Malaysia, Myanmar hục hặc vì người Rohingya

05/12/2016 09:01 GMT+7

Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 4.12 đã tham gia biểu tình phản đối chính phủ Myanmar trong việc đối xử với người Hồi giáo Rohingya.

Cuộc biểu tình tại sân vận động Titiwangsa ở thủ đô Kuala Lumpur, do các tổ chức phi chính phủ của người Hồi giáo khởi xướng, thu hút hàng ngàn tín đồ đạo Hồi và những người tị nạn Rohingya tại Malaysia.
Xuất hiện cùng Chủ tịch đảng đối lập Hồi giáo PAS Abdul Hadi Awang trên khán đài, ông Najib phát biểu: “Chúng ta phải bảo vệ những người Rohingya, không chỉ vì họ cùng tín ngưỡng, mà vì họ là con người, sự sống của họ có giá trị”.
Người Hồi giáo Rohingya được cho là xuất phát từ vùng Bengal lân cận Ấn Độ và đã đến định cư ở bang Rakhine, miền tây Myanmar từ nhiều thế hệ. Tuy nhiên, do không được chính quyền Myanmar công nhận, người Rohingya tồn tại trong tình trạng vô nhà nước và chịu nhiều o ép. Mâu thuẫn với người bản địa diễn ra triền miên khiến hàng chục ngàn người Rohingya phải lánh nạn sang các quốc gia lân cận như Malaysia và Thái Lan trên những phương tiện thô sơ, gây ra một cuộc khủng hoảng di cư ở Đông Nam Á trong những năm gần đây.
Mới đây nhất, đụng độ giữa những người Rohingya nổi loạn với lực lượng an ninh nhà nước vào ngày 9.10 đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng mới, khiến chính quyền Myanmar do nhà dân chủ Aung San Suu Kyi lãnh đạo bị cộng đồng quốc tế chỉ trích là có chủ trương “thanh trừng sắc tộc”.
Căng thẳng ngoại giao
Viện dẫn Hiến chương ASEAN, Thủ tướng Najib chỉ trích chính quyền Myanmar gay gắt: “Hiến chương ASEAN có điều khoản bảo vệ những quyền con người căn bản. Họ (tức chính quyền Myanmar - PV) có mù không? Đừng diễn giải bản hiến chương theo cách của mình”. Lời lẽ của ông Najib hàm ý bác bỏ việc chính quyền Myanmar yêu cầu Malaysia tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác của ASEAN mà hai nước đều là thành viên.
Malaysia, quốc gia 31 triệu dân với hơn 60% theo Hồi giáo, là nơi nhận nhiều người Rohingya tị nạn nhất, với 56.000 người có thẻ của Cao ủy nhân quyền LHQ, chưa kể hàng ngàn người nữa chưa được kiểm kê. Hôm 30.11, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao nước này Khairy Jamaluddin đã lên tiếng đòi ASEAN xem xét tư cách thành viên của Myanmar vì vấn đề người Rohingya. Malaysia cũng quyết định hủy 2 trận đấu bóng đá giao hữu giữa đội tuyển U.22 nước này với Myanmar để thể hiện sự phản đối.
Đáp lại, Myanmar từ chối đối thoại với Malaysia. Thủ tướng Najib cho hay ông đã đề nghị gặp bà Suu Kyi để thảo luận vấn đề này nhưng bà khước từ. Ngoại trưởng Malaysia, Anifah Aman cũng đã tới Naypyitaw để gặp bà Suu Kyi nhưng chỉ được trả lời bà “sẵn sàng thảo luận các vấn đề song phương chứ không bàn chuyện người Rohingya”. Ông Najib cũng tuyên bố sẽ vận động Tổng thống Joko Widodo của Indonesia, quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới, khởi xướng các cuộc biểu tình chống chính quyền Myanmar.
Trong chuyến thăm 3 ngày đến Singapore, hôm 2.12, bà Suu Kyi đã có cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Channel NewsAsia. Trả lời chất vấn về vấn đề người Rohingya, bà Suu Kyi nói: “Chúng tôi cố giữ tình hình trong tầm kiểm soát và làm giảm nhiệt nó. Tôi sẽ đánh giá cao nếu cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhằm duy trì hòa bình, ổn định và tạo tiến bộ trong việc xây dựng quan hệ tốt hơn giữa hai cộng đồng, thay vì gào thét tạo thêm lửa căm hờn”.

tin liên quan

Thủ tướng Malaysia trong tâm bão
Bất chấp các động thái ngăn chặn của chính phủ, hàng chục ngàn người Malaysia ngày 19.11 đã xuống đường để bày tỏ phản đối lẫn ủng hộ Thủ tướng Najib Razak.
Lấy lòng
Việc Thủ tướng Malaysia “xuống đường” sáng 4.12, theo nhà quan sát Zeya Thu, phó tổng biên tập tạp chí The Voice uy tín của Myanmar, là “hiếm có trong vũ đài chính trị quốc tế”. “Điều đó còn lạ lùng hơn khi cả hai quốc gia đều là thành viên ASEAN”, nhà báo này nhận định với Thanh Niên. Ông Zeya cũng cho rằng hành động của ông Najib là nhằm lấy lòng người dân trong nước và củng cố uy tín quốc tế sau các cáo buộc tham nhũng, biển thủ hàng trăm triệu USD từ quỹ đầu tư nhà nước 1MDB do chính ông sáng lập và điều hành.
Tuy nhiên, tiến sĩ Oh Ei Sun từ Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (RSIS, Singapore) khẳng định với Thanh Niên ông Najib chỉ cần “lấy lòng người Hồi giáo trong nước”. Việc ông Najib xuất hiện bên cạnh chủ tịch PAS, một chính đảng lớn từng nằm trong liên minh cầm quyền nhưng gần đây tách ra theo cánh đối lập mà ông Najib đang muốn kết thân trở lại, trong cuộc biểu tình là một điều đáng chú ý.
“Vụ 1MDB bây giờ không còn là vấn đề nữa. Điều quan trọng lúc này đối với ông Najib là các vấn đề quốc nội”, tiến sĩ Oh, từng là thư ký chính trị của ông Najib, nói. Các nhà quan sát cho rằng ông Najib sẽ tổ chức tổng tuyển cử trong năm 2017 thay vì đợi đến cuối hạn giữa năm 2018, do uy tín của ông gần đây được cải thiện đáng kể.
Kêu gọi điều tra
Cuộc đụng độ ngày 9.10 diễn ra khi một số người Rohingya nổi loạn tự gọi là
Al-Yakin Mujahidin, bị nghi có liên hệ với những nhóm Hồi giáo nước ngoài, đồng loạt tấn công nhiều chốt biên phòng khiến 5 cảnh sát và 5 binh sĩ thiệt mạng ở thị trấn Maungdaw, bang Rakhine. Quân đội lập tức được điều động và xung đột đã diễn ra.
Theo các tổ chức nhân quyền quốc tế, có trên 100 người thiệt mạng, hàng trăm người bị bắt, ít nhất 30.000 người đã rời bỏ nhà cửa và hàng chục phụ nữ tố cáo bị binh sĩ hãm hiếp. Hình ảnh vệ tinh của Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế mới công bố cho thấy có sự tàn phá quy mô lớn làng mạc, nhà cửa của người Rohingya. Tổ chức này đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc vào cuộc điều tra.
Hôm 1.12, chính quyền Myanmar thành lập ủy ban điều tra các cáo buộc quân đội bạo hành, thanh trừng người Rohingya do Phó tổng thống thứ nhất U Myint Swe đứng đầu. Tuy nhiên, ủy ban vấp phải sự chỉ trích gay gắt về tính công minh, bởi ông U Myint Swe từng là tướng lĩnh quân đội bị nhiều cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.