"Lâu đài" riêng trong một ký túc xá

15/10/2006 21:49 GMT+7

Một tân sinh viên (SV) nữ được ưu ái thuê luôn cả căn phòng KTX để tân trang lại và sắm các tiện nghi đắt tiền để ở. Gia đình trả luôn 22 triệu đồng tiền thuê phòng cho tiểu thư của mình trong 4 năm học.

Trong khi đó, hàng trăm SV nghèo của trường này lại không còn chỗ để được bố trí trong KTX phải ra ngoài nhà dân thuê ở với giá đắt đỏ hoặc những căn phòng xập xệ, nhếch nhác...

Căn phòng số 1212, tầng 2, KTX Trường ĐH Vinh gần một tháng nay trở nên xa lạ với SV vì sự sang trọng của nó. Bên ngoài, tường được quét vôi trắng xóa. Cửa sổ được làm lại, lắp kính trông rất sang trọng. Bên trong là những tiện nghi đắt tiền mà SV con nhà nghèo có nằm mơ cũng không thể có được: máy điều hòa, máy nước nóng lạnh, vi tính, ti vi... Những SV ở những phòng còn lại của KTX luôn phải "ngước nhìn" khi đi qua "lâu đài" riêng này.

Chủ nhân của căn phòng này là tân SV L.T.Q.M, học lớp  K47B2 Quản trị kinh doanh - khoa Kinh tế  (ĐH Vinh). M. quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Bố mẹ M. là giám đốc và kế toán một công ty có tiếng ở tỉnh Thanh Hóa. Sau khi M. nhập học, gia đình đưa M. vào và nhờ quen biết, đã làm hợp đồng với Ban quản lý KTX, thuê cho M. một căn phòng ở riêng trong KTX này. Sau khi hợp đồng thuê xong, gia đình M. đã thuê hẳn một đội thợ sửa chữa lại một số hạng mục và mua sắm các thiết bị đắt tiền phục vụ cá nhân. 

Bố trí ở như vậy là sai

Ông Nguyễn Ngọc Hợi - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cho biết ông cũng vừa nghe nói về trường hợp của SV Q.M:  "Tôi đang cho kiểm tra. Nếu đúng như vậy sẽ xử lý, phải đình chỉ chứ không thể cho ở như thế! Hiện nay trường đang đổi mới, trước kia là trường quản lý KTX nhưng mới đây trường cho đấu thầu KTX nhưng không được thu quá 600.000đ/SV/tháng và phải cho SV ở cho đến khi các em không có nhu cầu nữa. Phòng quy định 8 em nhưng cho một em ở là không được rồi. Nhất quyết phải xử lý!". 

Theo quy định của Trường ĐH Vinh, KTX của trường dành cho 8 SV mỗi phòng. Phần lớn đối tượng được thuê là SV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như con gia đình chính sách, SV nghèo. Nhiều SV tỏ ra bất bình, nói với chúng tôi: "Ban quản lý làm vậy là quá thiếu công bằng. Việc bố trí 1 SV ở một phòng riêng như vậy là đã "đuổi" 7 SV nghèo ra khỏi KTX". Được biết, năm học này, còn rất nhiều SV có hoàn cảnh khó khăn vẫn không còn chỗ trong KTX để được bố trí ở, phải ra thuê nhà dân với giá đắt đỏ, hoặc thuê những căn phòng giá rẻ xây xập xệ, nhếch nhác. 

Một giảng viên khoa Ngữ văn Trường ĐH Vinh thổ lộ với chúng tôi: "Tôi đã nghe thông tin này và thật sự thấy buồn. Mới đây, sáng 9.10, một tân SV sụt sùi  nước mắt gặp tôi nói: Thầy ơi, em muốn rút lại tiền đã đóng để về quê, vì nhà em nghèo không thể học được nữa. Nhờ thầy nói giúp với trường cho em rút tiền... Tôi phải động viên mãi, bảo sẽ báo cáo lãnh đạo nhà trường giúp đỡ, em này mới tạm an tâm ở lại học".  Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Bằng, Trưởng khoa Kinh tế, nói: "Tôi chưa nắm được việc này. Nếu sự thật như các anh nói thì tôi thấy buồn, vì từ trước tới giờ ở Trường ĐH Vinh chưa từng xảy ra chuyện tương tự. Cá nhân tôi cũng không thể chấp nhận SV được bố trí ở riêng một phòng như thế. KTX là nơi dành riêng cho các SV con em chính sách, SV nghèo. Còn anh nhiều tiền thì ra ngoài mà thuê, thuê khách sạn cả 4 năm học cũng được. Đằng này, anh vào KTX thuê riêng phòng, như vậy là đuổi 7 SV nhà nghèo ra ngoài rồi".

Thực tế, năm học này, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh đã ký quyết định cho ông Nguyễn Văn Châu nhận thầu quản lý dãy nhà KTX số 1 trong số 3 dãy KTX đã xây dựng của trường. Lý do là để giảm được 3 nhân viên quản lý để chuyển sang bộ phận khác. Tuy nhiên, từ năm học này, tiền thuê phòng của dãy số 1, ông Châu lại thu mỗi 70.000 đồng/tháng, 2 dãy KTX chưa được đấu thầu vẫn giữ mức mỗi 50.000 đồng/tháng (như các năm học trước), trong khi chất lượng ở đều như nhau. Chính vì "thả nổi" cho tư nhân như vậy nên mới sinh ra chuyện "tréo ngoe" là SV nhà nghèo không có chỗ ở trong khi ông Châu ưu ái bố trí nguyên cả căn phòng cho riêng SV M. thuê luôn 4 năm học! Trường ĐH Vinh hiện có 15.000 SV đang theo học thường xuyên tại trường, trong khi đó, KTX của trường chỉ bố trí chưa đầy 1.000 SV.

Khánh Hoan - Nguyễn Phê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.