Khi cúm A/H1N1 kết hợp cùng sốt xuất huyết

06/11/2009 10:37 GMT+7

Sự kiện VN và Barbados cùng thông báo có những bệnh nhân đầu tiên đồng nhiễm cúm A/H1N1 và sốt xuất huyết đã làm dấy lên sự lo ngại về một xu hướng dịch bệnh mới.

Hôm 4-11, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A/H1N1 tổ chức tại Hà Nội, viện trưởng Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia Nguyễn Văn Kính đã thông báo hai trường hợp đồng nhiễm cúm A/H1N1 và sốt xuất huyết đầu tiên ở VN. Hai bệnh nhân đều nhập viện trong tuần rồi, xét nghiệm máu thấy tiểu cầu giảm, chứng minh bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thấy rõ, nhưng xét nghiệm PCR mẫu bệnh phẩm lại thấy bệnh nhân dương tính với cả cúm A/H1N1.

Khó chẩn đoán

“Chúng tôi đã phải sử dụng cả hai phác đồ điều trị sốt xuất huyết và cúm A/H1N1, bao gồm truyền dịch và cho uống Tamiflu” - ông Nguyễn Văn Kính cho biết. Rất may là hai trường hợp này tuy đồng nhiễm hai bệnh nhưng không ở thể nặng, nên sau gần một tuần điều trị sức khỏe hai bệnh nhân đều có tiến triển khá hơn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Nga - cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, tại Barbados (đảo quốc thuộc khu vực Caribê) cũng đã xuất hiện bảy bệnh nhân đồng nhiễm sốt xuất huyết và cúm A/H1N1 dạng này, nhưng ở thể nặng hơn và một bệnh nhân đã tử vong.

Ông Vũ Sinh Nam - phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường - cho rằng hoàn toàn có khả năng một bệnh nhân mắc cùng lúc cả hai căn bệnh cúm A/H1N1 và sốt xuất huyết, do hai căn bệnh này có hai đường lây truyền khác nhau, do hai virus khác nhau gây ra. Rõ ràng việc đồng nhiễm hai bệnh sẽ gây khó khăn hơn nhiều cho công tác điều trị do rất khó chẩn đoán và bệnh cảnh cũng nặng hơn mắc một bệnh. “Rất dễ lẫn lộn trong chẩn đoán, do bệnh nhân sốt xuất huyết những ngày đầu có dấu hiệu bệnh cảnh chưa rõ ràng, trong khi lại có viêm long đường hô hấp thì chỉ chẩn đoán cúm A/H1N1 mà dễ bỏ qua căn bệnh còn lại” - ông Nam nhận định.

Có thể là xu hướng mới?

Trong tình hình dịch sốt xuất huyết và cúm A/H1N1 đang diễn biến nghiêm trọng tại VN, ông Vũ Sinh Nam cho rằng cần để ý đến xu hướng đồng nhiễm này. Theo ông Nam, về nguyên tắc, với hai đường lây truyền khác nhau bệnh nhân có khả năng nhiễm cả hai bệnh. Nhất là trong tình huống muỗi gây sốt xuất huyết đốt và hút máu vào ban ngày, khi người bệnh đi đón con ở nhà trẻ, đi ăn... khiến nhân viên y tế khó theo dõi dịch tễ.

Trong lúc đó, bệnh nhân hoàn toàn có thể tiếp xúc với người nhiễm cúm A/H1N1 và lây thêm bệnh cúm. Năm nay 81% người nhiễm sốt xuất huyết ở VN là nhiễm type D1, những người chưa có miễn dịch với các type còn lại vẫn có khả năng mắc bệnh ở những năm sau, và do đó vẫn có khả năng đồng nhiễm cúm và sốt xuất huyết.

Cũng theo ông Nam, do xu hướng mới này, việc tập huấn cho nhân viên y tế các tuyến trong điều trị cúm A/H1N1 cần cập nhật thêm phần đồng nhiễm cúm A/H1N1 và sốt xuất huyết, do bệnh nhân mắc đồng thời hai bệnh cần sử dụng cả hai phác đồ điều trị cùng lúc. Việc xét nghiệm tìm nguyên nhân và chẩn đoán cũng cần kỹ càng hơn, do dấu hiệu bệnh lẫn lộn khó xác định hơn nhóm bệnh nhân nhiễm một căn bệnh sốt xuất huyết hoặc cúm A/H1N1, nhất là trong tình hình cả hai loại dịch bệnh này đang cùng có số người mắc lớn ở VN.

Theo Lan Anh / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.