay "xứ tiên sa". Cái tên này gắn liền với huyền tích về 15 vị công chúa nhà trời đã giáng trần xuống nơi đây. Thực tế, Tiên Phước hội tụ nhiều điều kỳ thú.

Tại xã Tiên Châu, H.Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam có một ngôi đình cổ rêu phong, nằm trong không gian cô tịch. Nếu không phải là người địa phương, ít ai biết ngôi đình này gắn với những nhân vật lịch sử nổi tiếng.

Trong chuyến phiêu bồng "xứ tiên" (tên thường gọi của Tiên Phước), cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hiền, cũng là cây bút có "thương hiệu" ở Quảng Nam đưa tôi đến nhiều nơi du khách thường tìm tới để khám phá, trải nghiệm. Cô Hiền nói ở "xứ tiên sa" này có một nơi ít thu hút du khách, nhưng tìm hiểu về lịch sử, văn hóa thì nhất định không thể bỏ qua, đó là đình làng Hội An ở thôn Hội An, xã Tiên Châu.

Lạ lùng xứ 'tiên sa': Chuyện kể bên ngôi đình cổ- Ảnh 1.

Cổng đình Hội An

Đình gắn với nhân vật xuất chúng…

Theo chân cô Diệu Hiền, chúng tôi đến đình Hội An. Ngôi đình nhỏ rêu phong chìm trong không gian trầm mặc của buổi chiều mùa đông phất phơ mưa phùn và lạnh. "Đây là ngôi đình duy nhất ở Tiên Phước. Tuy không to lớn, nhưng đình Hội An gắn liền với những nhân vật lịch sử, trong đó có những người xuất chúng", cô giáo dạy văn cho biết.

Theo cuốn Địa chí Tiên Phước - Quảng Nam (xuất bản 2023), đình Hội An được xây dựng vào khoảng hơn 150 năm trước, gắn liền với vị tiền hiền khai hoang lập làng và một nhân vật lịch sử xuất chúng. Theo đó, cuối thế kỷ 18, ông Nguyễn Phúc, người làng Đại Đồng - Phú Thị, Tây Lộc (nay thuộc H.Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đã đưa gia đình cùng một số dân đinh đến vùng đất này khai hoang lập làng đặt tên là Hội An. Đặc biệt, làng Hội An có một nhân vật xuất chúng, đó là cụ Phó bảng Nguyễn Đình Tựu (1828 - 1888), cậu ruột của một nhân vật xuất chúng khác là cụ Huỳnh Thúc Kháng. Cụ Nguyễn Đình Tựu làm quan đến chức Tán thiện Phán độc ti, được vua Tự Đức bổ giữ các chức vụ: Tu soạn tại Bộ Hộ, Đốc học Quảng Nam, Tế tửu Quốc tử giám, Thị giảng học sĩ. Vua Tự Đức còn giao ông dạy học cho các hoàng tử Ưng Chân, Ưng Đăng. Năm 1886, triều Đồng Khánh bổ nhiệm ông giữ chức Sơn phòng sứ Quảng Nam.

"Cụ Nguyễn Đình Tựu là người có công đầu và đóng góp rất lớn trong việc xây dựng đình làng Hội An. Ông chủ xướng xây dựng ngôi đình nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai hoang lập làng. Còn chủ trì xây dựng đình lúc bấy giờ do ông Nguyễn Đình Dương, Chánh tổng Tiên Quý (H.Hà Đông, phủ Tam Kỳ) cùng các cộng sự thực hiện", cô giáo Diệu Hiền cho biết.

Theo lời kể của những bậc cao niên ở đây, ngôi đình còn gắn với một người đóng góp công đức nhiều nhất là bà Tư. Bà đã hiến cho làng một mẫu ruộng. Người làng đã dùng mẫu ruộng này canh tác thu hoa lợi phục vụ cho công việc tổ chức tế lễ tại đình làng. Khi bà Tư qua đời, người dân xây dựng nhà thờ bà cạnh ngôi đình để thờ tự và thể hiện lòng tri ân người đã có công đóng góp cho làng.

Lạ lùng xứ 'tiên sa': Chuyện kể bên ngôi đình cổ- Ảnh 2.

Đình chính của đình làng Hội An

Quang Viên

Công trình toàn dân

Quá trình xây dựng đình Hội An thể hiện tính cộng đồng và tính nhân văn cao của người dân Tiên Phước. Theo đó, toàn dân ở làng Hội An đều đóng góp ít nhiều tùy theo gia cảnh. Người dân trong làng được xếp theo thứ hạng một, hai, ba và chiếu vào đó để đóng góp tài chính.

Hầu hết gỗ dùng để xây dựng ngôi đình là gỗ mít (loại gỗ chống mối mọt rất tốt) được trồng rất nhiều tại các xã Tiên Cảnh, Tiên An, Tiên Hiệp. Ngoài nguồn gỗ mít dân làng Hội An khai thác trong vườn, những thanh niên trai tráng được cử đi mua gỗ mít ở các xã khác rồi vận chuyển theo đường sông về cho các thợ mộc lành nghề cưa xẻ, đục đẽo, chạm khắc để dựng lên ngôi đình.

Bên cạnh những thợ xây dựng giỏi nhất ngay tại địa phương, dân làng còn rước các thợ mộc tài hoa của phường mộc Văn Hà ở xã Tam Thành, H.Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đảm nhiệm phần mộc. Tay nghề tuyệt kỹ của thợ mộc Văn Hà thời đó không ai bàn cãi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong các đời vua Minh Mạng, Tự Đức, Thành Thái, thợ mộc Văn Hà đều được tôn vinh bằng nhiều sắc phong vì những đóng góp trong việc xây dựng đền đài, nội thất trong cung.

Theo thông tin lưu trữ tại Phòng Văn hóa thông tin H.Tiên Phước, trong khuôn viên đình làng Hội An nguyên thủy có đến 5 công trình kiến trúc gồm nhà tự (đình chính), nhà kho, nhà hội họp, nhà thủ hộ, nhà thờ bà Tư, nhưng hiện nay chỉ còn hai kiến trúc là nhà kho và đình chính với một kiến trúc cổ 1 gian, 2 chái dáng hình chữ nhất (-).

Ngày xưa, vào dịp lễ Kỳ yên tháng 6 âm lịch hằng năm, người dân làng Hội An tổ chức lễ rước sắc và cúng tế tại ngôi đình này từ một ngày rưỡi đến ba ngày để tri ân, tôn kính các bậc tiền hiền, tiền bối và cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sinh sống bình an. Hiện nay, lễ hội đình làng Hội An thường được tổ chức vào ngày 18 tháng giêng âm lịch. (còn tiếp)

Lễ hội đình làng Hội An hiện nay

Phần lễ được tổ chức trang nghiêm và thành kính tại đình. Người dân thôn Hội An sẽ chuẩn bị một mâm đồ lễ gồm hoa, quả, xôi, thịt… dâng cúng ông Tiền hiền Nguyễn Phúc, người đầu tiên đặt chân đến xây dựng làng. Về phần hội thì diễn ra với các hoạt động văn hóa, văn nghệ như hát dân ca, hội hô hát bài chòi…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.