Lăng kính bạn đọc:

Lắp camera, dùng sơn đặc biệt không phải cách 'trị' triệt để nạn vẽ bậy

Đình Huân
Đình Huân
(tổng hợp)
07/01/2024 06:35 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM gắn camera, dùng sơn đặc biệt chống vẽ bậy trên cầu mới chỉ là xử lý phần ngọn.

Như Thanh Niên thông tin, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội định kỳ của UBND TP.HCM mới đây, vấn đề sơn vẽ bậy cầu Ba Son (Q.1) cũng như nhiều cây cầu bộ hành, hầm đi bộ bị lấn chiếm, mất an toàn, được báo chí đặt ra.

Cầu Ba Son sẽ được lắp 'mắt thần', dùng sơn đặc biệt để chống vẽ bậy

Lắp camera, dùng sơn đặc biệt không phải cách 'trị' triệt để nạn vẽ bậy- Ảnh 1.

Cầu Ba Son (Q.1, TP.HCM) liên tiếp bị vẽ bậy

Chiêu Ngô

Ông Phạm Minh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, cho biết cầu Ba Son đang khai thác bình thường, tuy nhiên vẫn còn một số cá nhân lợi dụng việc tham quan để sơn vẽ bậy.

Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ đã gửi nhiều văn bản đề nghị UBND Q.1 và TP.Thủ Đức hỗ trợ tăng cường tuần tra, đảm bảo an ninh khu vực, chống các hành vi sơn vẽ bậy, ăn cắp vật tư công trình cầu, vận động người dân không buôn bán lấn chiếm vỉa hè tại công trình cầu Ba Son.

Để khắc phục triệt để nạn vẽ bậy tại các cây cầu, ông Hải cho biết Sở GTVT đã giao đơn vị này làm chủ đầu tư 2 dự án. Đầu tiên là gắn bổ sung hệ thống camera quan sát giao thông tại các vị trí dưới các dạ cầu có giao thông thủy, trong đó dưới dạ cầu Ba Son có 5 camera để theo dõi tàu thuyền đi lại và việc tham quan của người dân tại khu vực công viên dưới dạ cầu. Việc này sẽ góp phần theo dõi các đối tượng xấu lợi dụng tham quan để sơn vẽ bậy. Việc lắp đặt dự kiến hoàn thành trong tháng 1.2024.

Thứ hai là dự án sửa chữa và sơn chỉnh trang, chống vẽ trên các cầu lớn. Dự án này sẽ làm trong quý 2/2024, được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu tác hại của việc sơn vẽ bậy trên cầu. "Dự án sử dụng sơn chuyên dụng chống việc sơn vẽ bậy, trường hợp nếu có sơn vẽ lên, chỉ cần dùng vải lau qua là sạch", ông Hải nói.

Ông Hải cũng đề nghị địa phương tăng cường tuần tra, xử lý các đối tượng sơn vẽ bậy bằng các hình thức như phạt tiền, buộc khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu, đồng thời khen thưởng người phát hiện hành vi sai trái. Bên cạnh đó, địa phương cũng có thể lắp các biển tuyên truyền cấm sơn vẽ bậy bằng tiếng Việt và tiếng Anh tại một số vị trí trên cầu, ghi chú mức phạt nếu vi phạm.

Tốn tiền nhưng sẽ không hiệu quả

Phản hồi thông tin trên, nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ sự không đồng tình với hướng xử lý này. "Nhà nước sẽ phải chi bao nhiêu tiền để làm cái việc không cần thiết này, vì không vẽ được chỗ này thì họ vẽ chỗ khác thôi. Với tôi, đây là giải pháp không thiết thực, vừa tốn nhiều tiền của, công sức nhưng hiệu quả chẳng tới đâu", BĐ Hữu Tiệp ý kiến.

Cùng quan điểm, BĐ Anh Khôi cho rằng có rất nhiều biện pháp để trị nạn vẽ bậy trên cầu chứ không phải chỉ gắn camera, dùng sơn đặc biệt là có thể giải quyết. "Tại sao không nghĩ đến chuyện tăng mức phạt lên để răn đe? Chúng ta phải làm sao để những người có ý định xấu không dám làm nữa, thay vì phải đối phó bằng cách lắp đặt camera hay dùng sơn chuyên dụng phủ lên các công trình công cộng", BĐ này ý kiến thêm.

Còn BĐ Tuấn Trương viết: "Cần gì lắp camera trong khi người dân có thể quan sát và báo lại. Tôi thấy đây là giải pháp không hữu hiệu và rất tốn kém. Thay vào đó, có thể thưởng cho người dân bắt được những người vẽ bậy tại các công trình công cộng, nhiều khi như vậy lại hiệu quả hơn".

"Tại sao phải lãng phí ngân sách làm gì? Tăng chế tài xử phạt là được. Thậm chí cứ treo thưởng cho những ai tố giác những đối tượng này, vừa nâng cao ý thức của người dân, vừa đỡ tốn kinh phí cho việc lắp đặt camera, sơn phủ mà tôi nghĩ đôi khi lại không hiệu quả nữa", BĐ Mỹ Trang thẳng thắn.

Nên xem xét xử lý hình sự

Nhiều ý kiến cho rằng giải pháp để xử lý tận gốc vấn nạn này là tăng mức xử phạt thật nặng, đủ tính răn đe, để chỉ cần nghĩ tới hình phạt là những kẻ sơn vẽ bậy không còn dám hành động. "Phạt hành chính quá nhẹ. Nên tăng dần các mức phạt cụ thể rồi sau đó xem xét xử lý hình sự", BĐ Thanh Hieu đề nghị.

Tương tự, BĐ Nhật Toàn ý kiến: "Lắp camera hay dùng sơn đặc biệt không phải là cách để trị dứt điểm tình trạng vẽ bậy. Vì không nơi này thì sẽ nơi khác, có khi lắp camera và sơn cả thành phố mới may ra. Tại sao không tăng mức hình phạt cho hành vi này thật nặng, chẳng hạn như xử lý hình sự để làm gương thay vì chỉ phạt hành chính".

"Đây là tài sản nhà nước, cũng là tài sản của người dân, nên tôi đề nghị tăng nặng hình phạt như hành vi phá hoại tài sản của nhà nước, các trường hợp vẽ bậy phải điều tra và xử lý hình sự để làm gương", BĐ Nguyễn Nam ý kiến.

"Rồi không lẽ chúng ta cứ phải theo dõi để bắt những đối tượng vẽ bậy và giải quyết hậu quả mà họ gây ra mãi hay sao? Tôi thấy chỉ cần xử lý nghiêm, với các mức phạt thật nặng, kể cả xử lý hình sự. Hành động này khác nào đang hủy hoại tài sản quốc gia, cứ phạt nặng, chứ phạt hành chính vài trăm ngàn đồng thì đâu lại vào đấy", BĐ Hà Nguyễn góp ý.

* Không chỉ TP.HCM mà hiện nay các công trình công cộng, nhà dân trên khắp cả nước bị nạn "vẽ bậy" tấn công. Đề nghị pháp luật mạnh tay hơn với vấn nạn này.

Tuấn Phạm

* Đây là hành vi thiếu ý thức, thiếu văn hóa của một số người. Chúng ta đã nói nhiều rồi, nói mãi rồi, giáo dục rồi mà không thay đổi thì nên có hình thức chế tài thật nặng. Chỉ khi có chế tài nghiêm khắc thì mới có thể điều chỉnh được những hành vi xấu xí này.

Hiền Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.