Ngại cưới

28/12/2008 11:25 GMT+7

Yêu nhau, mong muốn ở bên nhau, gắn kết với nhau trọn đời nhưng lại... ngại cưới chỉ vì một vài khúc mắc “lạ lùng” khi đối diện với gia đình tương lai

Hai bên gia đình đã qua lại thưa chuyện, ngày cưới đã định, nhà hàng đã đặt. Vậy mà, trong thời gian chuẩn bị và chờ đợi niềm vui, T. Thi (23 tuổi, nhân viên marketing) lại rất căng thẳng khi được hỏi chuyện lên xe hoa về nhà chồng.

Lạc vào chốn “lạ”

Nàng cứ luôn miệng bảo: “Nghĩ đến đó mà thấy... sợ!”. Ai cũng ngạc nhiên vì Thi và chàng rất yêu nhau, nhà trai thì phóng khoáng, không xét nét, khó khăn. Hóa ra nguyên nhân là do nhà chồng... quá già! “Độ tuổi của mọi người bên ấy quá lớn. Bố mẹ thì cũng gần 80 tuổi, các anh chị thì trên 40 tuổi cả. Mỗi lần tập trung cả đại gia đình là em thấy lạc lõng, như mình không thuộc về nơi ấy vậy!”. Tâm lý mình chỉ là một “đứa con nít” khi bước vào nhà chồng là điều thường gặp với các cô dâu quá trẻ. Các nàng đều có chung tư tưởng “người già bao giờ cũng khó khăn” và nếu quá lớn tuổi nữa thì việc làm dâu lại càng vất vả, nhất là chuyện bất đồng quan điểm khi hai thế hệ quá cách xa nhau. Thế nên, nỗi “sợ” của Thi cũng là điều dễ hiểu.

Khi biết chuyện cậu bạn thân cũng đang lừng khừng chuyện cưới xin với người yêu chỉ vì “nhà nàng từ trên xuống dưới đều rặt là... nữ!”, tôi lại càng bất ngờ hơn. K. Kha, hiện đang là tổng giám đốc một công ty linh kiện điện tử, cho biết: “Bố nàng mất sớm, nhà nàng có 3 chị em, bên ngoại toàn các dì, bên nội toàn các cô. Mọi người rất quý mình, mà cũng vì quá quý nên hở tí là gọi, là nhờ. Mình chỉ có một thân sao vừa lòng hết các bên, thế là các em, các dì, các cô... lại quay ra giận dỗi, trách móc”. Nhìn Kha khổ sở vì thừa yêu thương nhưng không đủ sức gánh vác trách nhiệm khi công việc của Kha khá bận rộn, mà lại gặp cảnh “gươm lạc giữa rừng hoa”, phải chiều các thói nhõng nhẽo, yêu sách của “vương quốc nữ giới” ấy thì cũng thấy thương cho cậu bạn.

Chịu áp lực của việc cưới xin, lại phải đối mặt với nhiều thói quen sinh hoạt, nếp nghĩ... khác với gia đình mình từ gia đình phía chàng (nàng), các bạn trẻ đều gắn cho cái mác “lạ” để rồi băn khoăn việc cưới hay không? Anh chàng kiến trúc sư L. Thông thở dài kể: “Nhà tôi người miền Trung nên nấu gì cũng hay thêm tí ruốc cho đậm đà. Nàng thì nghe mùi là đã nôn thốc nôn tháo. Nàng vẫn chưa hết sợ sau mấy sự cố ăn cơm ở nhà tôi. Nàng cứ lo về nhà anh rồi chẳng nhẽ em... ăn riêng”.

Biến “lạ” thành quen

Trong nhiều nguyên nhân của sự “ngại” cưới mà các bạn trẻ đưa ra, đa số nảy sinh khi chung đụng với gia đình hai bên. Trong buổi trò chuyện chuyên đề chuẩn bị trước hôn nhân, chuyên viên tâm lý Lý Thị Mai khẳng định: “Nếu đã xác định ở chung với gia đình chồng (hoặc vợ) hoặc phải đi, về thường xuyên giữa hai gia đình thì tốt nhất là nên biết cách làm quen và chấp nhận với những “sự lạ” ở gia đình phía bên kia”.

T. Thi, giờ đã là con dâu của “ngôi nhà nhiều tuổi”, tâm sự: “Nếu ba mẹ, anh chị chồng không thể trở thành một người bạn, thì mình cứ làm tròn đạo dâu em, tập yêu thương mọi người trong gia đình chồng từng chút một thì càng ngày mình càng thấy gắn bó, gần gũi thôi”. Nhân vật sợ mùi mắm ruốc kia thì nhất quyết phải tìm giải pháp khắc phục sự cố, để mau được về nhà chàng. Nàng nhắm mắt nhắm mũi tập ăn. “Ban đầu bỏ tí ti, khi quen thì tăng “liều”, đôi khi ói mật xanh mật vàng nhưng từ từ cũng quen”- cô nàng hí hửng kể.

Đôi khi vài vướng mắc nhìn vào chẳng có gì lớn lao, nhưng các bạn trẻ lại xem đó là cả một vấn đề và loay hoay mãi không biết nên giải quyết như thế cho yên bụng nhà người mà cũng vừa bụng ta. Quan trọng là người trong cuộc phải biết chấp nhận, hy sinh và thấu hiểu cặn kẽ gia đình chồng hoặc vợ tương lai. M. Huyên, nhân viên bán hàng tại một siêu thị, chia sẻ: “Nhà anh ấy có lệ trước khi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ mọi người đều phải thắp nhang lên các bàn thờ. Tôi sợ mùi nhang nên ban đầu cũng lấn cấn lắm. Trước khi cưới, “liều” thưa chuyện với mẹ chồng xin giảm thiểu mật độ thắp nhang thì không ngờ tôi được “đặt cách” chỉ thắp vào cuối tuần. Thường ngày mẹ chàng rất kiệm lời nên cứ nghĩ bà khó, kiên nhẫn bắt chuyện mới biết là mẹ vui ghê lắm!”.

Chưa chuẩn bị chu đáo về tâm lý hoặc chưa thấu hiểu gia đình của người mình yêu dẫn đến những lo sợ không đáng có là vấn đề mà các cặp đôi trẻ thường gặp phải - một nhà tâm lý nhận định. Bằng tình yêu, bằng bản lĩnh vượt khó, dám đối mặt của những người trẻ thì hy vọng những “sự ngại” trên sẽ trở thành chuyện vặt, để việc cưới xin không rơi vào tình trạng lần khân.

Theo Đông Minh / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.