Báo Economist: Kinh tế Việt Nam sang số

28/11/2005 00:23 GMT+7

Tuần san Economist đã có bài phân tích về sự chuyển đổi của nền kinh tế VN với nhận định những cải cách đúng đắn đang làm giàu cho người VN và một tương lai tốt đẹp đang chờ phía trước. Thanh Niên xin dịch giới thiệu cùng độc giả.

Cho đến gần đây, các nhà kinh tế học vẫn thường kinh ngạc trước tốc độ của người VN chuyển từ xe đạp sang đi xe máy. Tuy nhiên, khuynh hướng đó bây giờ có vẻ lỗi thời. Các nhà quan sát hiện đang bị thôi miên trước sự chuyển đổi tương tự của người VN trước xe hơi. Tính đến tháng 8, sản lượng của ngành sản xuất ôtô nội địa tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Những chiếc xe con đột nhiên trở nên quen thuộc trên đường phố Hà Nội và TP.HCM.

Giống như những người sở hữu xe mới, nền kinh tế VN đang trên đà tăng tốc ngay cả khi khu vực Đông Nam Á phát triển chậm. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 3 quý đầu năm là  8,1%, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm qua là 7,2%. Tỷ lệ đói nghèo của VN cũng giảm nhanh song song với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, từ 58% năm 1993 xuống còn 20% trong năm 2004. Theo chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Ngân hàng thế giới tại VN Martin Rama, cứ theo đà này sự nghèo đói sẽ chỉ còn giới hạn tại các nhóm thiểu số ở những khu vực hẻo lánh.

Theo phân tích của Jonathan Pincus thuộc Chương trình phát triển LHQ, hàng triệu nông dân chuyển sang sản xuất những sản phẩm có lợi nhuận hơn là lý do chính cho tỷ lệ tăng trưởng nhanh chóng trên. Rất nhiều người đã bắt đầu trồng cà phê hay nuôi tôm trong khi những người khác làm việc trong các xưởng may mặc và giày dép. Hàng chục ngàn công ty gia đình cũng đã ra đời kể từ khi chính phủ giảm các hạn chế về kinh doanh nhỏ vào năm 2001.

Có vẻ như không có gì cản trở nổi chu trình trên, ngay cả sự xuất hiện của dịch SARS và sau đó là cúm gia cầm. Giá dầu cao cũng không gây ảnh hưởng lắm vì VN là một nhà xuất khẩu dầu lớn. Dường như nền kinh tế VN lại càng được lợi từ chủ nghĩa khủng bố trên thế giới do chính phủ đã tạo được cảm giác an toàn cho các nhà đầu tư cũng như du khách đến VN.

Tất nhiên là cũng có các vấn đề cần giải quyết. Chính quyền mới đây cũng đã thừa nhận sự thật là VN sẽ không gia nhập được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong năm nay như đã kỳ vọng. Thực ra, VN đang có nhiều tranh chấp thương mại với Mỹ và châu u, từ xuất khẩu cá da trơn đến mặt hàng xe đạp. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu VN có khả năng thích ứng khác thường. Mặt hàng tôm và may mặc trước đây bị Mỹ đánh thuế cao thì nay chuyển sang châu u. Những nông dân thua lỗ khi giá cà phê thế giới giảm (phần lớn nhờ vào đầu ra khổng lồ từ VN) thì nay đã chuyển sang trồng ca cao và tiêu. Xuất khẩu tiếp tục tăng một cách vững chắc ở mức ít nhất là 20%/năm. Như thế, các tranh chấp thương mại của VN không quá đáng ngại nhờ vào tính cạnh tranh của các nhà xuất khẩu trong nước.

Giới quan sát cũng lo ngại về hệ thống ngân hàng VN khi những ngân hàng lớn nhất nước nằm trong tay nhà nước. Phần lớn khoản vay của các ngân hàng trên, tăng 42% vào năm ngoái, rót xuống các công ty quốc doanh và chính quyền địa phương. Hồi đầu năm nay Ngân hàng trung ương đã thông qua một loạt các luật lệ chặt chẽ hơn về cho vay nhưng kết quả thì vẫn chưa rõ ràng. Ngân hàng nước ngoài thì hoạt động rất hạn chế - một trong những vấn đề tranh chấp chính trong việc chạy đua vào ghế thành viên WTO của VN. Cổ phiếu và trị trường trái phiếu cũng trong giai đoạn trứng nước mặc dù chính phủ đã phát hành trái phiếu quốc tế đầu tiên của mình hồi đầu tháng.

Tất cả những điều trên khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong huy động vốn. Hầu hết các công ty gia đình dựa vào nguồn tiết kiệm cá nhân hay kiều hối, khoảng 3,2 tỉ USD năm 2004. Các nhà kinh tế học than phiền VN có quá nhiều cá nhân buôn bán lẻ theo hộ gia đình và các công ty nhà nước lớn hay các công ty nước ngoài nhưng lại không có loại hình kinh doanh có quy mô trung bình.

Những điều đó hình như không làm chính phủ bận tâm do họ đang chú tâm vào việc kiểm soát tối đa những ngành mũi nhọn của nền kinh tế. Chính phủ VN lên kế hoạch đầu tư lớn vào ngành hóa dầu và các ngành công nghiệp nặng khác. Việc phát hành trái phiếu quốc tế sẽ nhằm thúc đẩy sự đa đạng của nhiều loại hình thương mại. Nhưng dù chính phủ tiếp tục quá trình cổ phần hóa các công ty quốc doanh, tốc độ tiến triển vẫn rất chậm. Chính phủ vừa mới tuyên bố sẽ bắt đầu bán cổ phần của 1 trong 4 ngân hàng của mình, nhưng trong suốt 5 năm qua, chỉ là một phần nhỏ được bán ra. Mục tiêu cuối cùng của chính phủ có vẻ như là hình thành một mạng lưới các công ty tư hữu hóa một phần, theo như các quy tắc về cạnh tranh và thị trường, na ná như loại hình các công ty liên doanh với chính phủ tại Singapore. Temasek, một trong những công ty cổ phần của Chính phủ Singapore, đặt văn phòng tại TP.HCM và đã bỏ vốn đầu tư vào một trong hai hãng hàng không của Chính phủ VN.

Mặt không thuận lợi dễ thấy trong chiến lược này của VN là tình trạng các quan chức tham nhũng nhiều hơn và điều hành kém hiệu quả so với Singapore. Trong khi các quan chức Singapore tranh cãi rằng họ cần áp dụng chính sách nhà nước lèo lái nền công nghiệp do nước của họ quá nhỏ và lực lượng lao động hạn chế, nhưng VN không thể viện vào những lý lẽ tương tự. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu để các doanh nhân Hà Nội và TP.HCM tự lèo lái nền kinh tế tương tự như việc họ điều khiển những chiếc xe hơi đời mới láng coóng của mình. (Economist)

Thụy Miên
(dịch)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.