Linh hoạt và chủ động

28/03/2023 04:10 GMT+7

Hôm qua, nhiều doanh nghiệp du lịch đã "thở phào" trước thông tin Chính phủ sẽ kiến nghị lên Quốc hội xem xét điều chỉnh nhiều quy định liên quan đến việc cấp thị thực (visa) cho du khách nước ngoài vào Việt Nam vào kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới.

Trước đó, Bộ Công an cho biết đang nghiên cứu chỉnh sửa các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách visa để điều chỉnh một số điều, dự kiến trình Quốc hội (QH) tại kỳ họp tháng 10. Nhưng theo lộ trình này, đợi đến khi luật được sửa thì đã gần hết năm. Thế nên tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 vào ngày 15.3, với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều ý kiến cho rằng cần có những giải pháp cấp bách phù hợp ngay từ bây giờ để tháo gỡ "nút thắt" visa, kịp đón dòng khách du lịch lớn vào mùa hè. Và như nói trên, Chính phủ vừa thông báo sẽ kiến nghị QH trong kỳ họp gần nhất vào tháng 5 tới thay vì phải đợi chờ đến cuối năm.

Câu chuyện của ngành du lịch cũng tương tự câu chuyện của các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) trước đó. Khó khăn chồng chất, tín dụng đầu vào nghẽn, pháp lý đầu ra kẹt, giao dịch đóng băng... Từ cuối năm 2022 tới đầu năm 2023 có không ít cuộc họp giữa ngành ngân hàng, xây dựng hay chính quyền địa phương với các DN BĐS. Thế nhưng nói như một ông chủ lớn trong ngành này, "không họp thì còn hy vọng, họp xong thì tắt hẳn", ý là họp nhưng không giải quyết được vấn đề gì. Cho tới Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS do Thủ tướng Chính phủ chủ trì giữa tháng 2, mọi vướng mắc mới bắt đầu được tháo gỡ. Người đứng đầu Chính phủ đã chỉ rõ trách nhiệm của các bên liên quan từ nhà nước, chính quyền địa phương, tình trạng cán bộ sợ ký, chủ đầu tư..., cũng như chỉ đạo cụ thể việc tháo gỡ các nút thắt tín dụng, pháp lý, trái phiếu DN và cả giá nhà đất trên thị trường. Tới lúc này, hơn 1 tháng tính từ khi hội nghị diễn ra, thị trường đã có tín hiệu tích cực. Trái phiếu DN đang hồi sinh với một số thương vụ phát hành thành công; đã có chủ đầu tư đàm phán gia hạn thời gian thanh toán với trái chủ ổn thỏa; lãi suất bắt đầu giảm; nhiều ngân hàng đưa ra gói vay ưu đãi...

Tất nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn cũng như nhiều việc phải làm ở phía trước. Nhưng đặt trong bối cảnh hệ thống tài chính toàn cầu đã và đang rung chuyển vì sự sụp đổ liên tiếp của 3 ngân hàng Mỹ; ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ được đối thủ UBS mua lại nhằm chặn đứng một cuộc khủng hoảng bùng lên ở châu Âu; và mới nhất, phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu ngân hàng lại bị bán mạnh ở Mỹ và châu Âu do tác động từ giá hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) của Deutsche Bank (Đức) tăng mạnh; chưa kể từ năm 2022 tới nay, chính phủ các nền kinh tế lớn trên thế giới loay hoay đối mặt với lạm phát... sẽ thấy sự ổn định vĩ mô mà chúng ta giữ được ở thời điểm hiện tại là một thành quả trong điều hành chính sách linh hoạt và chủ động của Chính phủ. Đây cũng chính là điểm mạnh của Việt Nam trong cạnh tranh thu hút vốn FDI với các nước trong khu vực. Minh chứng rõ nhất là đoàn DN lớn nhất từ trước tới nay của Mỹ tới Việt Nam để tìm hiểu, thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh, mà theo Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), đơn vị tổ chức, nhiều công ty dành sự quan tâm lớn cho thị trường Việt Nam.

Mở cửa bầu trời để du lịch tăng tốc; giảm lãi suất, khơi thông các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế; thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng; gỡ vướng pháp lý, đơn giản thủ tục.... cộng đồng DN vẫn đang trông cậy Chính phủ quyết liệt thúc đẩy các giải pháp nhanh chóng áp dụng trên thực tế để họ vượt qua khó khăn, đóng góp vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.