Năm 2007 CDMA tại Việt Nam sẽ có một “khuôn mặt” khác

17/11/2006 20:20 GMT+7

Sau hơn 3 năm hoạt động tại Việt Nam, các mạng CDMA vẫn chưa tìm được một vị trí xứng tầm trên thị trường thông tin di động Việt Nam. Các mạng CDMA sẽ có triển vọng ra sao trong những năm tới ? Sáng 17.11, báo Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng giám đốc Qualcomm (Tập đoàn phát minh ra công nghệ CDMA) tại Việt Nam, Lào, Campuchia.

*Sau nhiều năm phát triển, tại hầu hết các nước trên thế giới (trong đó có cả Việt Nam), công nghệ GSM vẫn chiếm ưu thế dù CDMA được quảng bá rất mạnh là công nghệ của tương lai. Ông nghĩ gì về điều này?
 
-Ông Hoàng Ngọc Diệp: Đó là một góc nhìn của nhiều người nhưng có 3 vấn đề cần phải lưu ý.

Thứ nhất, gọi là CDMA (S-Fone) có mặt tại Việt Nam nhưng từ khi được cấp giấy phép đến khi xây dựng mạng lưới đã mất khá nhiều thời gian nên tất cả các mạng CDMA đều đi sau GSM từ 9 – 10 năm. Việc GSM thống trị thị trường thì cũng giống như các nước khác thôi và cũng là điều dễ hiểu. CDMA sẽ từ từ phát triển và cần có thêm thời gian. Thêm vào đó, các nhà khai thác CDMA tại Việt Nam là những nhà khai thác thiếu kinh nghiệm nên họ cũng cần có thời gian để hoàn thiện bộ máy.

Thứ hai, mặc dù nhiều nhà cung cấp thông tin di động của Việt Nam công bố các con số thuê bao khá lớn nhưng số lượng thuê bao thực sự hoạt động vẫn chưa nhiều, chủ yếu là các sim trả trước dùng một lần rồi bỏ. Tiềm năng của thị trường thông tin di động Việt Nam còn rất lớn.

Thứ ba, công nghệ 3G CDMA không chỉ là thoại (voice) và tin nhắn (SMS). Khi nào các nhà khai thác sử dụng được những điểm ưu việt của công nghệ CDMA và tạo điều kiện cho cộng đồng công nghệ thông tin đưa ra nhiều ứng dụng cho cả điện thoại cố định và di động thì người ta mới thực sự hiểu được sức mạnh của CDMA đến mức nào. Tôi tin tưởng là chỉ trong năm tới (2007), CDMA tại Việt Nam sẽ có một khuôn mặt khác.

*Trong một phim Hàn Quốc đang được chiếu, diễn viên dùng điện thoại di động tự quay cảnh mình độc thoại rồi gửi cho người yêu xem lại cảnh đó một cách dễ dàng. Bao giờ các mạng CDMA tại Việt Nam có thể làm được điều đó?
 
-Ông Hoàng Ngọc Diệp: Thực ra, với nền EVDO mà S-Fone đang triển khai, không những nhà khai thác có thể làm được điều đó mà còn có thể cho phép khách hàng nói chuyện trực tiếp qua video call chứ không cần quay rồi mới gửi. EVN Telecom và Hanoi Telecom cũng có thể thực hiện được điều này bởi công nghệ là như nhau. Ở đây tôi xin nhấn mạnh về mặt công nghệ là đã sẵn sàng, vấn đề là các ứng dụng, thị trường và phương pháp tiếp thị, hỗ trợ cho người sử dụng.

*Theo ông được biết, tại những quốc gia mà trước đó GSM chiếm ưu thế, có quốc gia nào CDMA phát triển sau nhưng lại chiếm ưu thế không?
 
-Ông Hoàng Ngọc Diệp: Một trong những quốc gia điển hình là Mỹ. Nước này có cả GSM, TDMA (tượng tự như CDMA) và sau này mới đưa CDMA vào. Hiện giờ thì CDMA chiếm 70% - 80% thị phần: Virizion, Spring là 2 mạng viễn thông hàng đầu của Mỹ đều là CDMA 1X. Tôi cũng xin lưu ý là CDMA 1X mới chỉ đưa ra vào năm 2000 và năm 2002 các nhà cung cấp mới thực sự bắt đầu ứng dụng thực sự. Thế nhưng số lượng thuê bao CDMA 1X trên toàn cầu đã là 400 triệu và vẫn đang phát triển với tốc độ rất nhanh.

*Vậy ông bình luận gì về sự kiện Tập đoàn sản xuất máy di động só 1 thế giới là Nokia đã tuyên bố không tiếp tục hỗ trợ CDMA như một định hướng chiến lược trong tương lai?

-Ông Hoàng Ngọc Diệp: Theo như đánh giá của tôi, Nokia đi vào lĩnh vực CDMA 1X sau một số nhà sản xuất khác nên có thể họ không thấy được tương lai cho vị thế số 1 của họ như với công nghệ GSM. Tuy nhiên, cũng có thể một ngày gần đây họ lại công bố tiếp tục với CDMA thì sao. Tuy nhiên, đây là một tin vui đối với nhiều nhà sản xuất khác bởi một đối thủ đáng gờm của họ đã bỏ cuộc chơi. Vấn đề cốt lõi là có hàng chục nhà sản xuất máy đầu cuối CDMA và hàng trăm mạng CDMA trên toàn thế giới sẽ vẫn tiếp tục với công nghệ CDMA.

*Về mặt công nghệ thì CDMA có thể những ưu điểm so với GSM nhưng về mặt thiết bị đầu cuối thì công nghệ GSM lại tỏ ra vượt trội với số mẫu máy di động nhiều hơn hẳn và giá cả cũng rẻ hơn rất nhiều. CDMA liệu có thể khắc phục được yếu điểm này?

-Ông Hoàng Ngọc Diệp: Thực ra thì giá của máy CDMA cũng đã giảm rất nhiều rồi. Tại Ấn Độ và Trung Quốc đã bán những chiếc máy di động CDMA dưới 40 USD. Trước đây, bình thường một chiếc điện thoại di động cần 4 chipset nhưng hiện nay Qualcomm đã đưa ra thiết bị chỉ cần 1 chipset thay vì 4 trước đây và đã cung cấp cho các hãng sản xuất máy đầu cuối. Đây là một yếu tố sẽ làm giá thành rẻ hơn. Thêm vào đó, cùng với sự phát triển rất mạnh của các thuê bao CDMA, giá thành của máy đầu cuối sẽ tiếp tục giảm do số lượng sản xuất nhiều hơn.

*Xin cảm ơn ông!

H.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.