Lọc hóa dầu Nghi Sơn lại 'dọa' dừng hoạt động

Nguyên Nga
Nguyên Nga
25/04/2023 06:24 GMT+7

Thị trường xăng dầu trong nước lại phập phồng lo nguồn cung khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn "dọa" ngừng hoạt động.

Thị trường xăng dầu sẽ bị ảnh hưởng

Trong báo cáo khẩn mới đây của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) gửi Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN), doanh nghiệp này nhấn mạnh rủi ro dừng hoạt động vì thiếu hụt dòng tiền và không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc tài chính. 

Cụ thể, NSRP cho rằng sẽ không thể vừa thanh toán kỳ trả nợ vay đến hạn vào tháng 5 tới và song song đó phải có đủ dòng tiền để tiếp tục vận hành nhà máy. Giả định khi không có tái cấu trúc tài chính, NSRP sẽ phải trả 375 triệu USD vào tháng 5 và 277 triệu USD vào tháng 11 năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc NSRP sẽ phải tạm dừng hoạt động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các bên góp vốn cũng như không thể cam kết cung cấp ổn định các sản phẩm xăng dầu cho thị trường trong nước như cam kết. 

Theo NSRP, các bên cho vay đã có nhiều nhượng bộ lớn chưa từng có tiền lệ. Cụ thể, các bên đồng ý việc nhận tiền hàng sớm từ PVN không cần phải cam kết, ràng buộc pháp lý; chấp nhận tỷ lệ chia dòng tiền thặng dư. Thêm vào đó, các bên cho vay cho rằng hỗ trợ gói tái cấu trúc tài chính hiện nay là rất lớn. Chẳng hạn như việc gia hạn trả nợ đến gần 2 tỉ USD và kéo dài thời hạn vay thêm 3,5 năm, gồm gần 1 tỉ USD ân hạn gốc (NSRP không phải trả gốc trong 18 tháng) sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính. 

Tuy nhiên, riêng điều kiện quan trọng là tất cả các bên phải đồng ý thực hiện tái cấu trúc mà không ràng buộc pháp lý, PVN đã không đồng ý. PVN cho biết điều khoản và điều kiện được đưa ra nằm ngoài thẩm quyền của PVN nên cần có phê duyệt nội bộ của tập đoàn, cũng như có thể phải xin phê duyệt các cấp có thẩm quyền cao hơn.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn lại 'dọa' dừng hoạt động - Ảnh 1.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa)

ÁI CHÂU

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vấn đề ảnh hưởng tới nguồn cung tại nhà máy lọc hóa dầu này. Đầu năm nay, nhà máy đã ngưng sản xuất để khắc phục sự cố trong dây chuyền sản xuất, khiến sản lượng giảm 20 - 25% so kế hoạch. 

Trước đó, đầu năm 2022, cùng biến động của thị trường xăng dầu trên thế giới do xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, trong nước, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng liên tục giảm công suất xuống 50%, thậm chí có lúc tạm ngưng hoạt động, liên quan đến vấn đề tài chính. 

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công thương cuối năm 2022, lãnh đạo cao nhất tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã cam kết sẽ đảm bảo nguồn cung ra thị trường. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nhận xét nhà máy này được hưởng ưu đãi đặc biệt hơn so với Nhà máy lọc dầu Bình Sơn nhưng hoạt động khó khăn, phải bù lỗ liên tục.

Hoạt động sản xuất kinh doanh phải có kế hoạch, thời hạn nào đó chứ làm sao cứ trình bày khó khăn là dọa ngưng bảo đảm nguồn cung ngay vậy được. Doanh nghiệp cần đặt trách nhiệm, sự công bằng với người tiêu dùng lên trước khi tính toán quá nhiều như vậy.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), bày tỏ sự bức xúc trước việc lọc hóa dầu Nghi Sơn "năm nào cũng có yêu sách, sự cố". Đặt giả thiết như cảnh báo của NSRP là do khó khăn tài chính sẽ tiếp tục dừng sản xuất đột ngột, chắc chắn thị trường xăng dầu trong nước sẽ gặp biến động không thua gì năm ngoái. Vì hiện tại, nguồn cung lấy từ trong nước của 2 nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất chiếm đến 70%, trong đó sản lượng cung ứng từ nhà máy Nghi Sơn còn cao hơn Dung Quất. 

Theo báo cáo khẩn của NSRP thì đến tháng sau đã phải trả hàng trăm triệu USD cho tiền vay. Nếu vậy, hoạt động sản xuất nếu có biến động như "cảnh báo" của doanh nghiệp, có thể xảy ra ngay trong quý 2 này. Giải pháp tình thế trước mắt là phải tăng nhập khẩu để bù khoản thiếu hụt. 

"Tôi nghĩ các bộ quản lý phải ngồi lại sớm để bàn tính chuyện này. Tất nhiên, không phải đó là động thái vì bị "dọa" mà phải "nhu mì" với doanh nghiệp mà với vai trò nhà quản lý thị trường vốn nhạy cảm như xăng dầu, các bộ phải có giải pháp tình thế trước khi bàn tính chuyện lâu dài, hợp lý với nhà đầu tư", PGS-TS Ngô Trí Long nêu quan điểm.

Ưu đãi càng nhiều, yêu sách càng lớn ?!

Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng khó có thể chấp nhận việc nhà máy lọc dầu càng hoạt động càng lỗ, trong bối cảnh nhận được ưu đãi vượt trội so với nhà máy khác, vượt quy định chung trên thị trường. Chẳng hạn áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp cho toàn bộ đời dự án, ưu đãi thuế nhập và bù tiền khi thuế nhập khẩu thấp hơn; cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu kinh tế Nghi Sơn được giảm 50% nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân; bất luận thị trường cung cầu ra sao thì VN vẫn phải cam kết tiêu thụ 100% lượng xăng, dầu do nhà máy này sản xuất ra tại cổng nhà máy. Nghĩa là sản xuất bao nhiêu, mua bấy nhiêu, giá bán sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn tương đương giá xăng dầu nhập khẩu.

Trong thời gian qua, VN đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương. Mức thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho các nhà máy lọc dầu trong nước lại cao hơn mức thuế suất thuế ưu đãi theo các FTA này. Cho nên về lý thuyết, giá bán sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn sẽ luôn cao hơn so với xăng dầu nhập khẩu.

"Đây là nhà máy lọc dầu nhận được nhiều ưu đãi hơn cả. Thực tế rất dễ thấy là ưu đãi càng nhiều, "yêu sách" càng lớn. Bỏ qua những cam kết quá ưu đãi tại dự án, thì tại sao mỗi lần thị trường thế giới biến động cung cầu, nhà máy lại xảy ra sự cố như vậy? Rồi dọa ngưng hoạt động, giảm nguồn cung? Hoạt động sản xuất kinh doanh phải có kế hoạch, thời hạn nào đó chứ làm sao cứ trình bày khó khăn là dọa ngưng bảo đảm nguồn cung ngay vậy được. Doanh nghiệp cần đặt trách nhiệm, sự công bằng với người tiêu dùng lên trước khi tính toán quá nhiều như vậy", ông Long bức xúc.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, lại nhận định có thể đây là "nước cờ cuối cùng" và cũng có thể không xảy ra nếu… đàm phán và mỗi bên nhượng một chút để đàm phán thành công. Ông phân tích trong tháng 5 tới, thị trường xăng dầu thế giới có thể gặp áp lực vì Nga cắt giảm mạnh sản lượng. Thị trường đang biến động khó lường, trong bối cảnh nguy cơ suy thoái, tăng lãi suất và nguồn cung biến động, lọc hóa dầu Nghi Sơn lại "tung" ra con bài rằng nếu không đồng ý theo phương án tái cấu trúc tài chính của họ, họ đóng cửa sản xuất, mặc cho thị trường ra sao thì ra thì phải đặt câu hỏi. Hiện tại, PVN không đồng ý phương án đó, nhà máy chuyển báo cáo lên cấp cao hơn, phải chăng đó là động thái gây áp lực? 

"Ngoài yếu tố được ưu ái quá mức, dự án này nằm trong khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng độc quyền, nên áp lực họ tạo ra càng lớn. Tuy nhiên, làm sao doanh nghiệp bắt người tiêu dùng trả giá cho chiến lược tái cấu trúc tài chính bất thành của mình được? Tôi nghĩ Chính phủ cần phân tích nhiều khía cạnh, đặt lợi ích người dân, sự bình đẳng và sự bình ổn của thị trường làm đầu để đàm phán. Theo cam kết, việc bao tiêu mua kéo dài 10 năm, đến năm 2027 kết thúc. Thị trường năng lượng sẽ biến động nhiều, Chính phủ cần có bước đi mang tính dự báo và chủ động hơn trong đàm phán, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định", ông Lạng đặt vấn đề. 

Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4.2008, tổng mức đầu tư hơn 9,2 tỉ USD, quy mô 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Các thành viên liên doanh gồm Tập đoàn dầu khí VN (PVN), Công ty dầu khí quốc tế Kuwait (KPE), Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó PVN góp vốn 25,1%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.