Nóc không chồng

29/10/2008 23:03 GMT+7

Khi chúng tôi đến thôn 2 xã Trà Mây (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), người dẫn đường chỉ vào một xóm ven sông, hạ giọng nói: "Đó là nóc không chồng!". Bấm vào đây để nghe đọc bài này

Băng qua một chiếc cầu dài chừng 50m, là đến nóc. Nóc không chồng nằm lặng lẽ đìu hiu bên bến Nước Xa (xã Trà Mây)  với khoảng 30 căn nhà, chủ yếu là tranh tre nứa lá, tịnh không một bóng nhà xây. Con đường vào nóc nhỏ hẹp và trơn trượt vì sỏi rải dưới chân đã thấm nước mưa. Chỉ lối vào thôi cũng đủ thấy thiếu vắng bàn tay của người đàn ông ở nóc này.

Mấy đứa trẻ ở nóc, thấy người lạ đến không chạy vội ra mừng mà đứng trước nhà, ôm cột e dè, sợ sệt. Chúng không giống những đứa trẻ Xê-đăng và Ca-doong mà chúng tôi gặp trên thị trấn Tắc Pỏ, luôn hào hứng khi khách lạ đến. Nhưng trẻ con ở đây rất lễ phép. Khi nghe hỏi thì vòng tay thưa dạ rất mực ngoan hiền.

Đứng trước một căn nhà tuềnh toàng, bốn bề gió lùa vây khắp, cảm giác chỉ cần một cơn gió lớn cũng đủ xô sập ngôi nhà này. Trên sàn nhà, một đứa bé nằm co quắp không một mảnh chăn. Gọi thật lâu mới có chủ nhà chạy ra. Một cô gái rất trẻ, tóc tai chưa được chải bới, mặt vẫn còn vẻ ngái ngủ. Sau một hồi thăm hỏi về những đứa trẻ con trong xóm, về đường sá, về cuộc sống, cô chủ mới chịu mời khách vào nhà. Trong câu chuyện đan xen, chuyện tình của cô sơn nữ tên V. 26 tuổi, người dân tộc Xê-đăng cũng được mở ra.

 

Những đứa trẻ ở bến Nước Xa

Cô không ở thôn này, mà là người của thôn khác, thỉnh thoảng sang thăm bạn gần công trình xây dựng cây cầu bắc ngang qua khu vực Nước Xa. Chưa từng yêu ai, nên khi nghe những lời chọc ghẹo của đám công nhân làm cầu, cô đã rất thẹn thùng nhưng lại thích thú. Mối tình của cô với cha đứa bé bây giờ cũng nảy sinh từ đó. Không một kiến thức về sức khỏe sinh sản, cái thai trong bụng - từ mối quan hệ của cô và anh chàng công nhân trẻ tuổi người Kinh - ngày càng lớn lên. Khi cô hạ sinh đứa bé, cũng là lúc chiếc cầu hoàn thành, chàng công nhân trẻ lại tiếp tục đến một công trình khác, ở một nơi nào đó mà sau hàng trăm cuộc thăm hỏi, cô cũng không tài nào tìm ra. Vậy là một thân một mình, không chịu được sự xỉa xói và khinh miệt của gia đình, cô lên đây và tự chặt cây, dựng nhà ở. Để nuôi dưỡng đứa con trai 5 tuổi của mình, V. đã không từ nan việc lên rừng, vào tận trong núi sâu để mưu sinh, hái rau rừng đem bán, cật lực làm rẫy để lo cho con có cái ăn, cái mặc. Hỏi giờ có giận cha của đứa bé không, V. lắc đầu: "Lâu rồi nên cũng quên!". Mắt cô xa xăm...

Chia tay V., chúng tôi lại vào một căn nhà tranh nhỏ cạnh đấy. Nhà ngoài 3 đứa bé và một cô gái nhỏ tự xưng là hàng xóm sang chơi, thì không còn ai khác. Mẹ những đứa bé đã đi rẫy từ nhiều ngày nay. Cô gái hàng xóm thuật lại: "3 đứa 3 cha khác nhau. Lần mô chỉ cũng được hứa hẹn sẽ cưới, rứa rồi đến khi bụng mang dạ chửa là không thấy mấy ổng mô hết! Rồi lại tự đẻ, tự nuôi. Mà 3 đứa, đứa nào cũng dễ nuôi, cứ vứt ra đó, nó lớn lên như khoai, như ngô!"... Nghe nhắc đến chuyện của mình, cậu con trai lớn chừng 5-6 tuổi nguýt dài cô gái hàng xóm. Còn nhỏ, nhưng xem ra cậu biết lo cho 2 đứa em, qua kiểu chơi với em, cho em ăn và ru em ngủ. Hẳn cậu bé đang mong sớm lớn khôn để trở thành trụ cột của căn nhà này...

Bao nhiêu ngôi nhà ở bên bến Nước Xa là bấy nhiêu nỗi cô đơn và sự chịu đựng của những cô sơn nữ. Trước khi rời nơi đây, chúng tôi  nghe người dẫn đường - một cán bộ huyện Nam Trà My - trò chuyện với một gia đình sống gần nóc không chồng. Người đàn bà Xê-đăng tuổi ngoại tứ tuần, vừa kể chuyện, vừa cười xuề xòa: "Mấy đứa đó khổ lắm, thấy tụi nó cứ xoay xở trong những căn nhà rách nát mà không biết giúp cách chi. Thân con gái rứa đó! Mà đứa mô cũng xinh xắn mới tội chớ. May mà có cái bến ni, cho tụi nó cùng xúm vô mà sống, cùng cảnh ngộ dễ chia sẻ, chớ không thì cũng khó sống". Nghe mà xót xa...

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.