Về miền địa đầu Tổ quốc

15/11/2005 15:29 GMT+7

Khi nghĩ về miền địa đầu - vầng trán Tổ quốc, hai từ Đồng Văn tự lâu đã ẩn sâu trong tiềm thức bao người con đất Việt. Nơi đó là cao nguyên đá, quanh năm mây phủ, địa hình chia cắt dữ dội; nơi đó người Mông, người Dao, người Tày… lèn ngô, lèn lúa vào đá mà sống; nơi đó cột cờ Lũng Cú ngày đêm phần phật tung bay!

Sống trên đá chết vùi trong đá
 
Đó là câu nói cửa miệng của người Đồng Văn, và cũng sẽ là ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với bất kỳ ai khi về nơi này. Nếu như mũi Cà Mau, mảnh đất chót cùng của Tổ quốc, có bãi bồi rộng mênh mông vươn ra biển, thì huyện Đồng Văn (Hà Giang) - điểm nhô ra cao nhất trên bản đồ đất nước, có đến 85% diện tích là đá.

Núi đá, ruộng đá, lởm chởm đá chông, đá tai mèo với màu xám ngắt, lạnh lùng. Người dân ở đây chia đá ra hai loại: đá cho người sống và đá cho người chết.

Người sống lấy đá xếp quanh mồ cho người chết; người sống lấy đá xếp quanh nền nhà, tạo thành chỗ ở vững chắc, kiên cố như thành lũy. Đá còn dùng để xếp thành chuồng trâu, chuồng bò. Trên nương, đá xếp thành vòng cung giữ đất, giữ nước. Trên sườn núi, đá xếp thành ruộng bậc thang, đá giữ lại vài dúm đất nhỏ nhoi, giữ giọt nước trong để gieo hạt lúa, hạt ngô; trồng cây đậu, cây rau.

Trước ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, vùng cao nguyên Đồng Văn chỉ là 1 đơn vị hành chính cấp huyện, trụ sở huyện lỵ đóng tại Phó Bảng. Sau này, cao nguyên đá được chia làm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Vượt qua cổng trời Quản Bạ, đến ngã ba Viềng (Yên Minh), miền đá Đồng Văn hiện ra, trải dài như vô tận, hun hút chân trời.

Đường Hạnh Phúc từ Hà Giang đến Đồng Văn dài 149km, nhưng đi bằng xe gắn máy phải mất hết 1 ngày đường. Đèo dốc quanh co, khúc khuỷu, đầy cua tay áo và nhiều dốc dựng đứng. Một bên là núi đá lạnh lẽo thâm u, một bên là vực thẳm đến rợn người. Lần đầu tiên về miền địa đầu, tôi thấy mây bay dưới chân mình, những ngọn núi xa tít dưới chân mình.

Huyện có 19 xã thì 9 xã có đường biên giới với Trung Quốc. Mùa đông có lúc nhiệt độ xuống đến 0 độ C, nhưng mùa hè nóng nhất chỉ khoảng 24 độ C. Bầu trời hầu như quanh năm mưa và mù nên ở đây người dân có câu: “Đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng”.

Qua cổng trời Thẩm Mã, dốc Chín Khoanh, cổng trời Sà Phìn, bất ngờ hiện ra trước mắt những thung lũng bằng phẳng, đẹp đẽ với dáng cây sa mộc, cây thông Mã vĩ, hoa tam giác mạch nở trắng hồng trên các sườn đồi. Lịch sử miền đá địa đầu Tổ quốc đầy bi thương nhưng cũng đầy oai hùng trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, gìn giữ bờ cõi biên cương và xây dựng cuộc sống mới.

Đồng Văn vừa nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nhưng khó ai quên được một thời, miền đá là trung tâm thuốc phiện lớn của khu vực Đông Nam Á, với diện tích hơn 4.200ha, cho ngót nghét 30 tấn nhựa/năm. Loài độc dược này đã nuôi cao nguyên đá và cũng suýt giết chết cao nguyên đá trong sự bay bổng của khói thuốc. Dưới chân ngã 3 Sà Phìn, nhà Vương (Vua Mèo) vẫn còn đó, như một chứng tích của con đường thuốc phiện xuyên quốc gia vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Sau khi kháng chiến chống Pháp thành công, đặc biệt là từ năm 1959, khi Trung ương Đảng quyết định mở đường Hạnh Phúc, nối liền Hà Giang, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, sức sống vùng cao nguyên đá đã trỗi dậy. 10 tháng đầu năm nay, Đồng Văn thu hoạch được 16,5 ngàn tấn thóc và ngô, có đàn gia súc hơn 45.000 con.

Đồng Văn bây giờ đã có đường ôtô về 19/19 xã, 18/19 xã có điện lưới quốc gia, thu nhập đầu người bình quân 2,5 triệu đồng/năm. Đây không đơn thuần là những con số, mà nó là cả một sự phấn đấu đầy thử thách của gần 60.000 người thuộc 17 dân tộc anh em ở Đồng Văn. Họ lèn đất, lèn nước vào đá, gieo hạt lúa hạt ngô để sống.

Thao thức miền địa đầu

Về Đồng Văn, không leo lên cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc của địa đầu Tổ quốc, thì cũng như về Cà Mau nhưng chưa ra tới đất Mũi - điểm cực Nam, chót cùng đất nước. Giàng Páo, người Mông, lái xe gắn máy thoăn thoắt như cưỡi ngựa, là cán bộ Ban Tuyên giáo huyện ủy, cười tít cả mắt, bảo tôi: “Lên Lũng Cú đi, ở đó mới thấy nắng, mới thấy địa đầu ra sao”.

Từ Đồng Văn, có 1 con đường dài 26,5km, dẫn lên tới Cột cờ Lũng Cú. Riêng việc mở đường lên đây đã là một huyền thoại. Con đường 1 bên vách đá dựng, 1 bên vực sâu này chỉ làm trong vòng 1 tháng, với sáng kiến… chia đường ra cho từng HTX, rồi chia cho mỗi gia đình, nhà nào làm xong trước thì nghỉ trước. Nhờ vậy, con đường gian nan và nhiều ý nghĩa ấy hoàn thành trong một thời gian kỷ lục.

Trên đỉnh núi Rồng, ở độ cao 1.700m so với mực nước biển, cột cờ Lũng Cú bề thế, thân bằng bê tông, sáu mặt in hình hoa văn trống đồng, cao 17m sừng sững với lá cờ rộng 54m2 phần phật tung bay suốt đêm ngày như khẳng định vững chắc chủ quyền dân tộc. Đứng dưới chân cột cờ, nhìn về phương Nam, tôi thấy lòng mình bồi hồi đến lạ. Cách nơi này 1.650km đường chim bay là mũi Cà Mau nắng sớm mưa chiều, rừng đước rừng mắm xanh thẳm, bạt ngàn ngày đêm vươn dài ra biển. Có điều rất lạ, cho dù ở Đồng Văn trời có âm u, giá lạnh đến mấy thì đỉnh Lũng Cú trời vẫn xanh và nắng vàng rực đến nao lòng.

Giống như xã Đất Mũi của Cà Mau, xã Lũng Cú (Đồng Văn) cũng heo hút và trắc trở. Lý Mí Ná, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cú cho biết: cả xã có 665 hộ, hơn 3.400 nhân khẩu nhưng có đến 151 hộ nghèo. Đồng bào Mông, Lô Lô… trồng lúa trồng ngô mỗi năm chỉ được 1 vụ, năng suất thấp. Xã Lũng Cú bao gồm chín thôn, bản: Lô Lô Chải, Séo Lủng, Tả Giá Khâu, Cẳn Tằng, Thèn Ván, Thèn Pả, Sì Mần Khan, Sán Chồ, Sán Sà Phìn, tất cả ở độ cao trung bình từ 1.600 - 1.800 mét so với mặt nước biển. Ở những địa danh này, mùa đông rất lạnh và có cả tuyết rơi.

Trong số chín thôn, bản của Lũng Cú thì Séo Lủng thuộc phần đất thượng cùng cực Bắc nhưng phải đi bộ mất 15 phút mới tới cột mốc 17 đoạn 3 (Hà Giang - Vân Nam, phân chia từ đời Mãn Thanh năm 1887), đây mới chính là mỏm đất tột bắc. Phía trái thung lũng Thèn Ván thăm thẳm, rộng khoảng 50 ha, bên phải là đầu nguồn sông Nho Quế, bắt nguồn từ Mù Cảng (Vân Nam, Trung Quốc) đổ về Đồng Văn, Mèo Vạc...

Khi nói về nước Việt Nam liền một dải, người ta hay nêu từ Trà Cổ (Quảng Ninh) đến Cà Mau, nếu tính theo bờ biển, hoặc từ Ải Nam Quan (Lạng Sơn) đến Cà Mau, nếu tính theo trục đường quốc lộ, hoặc từ Lũng Cú đến mũi Cà Mau, nếu tính theo giới hạn của vĩ độ. Lũng Cú không chỉ là hình ảnh của Đồng Văn, của Hà Giang, mà còn là tiêu biểu của địa đầu Tổ quốc.

Người Mông có một tập tục hay, đó là sự sòng phẳng. Khi gắp thức ăn cho khách, chủ gắp đều cho cả mình, hay khi uống rượu ngô, anh 1 ly thì tôi 1 ly, không kèn cựa chi hết. Nếu anh không uống, thì coi như anh không thiệt với tôi. Ở nơi thâm sơn cùng cốc này, rượu ngô là thứ đồ uống chính của đồng bào dân tộc. Ăn có thể thiếu, mặc có thể không đủ nhưng rượu ngô luôn phải đầy bình. Rượu ngô uống cùng ớt ngâm, rượu ngô hòa vào bát cơm gạo hẩm, lùa vội hai miếng cho qua bữa... Dẫu cuộc sống nơi này còn khó khăn và gian khổ, nhưng trên môi họ, lúc nào cũng đầy ắp nụ cười.

Thế nhưng, không phải lúc nào người Mông ở Đồng Văn cũng có cơm ăn. Sống trên đá, nguồn nước không có, họ chỉ có thể trồng ngô thôi chứ lấy đâu ra gạo. Ngô, cũng chỉ chế biến được thành món mèn mén mà thôi. Đồng Văn không hề có suối và nước mạch như các vùng núi khác, đá xanh Hà Giang lại nổi tiếng cứng hơn cả đá trắng Ninh Bình nên cũng không thể nào khoan giếng để trữ nước được.

Sau mỗi cơn mưa, nước ở lại trong các hốc đá tai mèo và người dân phải đập đá để tạo ra dòng chảy về một hốc đá lớn với trữ lượng khoảng 100 lít. Những nhà ở xa hốc nước cũng phải mất cả ngày trời mới mang được can nước về. Nhà nào khá giả còn có ngựa thồ nước, chứ nhà nghèo chỉ biết dùng chính sức khỏe của mình mà “cõng” nước về.

Giã từ Đồng Văn, tôi còn nhớ như in câu nói của Bí thư huyện ủy Trần Văn Hòa: “Trên này, Tết đến, cũng là mùa giáp hạt, bà con thường thiếu gạo, thiếu ngô”. Ước gì… tôi bâng quơ nghĩ về một ngày mai.

Trần Minh Trường
(Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.