Lý do EVN không dễ tự quyết điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần

30/03/2024 15:22 GMT+7

Quyết định 05/2024/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân quy định những trường hợp cụ thể Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được điều chỉnh giá, chu kỳ điều chỉnh tối thiểu là 3 tháng kể từ lần gần nhất nhưng theo Bộ Công thương, quy định này không có nghĩa là 3 tháng sẽ thay đổi giá điện một lần.

Giá điện bán lẻ bình quân sẽ được điều chỉnh ra sao sau khi Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 05/2024/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thay thế cho  Quyết định 24/2017/QĐ-TTg trước đây đang là vấn đề được doanh nghiệp, người dân quan tâm.

Lý do EVN không dễ tự quyết điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần- Ảnh 1.

Bộ Công thương vẫn giữ vai trò chính trong điều hành giá điện

T.N

Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), cho biết về cơ bản Quyết định 05/2024/QĐ-TTg kế thừa gần như toàn bộ các quy định có trong Quyết định 24/2017/QĐ-TTg. Điểm mới lần này là rút ngắn thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. 

"Nhưng điều này không có nghĩa là cứ 3 tháng lại thay đổi giá điện một lần mà còn tùy thuộc vào đánh giá tác động đến kinh tế vĩ mô cũng như tùy thuộc vào kết quả tính toán cập nhật các chi phí sản xuất đã đủ định mức để được xem xét điều chỉnh hay chưa", ông Hữu nói.

Giải thích lý do Bộ Công thương đề xuất rút ngắn kỳ điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân trong Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, ông Nguyễn Thế Hữu khẳng định, giá điện cần phải điều chỉnh theo lộ trình để giảm thiểu tác động đến khách hàng sử dụng điện.

Cạnh đó, việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện nhằm đảm bảo chi phí không dồn tích quá nhiều gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN, đưa giá điện thích ứng với biến động của các yếu tố đầu vào sản xuất điện.

Đại diện lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cũng khẳng định, trong Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, Bộ Công thương vẫn giữ vai trò chính trong điều hành giá điện, phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan trong giám sát, kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, rà soát khung giá điện do EVN xây dựng để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo đối với thị trường điện.

Năm 2023, EVN có 2 lần ra quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân với các mức tăng tương ứng là 3% và 4,5%. Lần điều chỉnh giá điện được EVN thực hiện gần nhất là từ ngày 9.11.2023 với giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Nhưng sau 2 lần tăng giá trong năm 2023, EVN vẫn bị lỗ khoảng 17.000 tỉ đồng, đã giảm 9.000 tỉ đồng so với năm 2022.

Trước đó, chia sẻ tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 diễn ra ngày 2.1, lãnh đạo EVN cho biết, số lỗ trên chủ yếu do giá điện bán ra đang thấp hơn giá thành. Theo tính toán của EVN, chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải và phân phối là 2.092,78 đồng/kWh nhưng giá bán điện bình quân là 1.950,32 đồng/kWh, mỗi kWh bán ra tập đoàn này đang chịu lỗ 142,5 đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.