Lưu ý ngừa ong đốt trong mùa hè

Liên Châu
Liên Châu
25/07/2023 19:07 GMT+7

Các trường hợp bị ong đốt thường tăng nhiều vào dịp cuối hè do đây là thời điểm có nhiều loại hoa quả như dứa, nhãn... thu hút ong, người bị ong đốt do vô tình đụng phải hoặc khi chọc, lấy tổ của chúng.

Theo Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), nếu bị ong đốt nhiều nốt hoặc bị đốt ở các vị trí như đầu, mặt, cổ; bị dị ứng với nọc ong, bị sốc hoặc bị nhiễm độc… có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Do đó, cùng với phòng ngừa ong đốt, việc xử trí đúng cách khi bị ong đốt sẽ tránh, giảm các nguy cơ nêu trên.

 Lưu ý ngừa ong đốt khi đi dã ngoại  - Ảnh 1.

Cần đến bệnh viện nếu không may bị ong đốt trên 10 nốt

SHUTTERSTOCK

Các bước xử trí khi bị ong đốt như sau: nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong. Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Không nặn, ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.

Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần. Uống nhiều nước để loại thải độc tố. Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.

Sau khi xử trí như trên, người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận và đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra lại.

Cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu sau: bị trên 10 nốt đốt; bị đốt bởi ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật và một số ong chưa rõ loại ở các vùng rừng núi; bị đốt vào mặt, cổ, miệng, họng; hoặc nạn nhân có các biểu hiện khó chịu như: đau nhiều, sưng nề nhiều vùng bị đốt, mẩn ngứa, khó thở, mệt nhiều…

Một chuyên gia về cấp cứu - chống độc cho hay, tùy vào loài ong, số lượng vết đốt mà nạn nhân bị ong đốt bị tổn thương từ mức độ nhẹ đến nặng. Nọc của từng loài có khả năng gây độc khác nhau, nhưng cơ bản có một số các chất độc gây đau, tan máu, dị ứng, sốc phản vệ.

Nọc ong có men hyaluronidase phân hủy acid hyaluronic của tổ chức liên kết trong cơ thể làm cho nọc dễ lan khắp cơ thể nạn nhân. Chất apamine trong nọc ong gây độc với thần kinh, tác dụng mạnh trên tủy sống, gây tăng kích thích, co thắt cơ, co giật.

Ngoài ra, các chất histamin, serotonin, catecholamin, kinin gây đau, viêm, thúc đẩy sự hấp thu các kháng nguyên trong nọc ong.

 Nước hoa, mỹ phẩm thơm dễ "dụ" ong 

Theo Trung tâm Chống độc, hằng năm, vào cuối hè, sang thu, số người bị ong đốt tăng lên rất nhiều, do đây là mùa có nhiều loại hoa quả như dứa, nhãn… thu hút ong. Trẻ em là đối tượng thường bị ong đốt do được nghỉ học đi chơi và thường tò mò, chọc phá tổ ong.

Để ngừa ong đốt, trước tiên cần tránh tiếp xúc với ong. Không chọc phá tổ ong. Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động, ong sẽ không bay đuổi theo nữa.

Tại nơi ở, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để phòng ngừa ong đến làm tổ.

Khi đi vào rừng, đi dã ngoại, nên tránh mặc quần áo sặc sỡ. Tránh dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm có mùi thơm và ngọt vì có thể thu hút ong.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.