Mắc sỏi niệu quản nhưng không điều trị, bệnh nhân bị hỏng thận phải cắt bỏ

Lê Cầm
Lê Cầm
02/04/2024 13:19 GMT+7

Ông D.V.B (72 tuổi, ngụ Long An) từng được chẩn đoán sỏi niệu quản hai bên và tư vấn điều trị nhưng ông từ chối điều trị. Biến chứng sỏi niệu quản khiến hai thận của ông mất chức năng, ông phải chạy thận nhân tạo định kỳ.

Ngày 2.4, bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Nguyễn Trường Vinh, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An, cho biết bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng của thiếu máu nặng. Sau khi thăm khám và kiểm tra, kết quả ghi nhận sỏi niệu quản lớn hai bên khiến hai thận giãn to, nhu mô thận giãn mỏng và mất chức năng thận hai bên, thận phải xuất huyết đầy máu đông trong thận, xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân thiếu máu rất nặng. Trong trường hợp này cần truyền máu bổ sung, cần hội chẩn các chuyên khoa liên quan như tim mạch, nội thận lọc máu để ổn định về nội khoa. Sau cùng là lên chương trình phẫu thuật nội soi cắt thận phải để điều trị tận gốc nguồn chảy máu.

Cuộc phẫu thuật diễn ra dưới sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ê kíp bác sĩ khoa Ngoại tiết niệu và Gây mê hồi sức. Bác sĩ Bình cho biết, ca phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do kích thước thận phải quá lớn, gây khó khăn trong việc thao tác và cản trở phẫu trường, có hiện tượng viêm dính nhiều ở khoang quanh thận, khiến việc bóc tách tương đối khó khăn và đòi hỏi phải phẫu thuật viên phải có nhiều kinh nghiệm để tránh tổn thương các cơ quan lân cận. Ê kíp vẫn cố gắng thực hiện qua nội soi dù có nhiều khó khăn nhưng sẽ giúp người bệnh có thể hồi phục sớm nhất có thể sau phẫu thuật. Sau hơn 180 phút, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp.

Bác sĩ Vinh cho biết, tình trạng bệnh của bệnh nhân ban đầu chỉ là sỏi niệu quản hai bên, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì hiệu quả rất tốt. Bệnh nhân sẽ không phải có kết cục cuối cùng là suy thận mạn phải chạy thận định kỳ rất tốn kém và cũng không phải cắt thận trong tình huống nguy hiểm như trường hợp này. Mặc dù bệnh nhân được can thiệp dẫn lưu hai thận ra da ngay lập tức sau đó nhưng chức năng của hai thận không thể cải thiện và đã ở giai đoạn cuối của suy thận. Đồng thời, sau đó thận phải của bệnh nhân tiếp tục xuất huyết gây mất máu nhiều, phải truyền máu nhiều đợt và cuối cùng phải cắt thận phải để giải quyết nguyên nhân.

Mắc sỏi niệu quản nhưng không điều trị, bệnh nhân bị hỏng thận phải cắt bỏ- Ảnh 1.

Phẫu thuật cắt bỏ thận cứu người đàn ông bị biến chứng sỏi niệu quản

BSCC

Theo bác sĩ Vinh, sỏi tiết niệu là bệnh lý rất thường gặp. Theo Thư viện Y học quốc gia Mỹ, thống kê khu vực Đông Nam Á cho thấy khu vực này bị sỏi tiết niệu cao nhất thế giới, với tỷ lệ từ 5 - 19%. Riêng nước ta ghi nhận có khoảng 2 - 12% dân số bị sỏi tiết niệu, trong đó sỏi thận chiếm 40%. Việc điều trị sỏi tiết niệu hiện nay chủ yếu là can thiệp ít xâm hại, hồi phục nhanh và nhẹ nhàng. Tuy nhiên, sỏi niệu nếu không được điều trị sẽ dẫn đến biến chứng rất nặng nề, có thể suy thận, nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng và đôi khi phải cắt thận để cứu lấy tính mạng.

Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo người dân khi xuất hiện tình trạng đau hông lưng, sốt, tiểu gắt buốt, cảm giác kích thích đi tiểu, hoặc khám sức khỏe vô tình phát hiện sỏi đường tiết niệu thì nên đến bệnh viện để được khám và chẩn đoán kịp thời. Sau khi bác sĩ chuyên khoa thăm khám sẽ có phương án điều trị sớm, tránh để quá trễ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như suy thận, nhiễm khuẩn, xuất huyết ở thận... hậu quả sẽ rất đáng tiếc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.