Đi mua sách mùa giảm giá

23/11/2006 21:50 GMT+7

Những tháng cuối năm, thường thì đi ngang qua bất kỳ hiệu sách nào cũng dễ thấy những quầy, những kệ bày vô khối sách với những tấm bìa in đậm: giảm 20% - 30%... thậm chí lên đến 80%. Trong thời buổi thị trường này, xem ra sách - một mặt hàng "quý tộc" - phải như bao nhiêu thứ hàng hóa, vật dụng khác, cũng "sale off" "big sale" mới mong tồn tại...

Có lẽ đó là lý do khiến dân mê sách mà túi tiền... hơi nhẹ thường mong đến những mùa giảm giá trong năm. Lại có tin mừng, những năm gần đây "mùa giảm giá" xảy ra... quanh năm! Nào là mừng các ngày lễ lớn, mừng ngày thành lập nhà sách, mừng ngày thành lập siêu thị...

Nói đâu xa, chỉ trong vòng 2 tháng gần đây, hết Nhà sách FAHASA, nằm trong Co-op Mart Cần Thơ bày ra tuần sách giảm giá thì hiện nay lại đến Nhà sách Phương Nam Cần Thơ cũng trưng ra một quầy giảm giá không kém phần hoành tráng. Thế nên, dân mê sách thì mừng, chỉ khổ cho các nhà văn, nhà thơ cứ thấp tha, thấp thỏm không biết "đứa con tinh thần" của mình có "bị" bày ra trong mùa giảm giá.

Lại có một mâu thuẫn khá thú vị, số phần trăm giảm giá lại không hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ đầu tư và giá trị của cuốn sách. Những loại sách giảm giá độ chừng 10% - 20% đa phần là loại sách nữ công gia chánh, mẹo vặt gia đình, thủ thuật tin học căn bản, sách học ngoại ngữ (tác giả thường không mấy nổi tiếng). Trong khi đó, những cuốn sách giảm giá đến 70% - 80% lại là những cuốn mà có nằm mơ cũng không thấy. Tỷ như tôi đã tha về từ Nhà sách Phương Nam Cần Thơ những cuốn: Tổng quan báo chí Việt Nam năm 2004 (in màu lộng lẫy) giá bìa 150 ngàn đồng giờ chỉ còn... 30 ngàn; cuốn Tiểu thuyết Nam Bộ cuối TK 19 đầu TK 20 dày 990 trang, bìa cứng với giá cực "bèo" 22 ngàn đồng; hoặc là cuốn Vũ Trọng Phụng Chống nạng lên đường (chùm sáng tác đầu tay của nhà văn vừa phát hiện) bìa cứng, in đẹp hẳn hoi với giá chỉ 15 ngàn đồng. Thật may, cuốn Viết về bè bạn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn chỉ giảm giá có 20% mà thôi (xem như là đỡ khổ cho một nhà văn vốn đã có cuộc sống khá là khó khăn).

Trước đó, tại Nhà sách FAHASA Cần Thơ, tôi đã lùng được mấy cuốn Con đường đau khổ của A.Tonxtoi, 774 trang, giá 20 ngàn đồng; Victor Hugo - Bí ẩn cuộc đời của A.Maurois, 800 trang, giá 30 ngàn; lại thêm cuốn Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu TK 20, 620 trang khổ lớn giá chỉ 35 ngàn đồng. Chỉ mất có 150 ngàn đồng mà tủ sách gia đình đã được bổ sung khá nhiều sách quý. Những loại sách văn chương, khảo cứu như vậy thường thu hút khá đông người tìm mua là các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu, các nhà báo... ở độ tuổi từ U.40 - U.50. Lứa tuổi trẻ hơn thường tìm sách "thời thượng" với mức giảm chỉ 10 - 20%.

Thế nhưng đằng sau cái hào hứng ban đầu theo cái "tâm lý tiểu nông" mua được hàng giá hời thì đa phần người có suy nghĩ lại đắng chát với một thực trạng sao mà bao giá trị văn hóa lại bèo bọt đến vậy. Đã có rất nhiều cuốn sách rất có giá trị nhưng không được giới truyền thông đánh động, người cần mua lại không biết rằng đã có chúng hiện diện trên cõi đời này. Có người lý giải rằng sách hiện nay được dựng lên trên một mặt bằng giá quá cao so với giá thành; có giảm giá vậy người bán vẫn có lời. Và lại có thể nghĩ rằng, hiện nay đang tồn tại một thực tế là lớp trẻ thường mua sách theo mốt thời thượng, theo phong trào, thường thì các báo giới thiệu cuốn nào tìm mua ngay cuốn đó cho tiện.

Thế nên biết bao nhiêu cuốn có giá trị như một loạt đầu sách của nhà văn Nguyên Ngọc, Cao Huy Thuần, Phùng Quán hay Nhật ký Chu Cẩm Phong... nếu được in ra vào lúc các độc giả biết "tư duy lại cách mua" biết đâu lại chẳng gây ra một cơn sốt kém gì những cuốn vốn được mang cái mác giải thưởng văn chương gì đó mà truyền thông vốn phải thông tin.

Hồng Hạnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.