Mặc áo dài, đi xe đạp chuẩn bị hồ sơ di sản

03/09/2023 06:57 GMT+7

Nhóm người cùng mặc áo dài, đi xe đạp qua các tuyến phố Hà Nội gợi nhớ tới cuộc sống chậm rãi của nhiều chục năm trước...

Bà Trần Chi, một người Hà Nội lứa 7X (ngụ Q.Ba Đình, Hà Nội), dậy từ 5 giờ để đến Hoàng thành Thăng Long, điểm xuất phát cuộc dạo phố bằng xe đạp của 150 người mặc áo dài. "Chúng tôi tập trung ở đó rất sớm để cùng đạp xe qua nhiều tuyến phố Hà Nội. Nó gợi lại thời trung học cách đây đã 30 năm, mỗi sáng thứ hai tôi lại mặc áo dài đi học. Tôi chọn một chiếc áo dài hồng vẫn thường mặc trong những dịp quan trọng", bà Chi cho biết.

Mặc áo dài, đi xe đạp chuẩn bị hồ sơ di sản - Ảnh 1.

Mặc áo dài đạp xe qua các điểm di sản

BTC cung cấp

Với nhiều người như bà Chi, cuộc đi xe đạp theo chương trình Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội lần thứ nhất - năm 2023 này như một cuộc gợi nhớ quá khứ êm đềm, khi Hà Nội ít xe máy, ô tô hơn bây giờ rất nhiều. Nó cũng là một trải nghiệm những chiếc xe đạp của mô hình xe đạp công cộng vừa đưa vào khai thác. Sự kiện do Sở Du lịch phối hợp Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội và Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức. Dự kiến đây cũng sẽ là sự kiện thường niên của Sở Du lịch Hà Nội vào mỗi dịp 2.9.

Lên một chiếc xe đạp mà bình thường có thể sử dụng với giá 5.000 đồng/30 phút, bà Chi cùng những người đồng hành đi qua các tuyến đường di sản của TP. Họ có sự hỗ trợ của nhiều đơn vị để có thể hoàn thành hành trình. Từ Hoàng thành Thăng Long, họ di chuyển qua quảng trường Ba Đình, đi qua chùa Trấn Quốc, phố Phan Đình Phùng, cửa ô nổi tiếng Ô Quan Chưởng, Chả Cá, Lương Văn Can… rồi về quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, phố đi bộ Hồ Gươm. Cùng lúc, họ mặc trên người trang phục truyền thống nổi tiếng, đi qua nhiều di sản và trên một phương tiện thân thiện với môi trường mà thủ đô muốn khuyến khích.

"Nguyên liệu" cho hồ sơ di sản

Trong số những người tham gia sự kiện, có cả khách du lịch nước ngoài. Họ cũng mặc áo dài và đạp xe với nhóm. Cũng có những người đã mặc áo dài đi xe đạp qua nhiều năm trong các sự kiện quảng bá áo dài khác nhau. Họ đến từ nhóm yêu di sản Đình làng Việt…

Còn nhớ, năm 2020, Bộ VH-TT-DL cho biết đã có buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, khi đó là ông Nguyễn Ngọc Thiện và bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, về việc làm hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật thể liên quan áo dài. Cũng thời điểm đó, Bộ VH-TT-DL xác định cần phải ghi danh di sản văn hóa áo dài trong danh sách di sản phi vật thể quốc gia. Hồ sơ cũng phải xác định rõ cộng đồng chủ thể của áo dài và nhiều yếu tố khác. Khi đó, TP.Huế cũng như Hà Nội nổi lên như những địa phương có cộng đồng mặc áo dài mạnh, và nhất là có làng nghề áo dài.

Chính vì thế, chương trình Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội đang được kỳ vọng là mở đầu cho việc các địa phương này nghiên cứu tiếp tục để có thể có những làng nghề may áo dài được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cộng đồng mặc áo dài ở Hà Nội cũng sẽ linh hoạt hơn trong các kết nối xu hướng sống như sống xanh, kết nối văn hóa truyền thống…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.