Từ biệt Đắk Nông

21/11/2009 15:58 GMT+7

Trong ký ức những thanh niên Sài Gòn đã “hồi gia”, Đắk Nông như một huyền thoại. Với họ, vùng cực nam Tây Nguyên này đầy ắp những kỷ niệm vui buồn trong suốt tháng ngày “cày ải” để làm lại cuộc đời ở... tuổi đôi mươi.

Họ đến và đi. Chỉ còn màu xanh của những vạt mì, luống khoai, cây điều... ở lại soi mình bên hồ Doãn Văn lộng gió. Đắk Nông vẫn đẹp, vẫn huyền ảo. Nhưng người đi thì như kẻ bạc tình, không mong ngày trở lại.

1. Khá lâu, kể từ khi vai mang túi xách, cổ quàng máy ảnh tất tả cùng các ca sĩ Phương Thanh, Đoan Trang, Quang Vinh... chạy sô giữa đại ngàn Đắk Nông, nay tôi mới có dịp trở lại vùng đất này. Quốc lộ 14, đoạn qua thị trấn Kiến Đức hồi trước xe chạy bon bon, giờ đầy ổ gà và có nguy cơ sẽ “nâng cấp” thành ổ voi, ổ trâu, dù những chuyến xe thăm nuôi đã thưa nhiều so với trước. Bù lại, hai bên quốc lộ, rừng xanh hơn. Công bằng mà nói, nếu không có hàng chục ngàn học viên từ TP.HCM lên đây cai nghiện, lao động sản xuất, không dễ gì có thể phủ xanh những cánh rừng “trọc đầu” ở Đắk Nông do nạn đốt rừng làm rẫy của những người di dân tự do để lại. Nhưng không như hồi những năm 2003-2004 khi TP.HCM mới phát động tuyên chiến với ma túy. Lúc cao điểm có hơn 30.000 người nghiện được đưa về cai ở 20 “trường giáo dục lao động - giải quyết việc làm” (GDLĐ-GQVL). Trong đó, trường GDLĐ-GQVL số 1 (gọi tắt là Trường 1), Trường 5 và Trường 6 ở Đắk Nông do Lực lượng TNXP TP.HCM quản lý, mỗi trường phải “cắt cơn”, nuôi ăn 2.000 - 3.000 người nghiện mỗi ngày. Hồi ấy, những cánh rừng Đắk Nông luôn bị đánh thức bởi nhiều khách lạ. Sáng sáng học viên túa ra khắp các cánh rừng. Họ trồng rau xanh, trồng mì, khoai, ớt, điều và nhiều nông sản khác để tự nuôi thân. Đó là “bài học” đầu tiên mà họ buộc phải trải qua để hiểu hơn về  giá trị lao động. Từ xa, nhìn họ như những cái bóng di động màu xanh, trông thích mắt. Hình ảnh sôi động ấy giờ khó tìm. “2 - 3 năm trước, vào mùa thu hoạch hột điều, mỗi học viên phải lượm cho được 100 kg hột mới coi là hoàn thành định mức khoán. Mùa điều năm nay, trái rụng vàng dưới gốc cũng không đủ người nhặt”, một cán bộ Trung tâm Phú Văn nói với chúng tôi như vậy.

2. Hôm đoàn cán bộ MTTQ TP.HCM đến thăm Trường 5, anh Châu Luận Quang - Giám đốc trường cho biết, lúc cao điểm đơn vị anh từng tiếp nhận xấp xỉ 2.500 học viên, nay chỉ còn khoảng 400 người. Đến Tết này, số học viên trường sẽ còn giảm nữa. Phần lớn học viên hoàn tất 2 giai đoạn cai nghiện đều đã tái hòa nhập cộng đồng. Tính cả ở 20 trung tâm, trường, số lượng học viên còn khoảng 20% so với 4-5 năm trước. Có thể nói, các trung tâm, các trường cai nghiện đã hoàn thành nhiệm vụ “3 giảm” mà chính quyền TP.HCM đặt ra. Gọi “hoàn thành nhiệm vụ” vì ít ra 3 - 4 năm qua, cuộc sống người dân TP.HCM có vẻ bình yên hơn. Nhưng “lợi bất cập hại”. Hôm làm việc với Trường 5, ông Mai Hồng Phong - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Q.8 đã không ngần ngại nói thẳng: “Tại mình không biết được cụ thể nên nói tỷ lệ tái nghiện chỉ mười mấy phần trăm thôi. Chứ theo tôi, cứ 10 người về thì đến 7-8 người tái nghiện rồi”. Trong đoàn đi có một cán bộ Phòng PC11 Công an TP.HCM, nhưng không thấy vị cán bộ này phản ứng gì trước câu nói của ông Phong. Trưởng đoàn - ông Nguyễn Đình Sáng - Trưởng phòng Phong trào MTTQ TP.HCM cũng khẳng định: “Người hồi gia tái nghiện là điều không thể không xảy ra”. Chưa thể kiểm chứng được số tỷ lệ... kinh hoàng như ông Phong nêu chính xác tới đâu, chỉ biết rằng tỷ lệ tái nghiện do Công an TP.HCM và các cơ quan chức năng của TP.HCM công bố thời gian qua, lần sau bao giờ cũng cao hơn lần trước và chưa thấy có dấu hiệu tỷ lệ... chết người này sẽ dừng lại.

 

Ảnh: Nguyên Thủy

Không biết rồi đây khi các trường, các trung tâm cai nghiện hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của mình, người Sài Gòn có còn được ăn ngon, ngủ yên?

3. Hôm đến thăm trường, chúng tôi được dẫn bộ đi tham quan các lớp học bổ túc văn hóa. Sau đó, đi thăm xưởng gia công bóc, cạo hạt điều; thăm nơi ăn ở của học viên; thăm trại chăn nuôi heo; ao nuôi cá và cuối cùng là thăm các “cậu ấm” đang nhổ cỏ lang, trồng ớt ở một góc rừng cạnh bờ hồ. Tất cả chỉ diễn ra trong khoảng thời gian hơn một tiếng đồng hồ. Rõ ràng là đi bộ. Vậy mà có người bảo là... “cưỡi ngựa xem hoa”!

Tại xưởng bóc, cạo hột điều, tôi gặp một thanh niên tuổi chừng 24, có vẻ là “tay chơi” tên Lê Phúc T. Tưởng em ở Tôn Đản, Q.4, hay cư dân Mả Lạng, Cầu Kho - TP.HCM lên. “Không phải, em ở Đăk R’Tik - Đắk Nông”. Tôi hơi chưng hửng. Hóa ra, ở cái xứ thâm sơn cùng cốc này cũng... Đúng là ma túy! “Con ma” này không chừa một ai. Được biết, có 38 học viên cũng là dân Đắk Nông đang cai nghiện trong  Trường 5. T. kể tỉnh bơ, rằng em “chơi” từ lúc còn là học sinh phổ thông. “Hàng trắng” hẳn hoi. Học xong lớp 12 thì T. nghỉ, ở nhà trông coi hệ thống nhà hàng, dịch vụ câu cá, karaoke, mát-xa... của gia đình. Vừa làm vừa... chơi heroin. Nếu không được bác em phát hiện, khai báo có lẽ T. đã có thâm niên nghiện ngập cao chứ không chỉ  “mới chơi được 2 - 3 năm gì đó...” như T. nói. Công an Đắk Nông gửi T. vào Trường 5 được 21 tháng. Như vậy, theo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2009), chỉ còn 3 tháng nữa T. sẽ hồi gia. “Về kỳ này, T. bỏ hẳn heroin chứ?”, tôi hỏi. T. ngập ngừng: “Cũng chưa biết được chú ơi! Nhưng có lẽ là vậy...”.

4. Hôm ở Đắk Nông, tôi được cô cán bộ Trường 5 tên Hồng bố trí nghỉ tại khu nhà gỗ cạnh hồ Doãn Văn. Cô nói giọng Bắc như chim hót. Xế chiều, nắng trải khắp mặt hồ, lung linh. Và gió giật mạnh từng cơn, có vẻ như còn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 11 vừa lướt qua đây. Bên hồ chỉ có tôi và “cô em Bắc kỳ nho nhỏ”. Khung cảnh thật lãng mạn. Hồng cho biết, cô tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội - nhân văn cách đây không lâu và mới lên Đắk Nông nhận việc được 3 tháng. Trẻ, có nhan sắc, có học vấn; tương lai rộng mở  phía trước. Vậy mà Hồng lại bỏ thành phố, chấp nhận về nơi rừng rú này chung sống với những người lầm lỡ, nhiễm bệnh. Đó không phải là cách lựa chọn thường gặp ở những bạn trẻ thị thành. Khó có lý giải, chỉ có sự cảm phục.

Hồng cho biết, nhiệm vụ của cô là “tư vấn” cho người nghiện, cả về sự tác hại của nó cần phải xa lánh lẫn những chuẩn bị về tâm lý để họ khỏi bỡ ngỡ khi trở lại cộng đồng. Hồng bảo, sau khi cai nghiện xong những học viên về lại thành phố là công dân bình thường. Họ cần được đối xử như người bình thường. Thậm chí họ còn học được ở trường những điều mà trong “trường đời” không phải ai cũng học được. Đó là ý chí, nghị lực, sự chịu đựng. Biết đâu họ có thể sẽ vững vàng hơn trong cuộc sống còn nhiều nghiêng ngửa hơn những người khác? Nhưng, thói đời không phải ai cũng nghĩ vậy. Cái “lý lịch” từng nghiện ngập không hề dễ xóa. Rồi nghi kỵ. Rất khó cho họ trong việc kiếm được một chỗ làm. Cô phải giúp họ dám đối diện với sự nghiệt ngã ấy và tìm cách vượt qua nó. Cô xung phong về rừng cũng vì vậy...

Câu chuyện của Hồng có vẻ gì như... TNXP thời lên rừng, xuống biển mà tôi từng biết qua những ca khúc thấm đẫm sự háo hức, say sưa với lý tưởng cách mạng của tuổi trẻ Sài Gòn những năm mới giải phóng.

Trên đường về lại TP, ở một khúc quanh thuộc địa phận Đăk R’Tik, huyện Tuy Đức, tôi nhìn thấy hai anh chàng, có lẽ vừa được “hồi gia” đang đứng ngoắc chiếc xe đò Sài Gòn - Đắk Nông. Họ đang làm lại cuộc đời. Và cũng như nhiều học viên khác, Đắk Nông dù có đẹp bao nhiêu thì chắc hai anh chàng này cũng xin... từ biệt không hẹn ngày trở lại! 

Nguyên Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.