Lấy 'đất vàng 'chữa 'cháy' nhà vệ sinh công cộng

08/04/2023 07:14 GMT+7

Thay vì bỏ hoang, TP.HCM tính xây dựng nhà vệ sinh công cộng tạm thời tại 5 khu "đất vàng" đang để trống do chưa thực hiện dự án.

Công trình tạm, có thể di dời khi TP thu hồi đất

Sở TN-MT TP.HCM vừa báo cáo UBND TP ủng hộ đề xuất của UBND Q.1 về việc sử dụng 5 khu đất trống tại khu vực trung tâm để làm nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) phục vụ người dân, du khách, trong bối cảnh NVSCC ở trung tâm TP.HCM đang thiếu trầm trọng. 5 khu đất được đề xuất gồm: Thương xá Tax cũ (135 Nguyễn Huệ), khu mở rộng khách sạn Majestic số 2 - 4 - 6 Nguyễn Huệ, 8 - 12 Lê Duẩn, số 8 Nguyễn Trung Trực và 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng. 

Đây đều là các vị trí đắc địa ở trung tâm TP, hiện đang để trống. Đặc biệt, 2 khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn và 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng liên quan đại án kinh tế, đang tạm ngưng mọi hoạt động, do Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM quản lý nên có thể bàn giao ngay cho UBND Q.1. Với 3 vị trí còn lại, Sở TN-MT đề nghị địa phương làm việc với chủ các dự án để xác định vị trí cụ thể trước khi đầu tư, xây mới.

Lấy 'đất vàng'chữa 'cháy' nhà vệ sinh công cộng - Ảnh 1.

Nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM vừa thiếu vừa nhếch nhác, bẩn thỉu

NHẬT THỊNH

Theo lãnh đạo UBND Q.1, trên địa bàn quận hiện có 18 NVSCC đang hoạt động tại 13 địa điểm như chợ, công viên, trạm xe buýt và khu dân cư. Việc xây dựng mới gặp khó khăn do thiếu quỹ đất công cộng. Từ năm 2017, 10 phường trên địa bàn đã vận động doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ tạo điều kiện cho người dân và khách du lịch sử dụng NVS miễn phí. Tuy nhiên, một số cửa hàng, quán ăn bình dân không đảm bảo vệ sinh, còn người dân có tâm lý ngần ngại khi sử dụng NVS trong khách sạn, nhà hàng cao cấp. 

Ngoài ra, ý thức người sử dụng dịch vụ chưa cao, nhiều người tận dụng NVSCC làm nơi tắm giặt, lấy cắp vật dụng… Vì thế, Q.1 muốn tận dụng các quỹ đất đang bỏ trống để xây dựng các NVSCC để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như du khách trong bối cảnh ngành du lịch đang tăng tốc hồi phục. Tinh thần chung là triển khai các mẫu NVS lưu động kiểu cabin, dễ di dời trong trường hợp TP cần thu hồi khu đất.

Nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam còn thua cả Lào?

Là một trong những đơn vị đã và đang đề xuất thực hiện dự án "phủ" NVSCC toàn TP, ông Nguyễn Xuân Sáng, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ môi trường Tiên Phong, bày tỏ rất vui mừng với chủ trương mới của TP. Sau 6 năm theo đuổi mục tiêu "làm cách mạng" NVS cho TP.HCM, ông Sáng cho biết một trong những khó khăn lớn nhất của DN khi tham gia đầu tư là VN hiện chưa có cơ chế đặc thù trong vấn đề sử dụng đất công làm NVS. TP.HCM trước đây có Quyết định 74 về thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường nhưng cũng chưa có hạng mục NVS. Việc TP chủ trương cho DN, địa phương khảo sát và sử dụng đất trống để làm NVSCC sẽ là tiền đề để DN mở rộng hình thức, cho phép được sử dụng vỉa hè làm NVSCC giống như các nhà chờ xe buýt. Vị trí như vậy sẽ rất thuận tiện cho khách vãng lai và khách du lịch.

Quản lý thế nào để nhà vệ sinh luôn sạch?

Ủng hộ việc xây dựng tạm thời các NVS lưu động trong bối cảnh TP đang quá thiếu NVSCC, chuyên gia đô thị Nguyễn Minh Hòa cho biết đây là cách làm phổ biến của Thái Lan. Các cabin vệ sinh như vậy có thể sáng kéo ra, chiều kéo vào, vừa tiện lợi, sạch sẽ, vừa kín đáo. Tuy nhiên, cần có nghiên cứu, khảo sát chuyên nghiệp để xác định cụ thể những vị trí nào cần làm NVSCC và làm dưới hình thức nào. Đơn cử, 5 khu "đất vàng" có phải những điểm đông du khách tới hay không? Những vị trí nào nên làm NVS lưu động, những vị trí nào có thể hạ thổ để đầu tư những NVS bài bản, an toàn. 

Theo ông Hòa, ở các nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc, NVS rất nhiều và rất sạch. Ở Malaysia hay Singapore, họ không gọi NVSCC là toilet mà gọi rest room, nghĩa là như một điểm nghỉ ngơi, có nhiều phòng phục vụ nhu cầu như phòng trang điểm cho phụ nữ, có chỗ thay tã lót cho trẻ… Ở Malaysia thậm chí trong nhiều rest room còn có cả phòng cầu nguyện, âm nhạc, sạch sẽ và thơm tho… Đặc biệt, NVSCC có ở khắp siêu thị, trung tâm thương mại hay các đầu mối giao thông, điểm nút đô thị, cứ cách 1 - 2 km là có điểm nút như vậy. Khách du lịch không bao giờ phải lo ngại NVS. 

Khách Tây đến Việt Nam tìm mỏi mắt không thấy nhà vệ sinh công cộng

"Nếu so như vậy, ở VN hay cụ thể là trung tâm TP.HCM, số lượng NVSCC quá ít. Tuy nhiên, làm NVS không khó, cứ khảo sát xong, có vị trí phù hợp là làm được ngay. Quản lý mới khó. Ở nước ngoài, đa phần NVSCC không thu tiền. Nhà nước đặt vấn đề xã hội hóa với các DN. Khu vực đông du khách, cần làm NVSCC thì các DN, hộ kinh doanh ở đó hưởng lợi phải chung tay lo "đầu ra" cho du khách bằng cách đóng góp kinh phí để xây dựng NVSCC. Hay như ở Singapore, tổng doanh thu từ các DN du lịch được kiểm soát minh bạch, sẽ trích phần trăm để đầu tư, duy trì hệ thống NVSCC. Nếu mình làm có thu phí thì cũng chỉ ở mức vừa phải thôi", ông Hòa nêu ý kiến.

KTS Ngô Viết Nam Sơn: TP chưa nhất thiết phải đầu tư đồng loạt các NVSCC lớn, hiện đại mà có thể tận dụng ngay những điểm cà phê, ăn uống sẵn có. TP sẽ tổ chức khảo sát hệ thống nhà hàng, quán ăn… có sẵn lòng cho khách bên ngoài sử dụng NVS hay không. Những đơn vị đồng ý sẽ chia thành 2 đối tượng khách. Một đối tượng khách tới sử dụng dịch vụ, ăn uống, mua đồ thì nghiễm nhiên được sử dụng NVS miễn phí. Đối tượng khách vãng lai, khách du lịch không sử dụng dịch vụ thì mua vé để đi vệ sinh. Giá niêm yết, chung một mặt bằng trên toàn TP. Đó là chi phí cho người dọn vệ sinh, đảm bảo NVS luôn sạch sẽ. Hiện nay, ở Q.1 đã có hơn 100 điểm sẵn sàng cho du khách sử dụng NVS. TP có thể nhân rộng mạng lưới này lên, đơn vị nào không lấy tiền thì tốt, còn lại vẫn cho phép thu tiền. Người chủ sẽ tự có trách nhiệm giữ gìn NVS hoặc khoán cho những người dọn vệ sinh sạch sẽ vì đó vẫn thuộc tài sản của họ.

Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Xuân Sáng tính toán xây dựng 1 NVS hiện đại mất khoảng 400 - 500 triệu đồng nhưng để duy trì NVS đó sạch sẽ, mỗi vị trí sẽ "ngốn" ít nhất 3 - 5 triệu/tháng tùy theo vị trí. Trường hợp ngay trung tâm TP, có nhiều người thì tần suất vệ sinh sẽ nhiều hơn nơi ở xa, ít người. Vì thế, DN muốn duy trì đủ thu hồi vốn thì buộc phải được tạo điều kiện kinh doanh theo chuỗi. Nếu chỉ làm đơn lẻ từng cái thì bài toán cực kỳ khó.

"Muốn NVS sạch thì việc đầu tiên phải duy tu chăm sóc thường xuyên một cách công nghiệp. Muốn như vậy thì các DN cũng phải được đấu thầu để có được số lượng NVS lớn. Làm hàng trăm điểm trên toàn TP thì DN mới có thể tổ chức mạng lưới duy tu, vệ sinh chuyên nghiệp và bù lại được chi phí bằng quảng cáo hay các dịch vụ khác. TP.HCM muốn nhân rộng mô hình NVSCC thì nên cho đấu thầu có điều kiện, vừa tránh vi phạm luật về sử dụng đất công, vừa tạo điều kiện cho nhà đầu tư chăm sóc, duy tu NVSCC bài bản, chuyên nghiệp", ông Sáng đề xuất.

Bịt miệng, nín thở ‘giải quyết nỗi buồn’ ở nhà vệ sinh công cộng hiện đại nhất TP.HCM

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng có nhiều hướng để xây dựng hệ thống NVSCC nhưng đầu tiên phải nghiên cứu từ hiện trạng. Phải khảo sát từng khu vực xem có những NVS nào người dân có thể sử dụng được. Lên bản đồ NVS để biết được chỗ nào nên làm, chỗ nào không cần làm. Về lâu dài, câu chuyện NVSCC không đơn giản là kinh phí xây dựng mà là vấn đề bảo trì, quản lý. NVS phải đảm bảo tiêu chuẩn, chú trọng chất lượng hơn là số lượng. 

"Muốn sạch sẽ thì bắt buộc phải có kinh phí. Cứ 30 phút phải có người dọn một lần thì mới sạch được, 1 ngày dọn một lần là hôi liền. Vì thế, nếu muốn làm NVSCC miễn phí thì nhà nước phải lấy ngân sách ra trả nhưng phải đảm bảo NVS luôn sạch sẽ, có cơ quan cụ thể chủ trì giám sát, quản lý. Còn nếu không, cứ làm NVS rồi thu phí. Người dân và du khách sẵn sàng trả phí để sử dụng NVS sạch sẽ", ông Sơn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.