Lãnh đạo Hà Nội: Sẽ thay tuyến BRT hiện hữu bằng đường sắt đô thị

15/04/2024 22:51 GMT+7

Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cho biết, hệ thống đường sắt đô thị với tổng chiều dài 550 km sẽ là 'xương sống' của giao thông đô thị Hà Nội. Theo điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô, thành phố sẽ thay thế tuyến BRT hiện hữu bằng tuyến đường sắt đô thị.

Chiều 15.4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP.Hà Nội về chuyên đề giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023".

Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hải Hưng chủ trì buổi làm việc

Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hải Hưng chủ trì buổi làm việc

KHẮC HIẾU

Hà Nội còn 33 "điểm đen" ùn tắc giao thông

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo sở và các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc; phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và các sự kiện diễn ra trên địa bàn.

Đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định, thành phố hiện có 6 bến xe. Ngoài ra, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt gồm 156 tuyến tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã, kết nối 6 tỉnh, thành phố lân cận.

Đến năm 2023, số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thủ đô giảm xuống còn 33 điểm; có 5 "điểm đen" về tai nạn hiện đang tập trung xử lý trong năm 2024.

Sở GTVT cũng rà soát 234 vị trí có mật độ phương tiện giao thông lớn, cần bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng; 154 vị trí khu vực trường học để thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; 193 điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông để xử lý, khắc phục.

Đường sắt đô thị là "xương sống" của giao thông

Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đánh giá Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, triển khai thực hiện quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; phát triển giao thông vận tải hành khách công cộng, hệ thống giao thông thông minh...

Hà Nội sẽ thay thế tuyến BRT hiện hữu bằng tuyến đường sắt đô thị

Hà Nội sẽ thay thế tuyến BRT hiện hữu bằng tuyến đường sắt đô thị

KHẮC HIẾU

Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong cho rằng, sức ép với giao thông tại thủ đô là rất lớn với số lượng phương tiện đông, lưu thông trong giờ cao điểm rất khó khăn; hạ tầng giao thông, quỹ đất cho giao thông còn hạn chế; việc thi công các công trình, dự án trọng điểm về giao thông vẫn bị kéo dài.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An nêu vấn đề, liệu thành phố có thực hiện quy hoạch 8 tuyến BRT còn lại hay không khi có nhiều ý kiến trái chiều? Nếu thực hiện thì cần rút kinh nghiệm điều gì khi hạ tầng BRT ảnh hưởng đến giao thông.

Trả lời câu hỏi này, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội đã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tích hợp trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của Quy hoạch chung thủ đô, đồng bộ với quy hoạch thủ đô; trong đó bổ sung 24 tuyến giao thông kết nối các tỉnh, thành phố trong Vùng thủ đô.

Đối với đường sắt đô thị, ông Tuấn cho biết, thành phố sẽ quy hoạch phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 550 km.

"Hệ thống đường sắt đô thị này sẽ là "xương sống" của giao thông đô thị", ông Tuấn nói, và cho biết thêm, với tuyến BRT, theo điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô, thành phố sẽ thay thế tuyến BRT hiện hữu bằng tuyến đường sắt đô thị.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung cao độ nguồn lực để hoàn thành 7 dự án đường vành đai, các trục đường hướng tâm, kết nối vùng. Đồng thời, thành phố cũng chuyển đổi các phương tiện xanh, sạch; nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 - 2026 lên khoảng 30%.

Tuyến buýt nhanh BRT hiện hữu ở Hà Nội là tuyến số 01 Kim Mã - Hà Đông, được đưa vào sử dụng tháng 12.2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỉ đồng). Tuyến có chiều dài hơn 14 km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá hơn 5 tỉ đồng/xe.

Dự án được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm; làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng; thúc đẩy người dân chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tuy được đầu tư với kinh phí đắt đỏ nhưng sau nhiều năm vận hành, tuyến buýt nhanh BRT chưa đáp ứng được kỳ vọng ở cả 3 tiêu chí nêu trên. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, tuyến buýt này đang gây bất cập, lãng phí hạ tầng giao thông khi buýt chuyên chở được ít nhưng chiếm nhiều diện tích đường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.