Liên tục cấp cứu trẻ bị chó cắn vùng mặt, cổ

Liên Châu
Liên Châu
20/07/2023 18:13 GMT+7

Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư (Hà Nội) vừa qua đã tiếp nhận nhiều trẻ em bị chó cắn, cào, trong đó có một số trẻ bị nhiều vết thương phức tạp vùng mặt; vành tai đứt, biến dạng.

Hôm nay 20.7, Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư (Hà Nội) phát đi thông tin cảnh báo về các ca tai nạn do chó cắn, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Đây là tai nạn khá phổ biến, nếu không xử lý vết thương đúng cách và kịp thời, nhất là vào mùa nắng nóng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.

Một trong các ca nhập viện gần đây là bệnh nhi Hoàng Phước N., 8 tuổi (ở Sơn Tây, Hà Nội) nhập viện ngày 20.5 trong tình trạng hoảng hốt, vành tai phải bị biến dạng, mất một phần sụn, chảy nhiều máu.

Liên tục cấp cứu trẻ bị chó cắn, cào vùng mặt, cổ   - Ảnh 1.

Bé trai bị đứt sụn vành tai cùng nhiều vết xước sâu vùng cổ do bị chó cắn, cào

P.ANH

Người nhà bệnh nhi cho biết: "Vết thương là do bị chó lạ vồ, cào vào tai khi bé vừa ra khỏi nhà. Đó là giống chó Phú Quốc, rất to, cao, đang được thả rông và không đeo rọ mõm, chó lao vào bé rất nhanh nên người nhà không kịp ngăn cản".

Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư, các bác sĩ đã sơ cứu vết thương rồi hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để đánh giá nguy cơ về bệnh dại. Bệnh nhi sau đó được tiêm phòng dại và trở lại Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư thực hiện phẫu thuật phục hồi vành tai.

Trực tiếp thực hiện phẫu thuật phục hồi vành tai cho bệnh nhi, TS-BS Đỗ Bá Hưng (Khoa Tai Thần kinh, Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư), cho hay vành tai phải của bệnh nhi bị đứt rời một phần gờ luân, bờ nham nhở dài khoảng 3 cm, lộ sụn.

Kíp mổ đã tiến hành loại bỏ một phần sụn, cắt lọc phần mép vết thương nham nhở và khâu tạo hình vết rách vành tai. May mắn là tổn thương không sâu hơn vào các tổ chức trong tai và bệnh nhân được đưa đến bệnh viện sớm để xử lý kịp thời, đúng cách.

Một trường hợp khác là bệnh nhi Nguyễn Ánh L., 6 tuổi (ở Thái Nguyên) nhập viện ngày 28.5 trong tình trạng có nhiều vết thương hở phức tạp ở đầu, tai trái, tay trái do bị chó cắn.

Bệnh nhi đã được các bác sĩ của Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư phẫu thuật tạo hình lại tổn thương vùng mặt. Đây là trường hợp bị nhiều vết thương nên kíp mổ đã tiến hành khâu phục hồi cơ vòng miệng, đóng vết thương vùng nhân trung hai lớp; đóng vết thương các vùng má, dưới hàm, vùng sau cánh tay…

Đối với tổn thương ở cơ vòng mắt, vùng phần mềm và da vùng thái dương, do phần da còn lại không đủ phủ toàn bộ vết thương nên các bác sĩ phải bóc tách phần mềm dưới da, phục hồi phần da tổn thương mất chất tạo vạt che phủ kín lại vết thương.

Hiện, vết thương của bệnh nhi đã ổn định và dần phục hồi.

Dễ nhiễm bệnh dại

Bác sĩ Hưng lưu ý: "Vết thương do chó, mèo cắn, cào dễ bị nhiễm bệnh dại. Bệnh dại khi đã lên cơn thì tỷ lệ tử vong là 100%".

Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng vi rút dại được truyền sang người. Cho tới nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Do vậy, ngay sau khi tai nạn xảy ra, cần sơ cứu vết thương đúng cách, tiêm vắc xin phòng dại, hoặc huyết thanh kháng dại theo tư vấn của nhân viên y tế càng sớm càng hiệu quả. Đây vẫn là biện pháp hữu hiệu duy nhất để phòng ngừa bệnh dại cho người bị chó cắn.

Để phòng tránh nguy cơ chó, mèo cắn, cào, người dân nên chú ý khi nuôi chó, mèo cần tiêm phòng đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông vật nuôi. Chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

Các bậc phụ huynh hay người trông trẻ cần hết sức lưu ý, không để trẻ chơi với chó lạ hay chó, mèo lớn, dữ tợn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.