Mắc kẹt trong tâm dịch

12/08/2020 04:24 GMT+7

Hơn 15.000 lao động tự do ở nhiều tỉnh, thành miền Trung đang mắc kẹt tại tâm dịch TP. Đà Nẵng đã đặt ra bài toán lớn về công tác cứu trợ, kiểm soát dịch...

Hôm qua 11.8, TP.Đà Nẵng thông báo tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, kéo dài “cho đến khi có thông báo mới”. Trong khi đó, với đợt giãn cách xã hội lần này, những người chưa thể rời Đà Nẵng vẫn còn nhiều mối lo chưa giải quyết xong.
Các công nhân gặp khó khăn khi bị kẹt lại Đà Nẵng được các nhóm, hội đồng hương hỗ trợ thực phẩm Ảnh: S.X

Các công nhân gặp khó khăn khi bị kẹt lại Đà Nẵng được các nhóm, hội đồng hương hỗ trợ thực phẩm

ẢNH: S.X

Bà Phan Thị Thúy Linh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng, cho biết kết quả cập nhật từ các tổ dân phố báo về cho thấy Đà Nẵng hiện có hơn 15.000 lao động tự do ở nhiều tỉnh, thành miền Trung đang kẹt lại dưới nhiều hình thức như ở trọ, tạm trú... Nếu tính toàn bộ lao động ngoại tỉnh (công nhân, lao động đang làm việc tại các nhà máy, xưởng, khu chế xuất, khu công nghiệp...), con số này lên đến hơn 110.000 người.

4 thợ hồ đi bộ vượt đèo Hải Vân, xin cách ly chống Covid-19 vì... thất nghiệp

“Nhiều nhóm đã đứt bữa”

Hôm 4.8, dựa trên thông tin do chính những nạn nhân cần “hỗ trợ gấp” khai báo, một nhóm tình nguyện viên đã công bố danh sách đầu tiên về 144 đại diện các nhóm người Cơ Tu, Ve, Tà Riềng... vùng cao Tây Giang, Đông Giang (Quảng Nam) đang mắc kẹt tại TP.Đà Nẵng. Họ là những người lao động, sinh viên không thể rời Đà Nẵng, thuê nhà ở rải rác tại các quận, huyện; số khác làm ở các công ty xuất nhập khẩu thủy sản, tại các khu công nghiệp... Khó khăn mà họ đang đối diện cũng rất đa dạng. Chị Briu Thị Đợi (trú P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu) thông báo nhóm của chị có 3 người quê gốc Đông Giang cần hỗ trợ và “giờ đang đói bụng”. Pơloong Atrạch, đại diện cho nhóm lao động Tây Giang đang làm ở công trình thuộc xã Hòa Liên (H.Hòa Vang), cho hay đã tự cách ly ở lán trại được 2 tuần, công trình tạm nghỉ, “hết tiền ăn và tiền mua nước”. Vì thế, khi cung cấp danh tính những người đang mắc kẹt, anh Briu Quân (H.Tây Giang) kêu gọi: “Những người này hiện nay đời sống rất khó khăn, thiếu thốn trăm bề không biết nhờ cậy vào ai để sống trong những ngày cách ly xã hội còn lại”.
Ngay sau đó, đã có những chuyến hàng cứu trợ thầm lặng kết nối với các nhóm vùng cao Quảng Nam. Anh L.H.K (47 tuổi, trú P.Phước Ninh, Q.Hải Châu) huy động nguồn kinh phí từ một số nhà hảo tâm đã mua gạo, mắm muối và kèm tiền mặt kịp chở đến trao cho 49 nhóm thợ hồ, công nhân may, sinh viên... quê gốc Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn. “Mấy phần gạo và tiền mặt mình chở đến tặng dù không nhiều nhưng thấy nhiều người vui ra mặt. Nhiều nhóm đã đứt bữa vì công trình nghỉ cả tuần rồi”, anh L.H.K tâm sự.

Đà Nẵng tiếp tục giãn cách xã hội, người dân đi chợ 3 ngày/lần phòng Covid-19

Trong khi đó, nhiều công nhân công trình cũng đang gặp khó vì công trình phải tạm dừng. Theo ông Nguyễn Văn Lanh (quê Thanh Hóa), quản lý đội thợ xây dựng khoảng 70 người tại công trình Condo 2 ở đường Võ Nguyên Giáp (Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng), công trình dừng từ cuối tháng 7 mà đến nay toàn bộ công nhân vẫn không thể về quê. Họ chủ yếu ở H.Triệu Sơn (Thanh Hóa), thuộc diện lao động công nhật nên không làm thì... không có tiền chi tiêu hằng ngày. “Hiện công ty đang chi khoảng 6 - 7 triệu đồng/ngày cho khoản tiền nhà, tiền ăn uống và điện nước. Chúng tôi đã có đơn gửi Sở LĐ-TB-XH nhờ hỗ trợ cũng như giải quyết phương án cho về quê và tự cách ly tại nhà”, ông Lanh nói.

Ứng cứu diện rộng

Hôm qua 11.8, khi công bố quyết định tiếp tục giãn cách xã hội, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng đã chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQ, các cơ quan liên quan và các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê, kịp thời tham mưu, đề xuất hỗ trợ, cứu trợ người dân, công nhân lao động, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội trong mùa dịch bệnh cũng như sau dịch. Bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Đà Nẵng, cho biết thêm: “Đối với những lao động nghèo, những công nhân có hoàn cảnh khó khăn bị kẹt lại, chính quyền địa phương có trách nhiệm quan tâm, hỗ trợ như những người dân khác gặp khó khăn do dịch bệnh”.
Một phụ nữ Giẻ Triêng (H.Phước Sơn, Quảng Nam) nhận quà; chị có chồng bán vé số, con học mẫu giáo, thuê nhà tại Đà Nẵng ẢNH: L.H.K

Một phụ nữ Giẻ Triêng (H.Phước Sơn, Quảng Nam) nhận quà; chị có chồng bán vé số, con học mẫu giáo, thuê nhà tại Đà Nẵng

ẢNH: L.H.K

Về việc “hơn 15.000 người lao động tự do” bị kẹt, Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng cho biết đang tìm phương án giải quyết. Lâu nay, công tác hỗ trợ phải thông qua các kênh của tổ dân phố, khu trọ, các xã phường để nắm, rà soát nhu cầu thực tế. Theo bà Phan Thị Thúy Linh, bất kể họ có hộ khẩu hay không, cứ tính nhân khẩu đang tạm trú và ở tại chỗ trên địa bàn, chỉ cần có nhu cầu thực tế là có thể đưa vào danh sách. “Trước mắt, hỗ trợ theo các đợt để đảm bảo cho họ không thiếu lương thực, không bị cắt bữa. Còn về sau sẽ tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ ở tầm vĩ mô hơn”, bà Linh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Đà Nẵng, cho hay đang có kế hoạch dành 1 tỉ đồng để hỗ trợ 1.000 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; các địa phương đang tập hợp danh sách để sớm triển khai. Ngay khi dịch tái bùng phát, Liên đoàn Lao động TP.Đà Nẵng đã cho rà soát công nhân, người lao động khó khăn. Ít nhất đã có 500 suất quà dành tặng các tổ công nhân tự quản tại các khu dân cư, khu trọ nhằm động viên làm tốt công tác phòng chống dịch.

Bản tin Covid-19 ngày 11.8: Việt Nam thêm nhiều ca bệnh, Nga công bố có vắc xin đầu tiên trên thế giới

“Triệu bữa cơm” ở vùng tâm dịch

Thành đoàn Đà Nẵng hưởng ứng chương trình “Triệu bữa cơm” do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phát động, với chỉ tiêu 12.000 bữa cơm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn đang chống chọi với dịch Covid-19. Đợt đầu, hôm 9.8, có hơn 2.400 suất cơm được trao tặng.
Trong khuôn khổ chương trình này, tuổi trẻ TP.Đà Nẵng cũng xúc tiến hỗ trợ 800 người dân có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người vô gia cư, công nhân, lao động mất việc làm, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật thuộc địa bàn 7 quận, huyện; kéo dài 15 ngày kể từ ngày 9.8. Cụ thể, mang đến tận nhà hỗ trợ gạo, thịt, rau... cho người dân (được đóng gói, khử trùng).
Theo anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN TP.Đà Nẵng, hiện Thành đoàn Đà Nẵng đang vận động hỗ trợ công nhân hiện đang ở các khu cách ly và thực hiện cách ly xã hội tại nhà trọ. Trước đó, ngày 8.8, Thành đoàn Đà Nẵng phối hợp với Liên đoàn Lao động TP.Đà Nẵng trao các nhu yếu phẩm cho công nhân hoàn cảnh khó khăn tại khu cách ly ở Q.Cẩm Lệ và công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Cầm.
Huy Đạt 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.