Dừng bán SIM qua đại lý, mới chỉ nghe trên... báo?:

Làm gì để ngăn chặn triệt để cuộc gọi, tin nhắn rác?

15/09/2023 06:45 GMT+7

Vấn nạn SIM rác gây ra những tin nhắn spam, lừa đảo và những cuộc gọi quảng cáo làm phiền khiến người tiêu dùng ngán ngẩm. Giải pháp nào để ngăn chặn triệt để tình trạng này vẫn là một câu hỏi lớn.

Siết SIM chính chủ không ăn thua !

Trả lời PV Thanh Niên về vấn nạn SIM rác, một cán bộ thanh tra thuộc Sở TT-TT TP.HCM thừa nhận: "Sau đợt thanh tra vừa qua, thông tin thuê bao di động được chuẩn xác hơn, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông thực hiện đăng ký thông tin thuê bao đúng quy trình, đúng quy định hơn. Theo đó, số lượng SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước trên thị trường đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước, tình trạng này chủ yếu là do các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng hình ảnh, giấy tờ của người khác để đăng ký thêm số lượng SIM thuê bao. Thực tế, cuộc gọi quảng cáo, chào mời được thực hiện theo ý chí chủ quan của người có mục đích gọi điện… thông qua SIM thuê bao di động chính chủ hoặc không chính chủ. Do vậy, để giải quyết tình trạng cuộc gọi rác, trước hết là ý thức chấp hành pháp luật trong việc sử dụng dịch vụ viễn thông di động của người dân. Bên cạnh đó là sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp viễn thông để kịp thời phát hiện, xác minh và xử lý vi phạm. Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động và tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động đăng ký thông tin thuê bao di động chỉ là một trong các biện pháp góp phần hạn chế cuộc gọi rác chứ không phải là giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng cuộc gọi rác hiện nay".

Làm gì để ngăn chặn triệt để cuộc gọi, tin nhắn rác? - Ảnh 1.

Việc phát tán tin nhắn lừa đảo sẽ được ngăn chặn triệt để khi tắt hẳn mạng 2G

Ngọc Thắng

Ngừng bán sim qua đại lý, chủ tiệm ngậm ngùi chuyển hướng: ‘Bán sim chỉ là tạm thời’

Đồng tình với ý kiến trên, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, nhận xét: "Đối với người sử dụng điện thoại, những cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo, chào mời dịch vụ được xem là spam hay còn gọi là tin nhắn rác, nhưng thực tế lượng SIM rác này đang mang đến cho các nhà mạng nguồn thu khổng lồ. Trước sức ép, sự phản đối của người tiêu dùng, báo chí và sự quản lý chặt của Bộ TT-TT, các nhà mạng buộc phải cam kết đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế SIM rác. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đấy thì việc giảm SIM rác chẳng khác nào nói rằng nhà mạng phải cắt giảm doanh thu của mình. Suốt nhiều năm qua chúng ta đã tìm giải pháp khắc phục tin nhắn rác nhưng bất lực, nó vẫn tồn tại và thậm chí đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Như vậy rõ ràng mấu chốt nằm ở chỗ các nhà mạng có muốn siết chặt hay không".

Suốt nhiều năm qua chúng ta đã tìm giải pháp khắc phục tin nhắn rác nhưng bất lực, nó vẫn tồn tại và thậm chí đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Như vậy rõ ràng mấu chốt nằm ở chỗ các nhà mạng có muốn siết chặt hay không.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena

Đó là một thực tế không thể phủ nhận. Nhìn lại "lịch sử", để ngăn chặn tình trạng SIM rác, Bộ TT-TT đã triển khai nhiều giải pháp như chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, thu hồi những SIM không chính chủ, thanh tra trên diện rộng những đại lý bán SIM kích hoạt sẵn, cấm bán SIM qua đại lý… Tuy nhiên, những giải pháp này có thể chưa ngăn chặn triệt để tin nhắn hay cuộc gọi rác. Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long lý giải SIM rác có thể tạo ra tin nhắn rác, cuộc gọi rác, nhưng cuộc gọi rác có thể được tạo ra bởi SIM chính chủ. Nguyên nhân của thực trạng này một phần là bởi hoạt động telesale hay tiếp thị từ xa qua điện thoại, hiện nay không chỉ VN mà cả thế giới đều đang phải chịu vấn nạn này. Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng với thực tế trên, cho dù hết SIM rác thì vẫn sẽ còn cuộc gọi, tin nhắn rác. Do đó, cần phải có hướng xử lý khác đối với loại hình rác viễn thông này.

Làm gì để ngăn chặn triệt để cuộc gọi, tin nhắn rác? - Ảnh 3.

Dù cho hết SIM rác thì vẫn sẽ còn cuộc gọi rác để chào mời quảng cáo

Đào Ngọc Thạch

Cắt đường sống của trạm BTS giả

Theo phản ánh của nhiều người sử dụng điện thoại di động, thời gian gần đây, họ gặp tình trạng tin nhắn quảng cáo các dịch vụ nhạy cảm, cờ bạc với những từ ngữ thô tục. Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia NCS, cho biết: "Bên cạnh tình trạng SIM rác, một trong những nguồn phát tán tin nhắn không mong muốn hiện nay còn xuất phát từ các trạm phát sóng giả mạo BTS. Các trạm này được kẻ gian sử dụng để khai thác lỗ hổng của mạng 2G, các thiết bị điện thoại không xác thực trạm BTS khi kết nối vào sẽ nhận tin lừa đảo". Đầu tiên, kẻ gian mang bộ thiết bị đến khu vực mục tiêu, chọn tần số giống với các mạng di động trong nước, ví dụ 1.800 Mhz cho 4G, hay 900 Mhz cho 2G. Thiết bị được điều chỉnh cường độ phát sóng mạnh để "lừa" các điện thoại kết nối vào. Theo cơ chế, toàn bộ điện thoại trong khu vực phủ sóng sẽ gửi các gói thông tin gồm IMSI (mã nhận dạng thuê bao) và IMEI (mã nhận dạng thiết bị), cùng một số yêu cầu cập nhật thông tin từ trạm. Trạm BTS giả lúc này sẽ thu thập các thông tin trên, đồng thời phản hồi bằng tín hiệu báo không cho kết nối 4G, hoặc làm nhiễu tín hiệu 3G, 4G xung quanh. Điều này khiến điện thoại tự chuyển xuống kết nối 2G vào trạm BTS giả.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) thông tin, thiết bị BTS có thể được đưa lên ô tô hoặc xe máy để di chuyển và phát tán tin nhắn tới thuê bao lọt vào vùng phủ sóng. Mỗi thiết bị BTS giả có thể phát tán 70.000 tin nhắn/ngày. Đó là lý do tại sao có nhiều người nhận cùng một nội dung tin nhắn với mục đích dẫn dụ vào các tệ nạn cá cược, mại dâm… Tại cuộc họp của Bộ TT-TT mới đây, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, cho biết từ năm 2022 đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý 24 vụ dùng trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác và lừa đảo. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2023 đã phát hiện 17 trường hợp phát tán tin nhắn rác, lừa đảo. Trước đây việc phát hiện các vụ dùng BTS giả chưa hiệu quả do những nhóm này sử dụng thiết bị nhỏ gọn, hành vi tinh vi. Tuy nhiên gần đây, khi trạm BTS giả hoạt động, nhà mạng có thể nhận biết và khoanh vùng chúng hoạt động ở khu vực nào. Đội ngũ chuyên gia kỹ thuật của Cục Tần số vô tuyến điện sẽ sử dụng thiết bị để định vị chính xác BTS nằm ở đâu; sau đó, Cục phối hợp cùng cơ quan công an để chặn bắt.

Một giải pháp có thể ngăn ngừa triệt để tình trạng sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn là tắt hẳn mạng 2G/3G. Ông Vũ Ngọc Sơn phân tích: "2G là mạng thế hệ cũ, bảo mật kém, nên kẻ gian có thể thực hiện tác vụ trái phép, lợi dụng lỗ hổng băng tần để gửi tin nhắn đến các thuê bao, hoặc chặn kết nối, theo dõi vị trí. Theo thống kê của các nhà mạng, đến tháng 8.2023, cả nước còn khoảng 23 triệu thuê bao di động 2G, dự kiến đến cuối năm 2023 một số nhà mạng sẽ bắt đầu đóng hẳn băng tần này để tập trung phát triển mạng 4G, 5G. Mục tiêu đề ra là đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G (tương đương khoảng 6 triệu thuê bao), tiến tới tắt hoàn toàn mạng 2G vào năm 2024. Việc đóng băng tần 2G có thể sẽ khắc phục triệt để được tình trạng trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác".

Các thế hệ băng tần hiện đại như 4G, 5G sẽ được bảo mật tốt hơn, khắc phục được các lỗ hổng bảo mật để cho kẻ gian lợi dụng phát tán tin nhắn rác, hoặc tin nhắn lừa đảo.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia NCS

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.