Lãi suất tiền đồng sẽ tăng?

20/11/2007 23:57 GMT+7

Cuối tuần trước, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng tới mức chóng mặt: lãi suất qua đêm của tiền đồng vọt lên mức 12%/năm.

 Vào ngày thứ sáu (16.11), không chỉ có lãi suất qua đêm tăng đột biến, các kỳ hạn ngắn hơn cũng tăng với mức phi mã: lãi suất kỳ hạn 2 tuần trên thị trường liên ngân hàng có lúc vọt lên 15%/năm. Đây là mức lãi suất ngân hàng cao chưa từng thấy trong những năm gần đây, kể cả vào thời điểm cuối năm. Vào cuối giờ chiều ngày 16.11, lãnh đạo của khá nhiều ngân hàng cổ phần, ngân hàng nước ngoài đều không hiểu lý do vì sao lãi suất liên ngân hàng cực cao nhưng các ngân hàng quốc doanh dù vẫn rất dư vốn, lại không cho họ vay khiến thị trường càng thêm nóng bỏng.  Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội nói với Báo Thanh Niên: "Không thể hiểu gì cả. Mấy ông quốc doanh định làm gì đây không biết? Lãi suất liên ngân hàng mà tăng thế này thì chẳng mấy chốc mặt bằng lãi suất chung về huy động và cho vay cũng sẽ tăng mất". Trên thực tế, "cơn điên" lãi suất liên ngân hàng này đã bắt đầu 2 ngày trước đó và lên tới đỉnh điểm vào cuối tuần.

Ngân hàng quốc doanh nói gì?

Trao đổi với Báo Thanh Niên, nguồn tin từ bộ phận quản lý nguồn vốn Ngân hàng Công thương Việt Nam cho biết, vào thời điểm cuối năm nào, tình trạng khó khăn về tiền đồng cũng diễn ra mang tính thời vụ. "Khi thị trường khó khăn, ai cũng phải thủ thế để đảm bảo khả năng thanh toán của mình nên không cho vay ra chứ chúng tôi cũng không có ý định gì khác", nguồn tin này nói. 

Còn một lãnh đạo cao cấp thuộc bộ phận nguồn vốn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận xét: "Đúng là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng cực mạnh nhưng cầu về các khoản vay lãi suất cao này không lớn lắm. Đây cũng là hậu quả của việc một số ngân hàng đã sử dụng vốn liên ngân hàng (ngắn hạn) để cho vay các dự án có thời hạn dài hơn. Khi thị trường đảo chiều họ phải chấp nhận thôi". Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhận định, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiền đồng trên thị trường sẽ không biến động mạnh như thị trường liên ngân hàng và biến động trên thị trường liên ngân hàng cũng chỉ ngắn hạn, có thể sẽ giảm vào tuần này.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank nhận xét: cơn sốt quá mức trên thị trường liên ngân hàng cũng một phần do yếu tố tâm lý. "Khi khó khăn, ai cũng thủ thế và khi ai cũng thủ thế (giữ tiền đồng để đảm bảo khả năng thanh toán cho mình - PV) thì càng ít người cho vay, khiến cho thị trường càng thêm khó khăn hơn" - ông Thanh nói.

Can thiệp

Trả lời Báo Thanh Niên về khả năng tăng của mặt bằng lãi suất tiền đồng, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN khẳng định: "Mặt bằng lãi suất tiền đồng trên thị trường sẽ không có biến động lớn, lãi suất về cơ bản sẽ ổn định". Ông Bảo cũng cho biết 4 nguyên nhân khiến cho mặt bằng lãi suất khó có khả năng biến động mạnh. Thứ nhất, vào thời điểm hiện tại, về cơ bản, cung cầu về vốn là bình thường. Thứ hai, cho đến nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đã đạt hoặc vượt các mục tiêu về huy động vốn và cho vay của năm 2007. Thứ ba, lãi suất USD trên thị trường quốc tế đang có xu hướng giảm. Thứ tư, chủ trương về mặt chính sách tiền tệ của NHNN là điều hành linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định lãi suất trên thị trường.

Trong khi thị trường liên ngân hàng căng thẳng về khả năng thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã lập tức bơm tiền ra để ứng cứu. Ngày 15.11, NHNN đưa ra 500 tỉ đồng thông qua việc mua vào các giấy tờ có giá ngắn hạn, ngày 16.11 là 2.000 tỉ đồng, ngày 19.11 (thứ hai) tiếp tục đưa thêm ra 2.000 tỉ đồng và 20.11 đưa ra 3.000 tỉ đồng, để "hạ nhiệt" cho thị trường liên ngân hàng. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết: việc bơm tiền ra này không ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát giá cả bởi đây chỉ là việc đưa tiền ra để đáp ứng tính thanh khoản cho các ngân hàng trong thời gian ngắn từ 5-7 ngày, sau đó tiền lại được hút về.

Sau khi có sự can thiệp mạnh của NHNN, thị trường liên ngân hàng đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, các ngân hàng đặc biệt là các ngân hàng cổ phần vẫn không cảm thấy thực sự an tâm. Ông Vũ Đức Nhuận, Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Hàng hải dự báo, mặt bằng lãi suất chung trên thị trường có thể nhích lên bởi 2 lý do: thứ nhất là do nhu cầu tiền đồng vào cuối năm mang tính thời vụ nên thường là cao, thứ hai, các biện pháp kiểm soát việc tăng giá của NHNN sẽ có tác động đến mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có tiếng tại Hà Nội thì nhận định, đầu tháng 12, mặt bằng lãi suất có thể được nhích lên bởi các ngân hàng muốn đảm bảo khả năng thanh toán ổn định của mình và để đáp ứng nhu cầu vốn cuối năm.

Hoàng Ly 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.