Mẹ tôi

19/06/2007 00:31 GMT+7

Năm 1968, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang trong thời kỳ quyết liệt nhất, bố tôi lên đường ra mặt trận. Mẹ tôi lúc đó 33 tuổi, đang có mang đứa thứ sáu, nhà có 5 con nhỏ dại (đứa lớn nhất 13, đứa nhỏ nhất lên 2) và bà nội ngoài 70 lưng còng sức yếu. Cả nhà 8 miệng ăn trước đó chỉ trông chờ vào sức lao động của bố tôi, một người nông dân vùng quê Thái Bình, một ngày công lao động cũng chỉ hơn 1 kg thóc.

 

Không nói ra nhưng ai cũng hiểu được rằng cuộc ra đi lần này của bố tôi là không hẹn ngày về. Mẹ tôi nuốt nước mắt vào trong động viên bà nội và mấy anh em tôi giữ vững tinh thần cho bố tôi yên lòng lên đường vào Nam chiến đấu.

Đầu năm 1969, mẹ tôi sinh đứa em út, cả nhà không có một lao động chính, đồng nghĩa với không có cái ăn. Trước hoàn cảnh nghiệt ngã đó, mẹ "trốn" ở cữ, lén ra đồng kiếm con cua, con ốc, mớ rau củ khoai cho cả gia đình. Thấy tội nghiệp, lâu lâu bà con thôn xóm cho mượn một, hai lon gạo để cầm hơi. Anh em tôi đứa nào từ 8 tuổi trở lên đều phải kiếm việc làm thêm kiếm ăn.

Đứa lớn đi vạt bờ cuốc góc, gánh phân gánh đất; đứa nhỏ chăn trâu cắt cỏ lấy công điểm để đến mùa được chia thóc. Tôi còn nhớ rất rõ sau vụ thu hoạch mùa màng xong, cả nhà cũng chỉ có khoảng 2 tạ thóc, nhưng số thóc ấy không chỉ để dành ăn mà còn phải bán đi một phần để mua sắm các thứ cần thiết. Tính ra mỗi người chỉ có 25 kg thóc trong 6 tháng. Hạt thóc thật như hạt vàng.

Có lần đi học về mẹ dặn tôi xay thóc, lúc đó vì còn non dại không để ý lời mẹ dặn nên tôi đã xay thúng thóc mới chưa phơi già nắng, trong khi thúng thóc già để bên cạnh lại không làm. Chiều về thấy vậy, mẹ đã bật khóc tức tưởi trong khi tôi vẫn còn ngơ ngác không hiểu vì sao, thóc nào cũng đều ăn được cơ mà. Sau này khi lớn lên tôi mới biết, lúa mới gặt về nấu cơm gạo mềm thơm ngon nhưng không nở gạo, con nhà nghèo mà ăn thế thì lãng phí quá!

Mùa đông cho chí mùa hè, dù nắng hay mưa, suốt ngày mẹ tôi quần quật ở ngoài đồng; xong công việc của hợp tác xã mẹ lại đi hốt phân trâu trồng rau đậu, hay đi nhặt những hạt thóc rơi vãi ngoài đồng, những khi tháng ba ngày tám thì đi bắt cua bắt ốc. Hằn sâu trong tâm trí tôi là hình ảnh mẹ, một phụ nữ bé nhỏ với chiếc áo nâu bạc màu, quần đen xắn quá đầu gối, trên vai là đôi quang gánh với đủ thứ linh tinh mới thu lượm được, tất tả về nhà khi hoàng hôn buông xuống trên đường làng Tuộc - nơi tôi sinh ra và lớn lên. Về tới nhà lại hối hả vào bếp nấu cái gì cho con ăn, bữa cháo bữa rau. Nhưng cháo rau cũng không đủ ăn, mẹ phải chia phần trước cho mọi người, sau đó mới chừa lại cho mình một chút gọi là.

Khó khăn vất vả là vậy nhưng tôi chưa thấy mẹ than phiền bao giờ. Cho đến khi bố tôi hy sinh năm 1969, mẹ vẫn nén đau thương, can đảm và lầm lụi một cách quyết liệt để lao động miệt mài nuôi mẹ già và các con khôn lớn trưởng thành. Anh em chúng tôi đều được học hành tử tế.

Đối với tôi, mẹ thật vĩ đại, dù mẹ cũng giống rất nhiều những phụ nữ bình thường trên đất nước mình, thờ chồng, nuôi con, hy sinh tuổi xuân... Chúng tôi, những đứa con luôn tự hào về người, chỉ biết dâng lên mẹ những suy nghĩ tự đáy lòng, rằng Mẹ là người Mẹ anh hùng của chúng con.

Nguyễn Trọng Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.