Lừa đảo qua điện thoại vươn vòi ra miền Trung

21/09/2014 02:15 GMT+7

* Nhiều người tại Đà Nẵng bị lừa tiền tỉ Ngày 20.9, Công an TP.Đà Nẵng cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam Trần Trà My (23 tuổi, trú H.Châu Thành, Tiền Giang) và Lâm Nguyễn Thị Bích Thảo (21 tuổi, trú P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng), về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

* Nhiều người tại Đà Nẵng bị lừa tiền tỉ

Ngày 20.9, Công an TP.Đà Nẵng cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam Trần Trà My (23 tuổi, trú H.Châu Thành, Tiền Giang) và Lâm Nguyễn Thị Bích Thảo (21 tuổi, trú P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng), về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

 Trần Trà My (trái) và Lâm Nguyễn Thị Bích Thảo tại cơ quan công an - Ảnh: Nguyễn Tú
Trần Trà My (trái) và Lâm Nguyễn Thị Bích Thảo tại cơ quan công an - Ảnh: Nguyễn Tú

Hai bị can này liên quan đến nhiều vụ lừa đảo qua điện thoại rộ lên thời gian gần đây để chiếm đoạt hàng tỉ đồng của nhiều nạn nhân. Điều bất ngờ là cả hai bị can còn rất trẻ, Thảo đang là sinh viên nhưng thủ đoạn rất ma mãnh.

Đầu tiên cả hai thay nhau gọi điện thoại tự xưng là nhân viên bưu điện đòi tiền cước thuê bao. Khi người nghe thắc mắc thì My và Thảo cung cấp số điện thoại yêu cầu họ gọi đến cơ quan chức năng do nạn nhân dính đến pháp luật. Nhưng thật ra các số máy này đã được cài đặt sẵn và là đồng bọn của chúng; bọn chúng tiếp tục tự xưng là cơ quan thuế, công an, thanh tra dựng lên chuyện nạn nhân có liên quan đến hoạt động buôn lậu, trốn thuế, mua bán ma túy… Nếu phát hiện người nghe có dấu hiệu sợ hãi, băng lừa đảo này tung chiêu cuối đó là yêu cầu khai báo số dư tài khoản, đồng thời chuyển tiền vào tài khoản của chúng để tạm giữ, chứng minh sự vô tội và được tại ngoại. Công an TP.Đà Nẵng hiện đang tiếp tục mở rộng điều tra.

Được biết, từ tháng 6 - 8.2014, Cơ quan CSĐT - Công an TP.Đà Nẵng nhận được trình báo về 6 trường hợp bị loại tội phạm này chiếm đoạt tiền, trong đó bị lừa nhiều nhất là ông Đ.H (50 tuổi, trú P.Hải Châu 2, Q.Hải Châu).

Cụ thể, trưa 22.8 ông H. nhận cuộc gọi từ một người tự xưng là cán bộ điều tra Công an TP.HCM. Cán bộ dỏm này dọa ông H. đang dính líu đến đường dây ma túy xuyên quốc gia, sau đó yêu cầu ông H. chuyển 500 triệu đồng vào một tài khoản để thể hiện thiện chí hợp tác với cơ quan điều tra. Do lo sợ bị dọa phong tỏa tài khoản nên đầu giờ chiều cùng ngày, ông H. đến ngân hàng chuyển khoản 500 triệu đồng, thì sau đó không còn liên lạc được với số máy kia nữa.

Sáng 25.8, đến lượt bà N. (cùng trú P.Hải Châu 2) nhận được cuộc gọi cũng từ một người tự xưng là cán bộ điều tra Công an TP.HCM về việc bà đang nợ cước điện thoại gần 9 triệu đồng, đồng thời yêu cầu bà N. giải thích vì sao đứng tên hợp đồng thuê bao di động tại TP.HCM cho một tay trùm vừa bị bắt về hành vi vận chuyển hàng trăm bánh heroin.

Trong lúc bà N. ấp úng vì không rõ sự tình thì liên tục bị đối tượng nạt nộ, dọa sẽ bắt giam do thái độ ngoan cố. Thấy bà N. hoang mang, đối tượng tiếp tục khai thác số tiền trong tài khoản và yêu cầu bà chuyển khoản 150 triệu đồng ngay trong sáng cùng ngày. Bà N. sợ hãi răm rắp thực hiện theo yêu cầu, hậu quả 150 triệu đồng tiền dành dụm đã dâng không cho kẻ lừa đảo.

Nguyễn Tú

>> Báo động nạn lừa qua điện thoại
>> Triệt phá băng lừa đảo qua điện thoại
>> Thêm hai nạn nhân bị lừa gần 1,5 tỉ đồng qua điện thoại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.